Nam hay nữ quyền trong thời kỳ Đông Sơn? (kỳ 2): Góc nhìn từ vũ khí, nông cụ và nhạc cụ Đông Sơn

14/09/2023 19:19 GMT+7 | Văn hoá

Nếu tính tỷ lệ phần trăm số lượng hiện vật khảo cổ bằng đồng thời Đông Sơn thì vũ khí chiếm số lượng lớn nhất. Điều đó phản ánh tình trạng chiến tranh khá phổ biến đương thời. Nhất là khi, nhiều dụng cụ bằng đồng trước đây được cho là dụng cụ sản xuất, như rìu chặt, thuổng, vời, lưỡi cày được các mộ táng bảo tồn nguyên cả phần cán gỗ, chứng minh chúng là vũ khí (như trường hợp loại hình hiện vật giống lưỡi cày hình tim chẳng hạn) hoặc dụng cụ có thể dùng cả trong chiến đấu, như những lưỡi rìu chặt.

1. Nhưng thật khó kết luận rằng vũ khí Đông Sơn chỉ dùng cho đàn ông, khi mà chưa có những thống kê thuyết phục về giới tính và đồ tùy táng kim loại thời Đông Sơn. Và nhất là tượng cán dao găm cho thấy cả nam lẫn nữ đều có thể mang theo vũ khí, như tượng nữ chúa Núi Nưa trong sưu tập Đông Sơn của Hioco Galery ở Paris và tượng thủ lĩnh nam Quả Cảm trong sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn ở Hà Nội.

Nam hay nữ quyền trong thời kỳ Đông Sơn? (kỳ 2): Góc nhìn từ vũ khí, nông cụ và nhạc cụ Đông Sơn - Ảnh 1.

Hai ảnh trái: Tượng thủ lĩnh nam phong cách Quả Cảm mang cây rìu chiến trên cán dao găm Đông Sơn (sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội) và lưng đeo đầu lâu tay cầm dao găm. Hai ảnh giữa : Tượng cán dao găm nữ chúa quyền lực Đông Sơn với tay phải cầm rìu chiến cán ngắn trong sưu tập Hioco, Pháp (một hình chụp X-Ray trong phòng thí nghiệm của CIRAM, Paris). Ảnh bên phải là cán kiếm ngắn có tượng hai nữ chúa song sinh Đông Sơn tóc bồng ngồi xổm ôm gối trên lưng voi chiến được đỡ bởi đôi cá sấu (sưu tập Hioco, Pháp).

Số lượng các nữ tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng càng khiến chúng ta tin rằng đến tận giai đoạn Đông Sơn muộn (thế kỷ 1 sau Công nguyên) thì vũ khí không thể mặc nhiên coi như của đàn ông!

Vũ khí xáp chiến Đông Sơn chủ yếu là loại hình đâm xiên (giáo lao) và chặt bổ cán ngắn (rìu, qua). Kiếm, gươm chỉ mới thấy trong bộ phận Đông Sơn Tây Âu, sớm nhất vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên. Cung, nỏ là vũ khí có thể sát thương từ xa được dùng rất phổ biến, từng thấy mô tả trên thuyền chiến Đông Sơn. Và ở đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, Mã Viện đã từng gửi tấu chương đưa 3.000 tay nỏ Lạc Việt từ Giao Châu về Trung Nguyên giúp nhà Hán đánh giặc.

Nam hay nữ quyền trong thời kỳ Đông Sơn? (kỳ 2): Góc nhìn từ vũ khí, nông cụ và nhạc cụ Đông Sơn - Ảnh 2.

Cảnh chiến binh nam trên thuyền chiến với tù binh và đầu lâu quân địch trên tay (hình trang trí trên thạp Đông Sơn, Bảo tàng Barbier-Mueller, Geneva, Thụy Sĩ)

Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu chăng cung nỏ cũng được dùng cho cả nam lẫn nữ thời Đông Sơn?! Một gợi ý: Khi xem xét cách chiến binh Đông Sơn trong đó bao gồm cả các nữ tướng như Bà Trưng, Bà Triệu thường sử dụng tượng binh, thì việc dùng cung nỏ gây sát thương từ xa với quân địch là điều rất có thể.

"Trên mọi lĩnh vực của đời sống Đông Sơn thông qua hiện vật khảo cổ học, từ chiến đấu, sản xuất đến nhạc hội, vai trò nam, nữ không có sự chia tách cụ thể mà hòa quyện lẫn nhau" - TS Nguyễn Việt.

2. Nông cụ trong sưu tập đồng Đông Sơn khá hiếm thấy. Có người cho rằng, chúng dễ bị hư hỏng và biến thành nguyên liệu đúc mới nên hiếm gặp trong các mộ táng đương thời. Tuy nhiên, nếu hiểu sâu sắc về cách làm nông đương thời, có thể thấy nông cụ nhà nông chủ yếu bằng tre nứa, gỗ hơn là bằng loại vật liệu kim loại giá trị cao như đồng.

Năm 2007, sau khi nghiên cứu bộ đồ đồng khai quật ở Yangpudou (Dương Bộ Đầu, Vân Nam, Trung Quốc) đa số còn nguyên cán gỗ sơn then, tôi đã viết một bài phủ nhận chức năng "lưỡi cày", "thuổng" và "vời"… của những công cụ đồng hình tim phát hiện trong trống đồng Cổ Loa, hình thuổng ở Làng Cả, Gò De, hình  vời ở Làng Vạc… và xem chúng như những vũ khí chém bổ có cán cong và tra dọc trục cán như kiểu lưỡi qua, lưỡi rìu.

Nông cụ chuyên biệt dễ thuyết phục nhất trong khảo cổ học thời kim khí Việt Nam là những lưỡi dao cắt lúa. Cho đến nay chúng ta mới chính thức phát hiện hai "lưỡi liềm" ở Gò Mun (Phú Thọ) và Chùa Thông (Hà Nội). Kiểu liềm này khá giống liềm cắt lúa mạch của Trung Hoa cổ, trung và cận đại, tra cán bằng một đai đúc tròn. Bên cạnh đó, phổ biến loại dao cắt nhỏ hình bán nguyệt hay hình lá đúc từ một phiến đồng mỏng có hai lỗ thủng hoặc có móc ngón tay hình nhẫn.

Nam hay nữ quyền trong thời kỳ Đông Sơn? (kỳ 2): Góc nhìn từ vũ khí, nông cụ và nhạc cụ Đông Sơn - Ảnh 4.

Những lưỡi hái nhỏ dùng trong nghi lễ lúa mới Đông Sơn

Nghiên cứu loại hình công cụ cắt lúa này và công bố trên tạp chí Khảo cổ học từ đầu 1980, tôi đã chủ trương cho rằng, chúng không phải là dụng cụ đại trà cho mọi nhà nông, mà chỉ là dụng cụ nghi lễ, tương tự như việc các "mỡi" Mường sử dụng cái hái nhắt (nái tọm) trong lễ lúa mới. Những dao cắt hay lưỡi hái này cắt nhẹ nhàng từng nhánh lúa mới đem về cúng Mẹ Lúa cầu mong mùa màng bội thu. Trong trường hợp này, bộ dao cắt lúa thuộc về các mẹ.

Người đàn bà Đông Sơn vẫn là linh hồn của bếp ăn trong từng gia đình. Hình ảnh hai người phụ nữ giã gạo và sàng lúa bên nhà kho có đàn gà thể hiện trên những trống đồng Đông Sơn đẹp nhất cho thấy vị trí không thể thay thế trong tư duy nghệ thuật tâm linh Đông Sơn.

3. Tôi muốn dành ít dòng về vai trò nam, nữ thông qua bộ nhạc cụ Đông Sơn. Chúng ta có một số hình ảnh trên đồ đồng Đông Sơn liên quan đến những người sử dụng hai loại nhạc cụ gõ Đông Sơn: trống đồng và chiêng (thanh la). Dựa trên kiểu phục trang, đầu tóc giống nhau giữa những người giã, sàng gạo với những người giã trống đồng trên sàn nhà sàn, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng phụ nữ là những người đánh trống, chiêng trong lễ hội. Điều này được tài liệu dân tộc học người Mường ủng hộ.

Tuy nhiên, quan sát cách thể hiện hai người ngồi trên dàn tre dùng một tay dóng trống và hình mô tả hai người đứng và ngồi đánh trống da bên trong nhà nghi lễ và giữa sân lễ hội lại thấy họ như những người đàn ông đang làm chủ lễ nhạc.

Nam hay nữ quyền trong thời kỳ Đông Sơn? (kỳ 2): Góc nhìn từ vũ khí, nông cụ và nhạc cụ Đông Sơn - Ảnh 6.

Ảnh trái : Khối tượng lễ nhạc do nhóm nhạc công nam Đông Sơn với người đánh trống ở giữa, hai người thổi khèn và tiêu ở hai góc và những người còn lại tay chống hông đứng hát (sưu tập Hioco, Pháp). Hình bên phải : Những phụ nữ Đông Sơn giã lúa và sàng gạo (thạp Hợp Minh, Bảo tàng Yên Bái)

Phân tích kỹ một vài khối tượng thể hiện ca xướng Đông Sơn như trên khóa thắt lưng thuộc sưu tập Đặng Tiến Sơn (Hà Nội), khối nhạc khèn trống thuộc Pham Collection (Pháp), dàn trống trong khối tượng nhà Đông Sơn (sưu tập CQK, California, Mỹ), dàn múa hai người cõng nhau (bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), dàn múa shaman trên lưng voi của trống đồng (thuộc sưu tập Mai Xuân Trường, Hà Nội) và trên rìu chiến (sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á)…, ta lại thấy vai trò chính của những nhạc, vũ công nam từ khâu đánh trống đến khèn, sáo, ca hò và vũ điệu.

Trên mọi lĩnh vực của đời sống Đông Sơn thông qua hiện vật khảo cổ học, từ chiến đấu, sản xuất đến nhạc hội, vai trò nam, nữ không có sự chia tách cụ thể mà hòa quyện lẫn nhau. Phụ hệ, mẫu hệ, nam quyền, nữ quyền trong thời Đông Sơn rõ ràng đang trong quá trình phân hóa.

Sự thống trị của nhà Đông Hán và các triều đại phương Bắc kế tiếp đã xác lập chế độ phụ hệ và nam quyền ở những vùng quận huyện đồng bằng và trị sở trở thành tuyến phát triển chính thống ở Việt Nam. Tàn dư của nếp sống mẫu hệ, nữ quyền vẫn tồn đọng ở những vùng không chịu ảnh hưởng trực tiếp nền văn hóa và áp lực chính trị quân sự phương Bắc.

Khi Mẫu hệ đóng vai trò nổi trội

Ở một số thời điểm hay khu vực, vai trò Mẫu hệ, nữ quyền có khi còn trội nổi hơn. Như trường hợp Âu Cơ và Lạc Long Quân, chỉ những người con trai theo Mẹ trở thành những người điều tiết đất nước. Và ở những thế kỷ tiếp theo, Bà Trưng gần như đã tỏa sáng thay chồng là Thi Sách, Bà Triệu đã làm lu mờ anh trai Triệu Quốc Đạt.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm