28/09/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Xu hướng phụ hệ và nam quyền trở lên thống trị xã hội ở các vùng đồng bằng miền Bắc Việt Nam diễn ra sớm hơn theo chiều từ Bắc xuống Nam. Chiều hướng này có vẻ liên quan đến các làn sóng nam tiến từ các cộng đồng xã hội trống lúa vùng sông Dương Tử (sông Trường Giang - Trung Quốc) xuống từ khoảng đầu thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên.
1. Xin nhấn mạnh một điểm ở đây để tránh nhầm lẫn: Các nhóm nhập cư trồng lúa khi đến đã luôn chung sống với những nhóm cư dân trồng lúa hoặc săn bắt hái lượm sẵn có trong vùng, tạo ra những diện mạo văn hóa mới không giống ở nơi họ xuất phát và cũng biến đổi văn hóa cư dân bản địa nơi họ mới hòa nhập. Đó chính là hiện trạng các dạng hình văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ đồng khá đa dạng trên bình tuyến thời gian được các nhà khảo cổ học gọi chung là bình tuyến Phùng Nguyên.
Sự chuyển đổi từ nền tảng mẫu hệ, mẫu quyền sang phụ hệ, phụ quyền là một quá trình dài hàng ngàn năm và ở mỗi vùng cũng khác nhau. Đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn, ngoài sự nhập cư hòa bình do nhu cầu tìm kiếm đất lúa, còn thêm những đợt nhập cư do áp lực của chiến tranh từ những diễn biến chính trị quân sự Trung Nguyên Hoàng Hà và lưu vực trung, hạ lưu Trường Giang (Trung Quốc).
Vùng lưu vực sông Hồng, đồng bằng Bắc bộ và sau đó là lưu vực sông Mã, sông Chu là những vùng Đông Sơn bị cuốn vào những xung đột ngoại biên đầu tiên đó. Số lượng vũ khí đồng tăng rất nhanh - và cũng rất nhanh, hình thành sự khác biệt đáng kể giữa thường dân và những nhóm thủ lĩnh quân sự, quý tộc Tây Âu, Lạc Việt để trở thành những Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Hùng Vương, An Dương Vương… được ghi chép trong sách sử đương thời.
Nam quyền và kèm theo là chế độ phụ hệ trong bối cảnh lịch sử đó đã có điều kiện để phát triển trở thành xu thế chủ đạo của các cộng đồng làng xóm trồng lúa, thủ công, thương mại Đông Sơn ở các vùng đồng bằng trù phú Giao Chỉ, Cửu Chân…
"Một số trong tượng thủ lĩnh nam trên cán dao găm đồng Đông Sơn có mang theo vũ khí như rìu chiến, dao găm… thảng hoặc cả đầu lâu người phía sau lưng" - TS Nguyễn Việt.
2. Điều dễ thấy nhất là ở sự phổ biến các tượng thủ lĩnh nam trên các cán dao găm đồng Đông Sơn vùng Bắc bộ trong hình ảnh người đàn ông đóng khố ngắn, ở trần, đeo đai trán với mớ tóc bím đơn hay bím đôi phía sau lưng, tai và tay đều đeo vòng lớn. Một số trong họ mang theo vũ khí như rìu chiến, dao găm…thảng hoặc cả đầu lâu người phía sau lưng.
Dựa vào hình tượng mô tả các nam thủ lĩnh đó, dễ dàng nhận ra đa số người hóa trang mang vũ khí trang trí trên đồ đồng Đông Sơn đương thời là nam nhân. Họ chèo thuyền, họ vũ công, nhạc công, thầy cúng và chiến binh… Bối cảnh nam quyền thịnh trị đó cũng ghi nhận trong tâm tưởng dân gian được chép lại trong sử sách thế kỷ thứ 13 ở nước ta với các chuyện thời Hùng Vương, như Sơn tinh - Thủy tinh, Thánh Gióng, Lang Liêu, Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm, Thục Phán, Lý Ông Trọng, Trọng Thủy…
Nói đến sự thắng thế của hiện tượng phụ hệ, nam quyền trong thời Đông Sơn ở đồng bằng, trung du lưu vực sông Hồng và đồng bằng Bắc bộ nói chung không mâu thuẫn với tàn dư mẫu hệ. Mẫu quyền đôi lúc, đôi chỗ trỗi dậy như hiện tượng chỉ con trai mẹ Âu Cơ nắm quyền Hùng Vương và khởi nghĩa Hai Bà Trưng với hàng trăm đền thờ nữ tướng khác trong vùng. Kèm theo đó là các biểu tượng thờ mẹ được vinh tôn trên các vũ khí, đồ đồng quý giá đương thời.
Tư liệu về tượng trên cán dao găm Đông Sơn lại cho thấy một bức tranh xã hội đáng suy nghĩ khác ở một trung tâm Đông Sơn phía nam, đó là vùng Thanh Nghệ hiện nay. Tại đây, tượng người trên cán dao găm đa số là tượng nữ chúa, trong đó tiêu biểu nhất là tượng làm theo phong cách nữ chúa tóc bồng kiểu Núi Nưa. Cho đến nay, số lượng dao găm có tượng nữ chúa ở phần tay cầm thống kê được gần 20 chiếc thì phần lớn đều phát hiện được ở vùng sông Chu và sông Hiếu (thượng nguồn sông Cả, Nghệ An).
3. Nếu như ở phần trên, chúng ta thấy phân bố cán dao găm Đông Sơn tượng nam chủ yếu ở vùng Đông Sơn phía Bắc, tương ứng với vùng đang phổ biến chế độ phụ hệ và nam quyền, thì giờ đây, tại vùng phân bố đa số tượng cán dao găm nữ chúa có thể đang còn đậm nét trong tổ chức xã hội hình thái mẫu hệ và nữ quyền chăng?
Đi tiếp về phía nam, vùng nam sông Lam qua đèo Ngang (Hoành Sơn) dấu tích mẫu hệ và nữ quyền vẫn còn đậm nét cho đến tận ngày nay. Đây chính là vùng đất giáo thoa giữa hai nền văn hóa lớn đương thời: Đông Sơn - Sa Huỳnh (tiền thân của Chăm Pa, Lâm Ấp mà sự ngự trị của chế độ mẫu hệ trải qua các triều đại còn dư âm đến tận ngày nay).
Vùng Đông Sơn phía Nam, đất Thanh Nghệ sau này, từ khi trở thành đất quận huyện của nhà Hán đã có chuyển đổi nhanh sang hình thái xã hội phụ hệ. Những câu chuyện xung quanh những cải cách của Nhâm Diên, thứ sử vùng ở nửa sau thế kỷ 1 trước công nguyên, phản ánh những phong tục bản địa đậm màu sắc "thuần hậu, chất phác", trong đó bao hàm cả những tàn dư mẫu hệ. Tôi tin rằng, rất nhiều cừ súy Cửu Chân tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng như Đô Dương, dù là những nam thủ lĩnh, vẫn tuân theo chỉ dẫn của những nữ chúa, người mẹ quyền lực trong vùng.
Đây cũng là vùng xuất lộ những con dao găm mà ở phần cán hoặc đúc tượng hai nữ chúa sinh đôi ngồi trên lưng voi, hoặc nữ chúa ngồi trên vai của các hầu nữ khác. Cho đến hôm nay tôi đã chứng kiến 4 dao găm Đông Sơn có hình tượng nữ chúa ngồi trên vai hầu nữ. Nữ chúa trên cán dao găm Đông Sơn trưng bày tại Nhà hàng Trống Đông Sơn (phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội) có mớ tóc bồng đai trán rất đặc trưng vùng sông Mã/ Chu xứ Thanh. Bà mặc áo váy thêu hoa liền thân, đeo thắt lưng giải có búi hình quả chùy thả xuống tận mắt cá chân. Tai đeo khuyên, tai mang vòng và cổ đeo nhiều chuỗi vòng quý phái. Bà ngồi trên vai một nữ hầu hộ pháp ăn vận cùng phong cách với chủ nhân. Hai tay nữ chúa ôm lấy trán người hầu đề giữ tư thế thẳng lưng oai phong mà vẫn duyên dáng.
Cuộc truy tìm lưỡi dao găm đặc biệt
Trong một vùng phương Nam đậm đặc văn hóa Sa Huỳnh như Quảng Ngãi, cách đây gần 20 năm phát lộ một làng Đông Sơn nhập cư tại một vùng mang tên Gò Quê, trong vùng giải tỏa cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Sau một hồi dân tự khai đào, dò đồ, năm 2009, Viện Khảo cổ học đã khai quật ở đây và liền sau đó, tôi cùng nhà sưu tầm địa phương Lâm Dũ Xênh đã dành khá nhiều thời gian gặp từng người dân sưu tầm lại, tạo nên sưu tập Gò Quê nổi tiếng của Lâm Dũ Xênh. Tôi đã viết một bài báo dài về sưu tập này đăng trên tạp chí Cẩm Thành của Sở Văn hóa Quảng Ngãi.
Điều đáng nói ở đây là công cuộc truy tìm của tôi về một con dao găm cán tượng người đã đào được ở Gò Quê mà người dân đã bán cho một khách sưu tầm nước ngoài. Sau vài năm tìm kiếm, tôi được một đồng nghiệp khảo cổ CHLB Đức thông báo rằng anh được một nhà sưu tầm ở Hong Kong (Trung Quốc) gửi hình và cho biết có một dao găm như vậy mua ở miền Trung Việt Nam, vùng Dung Quất.
Tôi được anh san sẻ các hình vẽ đó và nhận ngay ra dao găm Đông Sơn cán tượng người với mớ tóc bồng có một bím tết đơn phía sau lưng như kiểu đầu tượng nữ xứ Cửu Chân. Độc đáo ở chỗ tay phải nữ chúa cầm rìu cán ngắn, tay trái ôm khiên nhỏ hình chữ nhật. Ở vị trí thắt lưng là hai móc đeo kèm hai lục lạc đồng trang trí như dạng búi thắt lưng quý tộc. Thêm nữa, lần đầu tiên chúng ta chứng kiến khuyên tai ba mấu rất phổ biến của văn hóa Sa Huỳnh gắn trên tai trái của nữ chúa. Đây có lẽ là con dao găm Đông Sơn đi xa nhất về phía nam và hiện nguyên trạng vị thế một quý tộc nữ Sa Huỳnh!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất