Con đường trở thành Tổng thống Syria của ông Bashar al-Assad

05/09/2013 10:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất thân từ một gia đình chính trị, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sớm trở thành người kế nhiệm cha mình lên nắm quyền ở Syria sau cái chết của người cha năm 2000.

Ông Bashar al-Assad đứng thứ hai, hàng thứ hai từ trái sang trong bức ảnh chụp gia đình

Tổng thống Syria Bashar al-Assad sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị từ nhỏ. Khi Bashar al-Assad được 5 tuổi, cha ông lúc bấy giờ đã tập hợp được quyền lực từ quân đội và sự ủng hộ của người Alawite để trở thành Tổng thống Syria trong suốt ba thập kỷ. 

Bashar al-Assad thời trẻ luôn mơ ước trở trở thành một bác sĩ. Ông có thể nói thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp và công tác tại một bệnh viện ở London. Cha ông luôn hi vọng người anh trai Bassel al-Assad trở thành vị Tổng thống kế nhiệm nhưng không may Bassel đã chết trong một tai nạn xe hơi năm 1994, sự nghiệp chính trị của Bashar al-Assad đã bắt đầu từ đó.

Bashar al-Assad nhậm chức Tổng thống sau cái chết của cha ông năm 2000

Chỉ trong 5 năm công tác trong quân đội với vị trí cố vấn cho người cha của ông, Bashar al-Assad đã được thăng lên hàm Đại tá. Cái chết của cha ông Hafez al-Assad năm 2000 đưa Bashar lên vị trị Tổng thống Syria với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của Quốc hội và người dân. Có một chi tiết đáng chú ý rằng khi đó độ tuổi tối thiểu có thể trở thành Ứng cử viên Tổng thống là 40 tuổi nhưng Quốc hội Syria nhanh chóng bỏ phiếu giảm độ tuổi cần thiết để mở đường cho Bashar al-Assad trở thành Tổng thống Syrira trong 7 năm. Năm 2007 ông một lần nữa tái giữ chức Tổng thống Syria với sự ủng hộ của 97% người dân.

Người dân Syria tin tưởng rằng với những tri thức đã học từ phương Tây, Bashar al-Assad sẽ đem đến một cánh cửa mới cho Syria, thoát khỏi sự độc tài chuyên quyền vốn đã ăn sâu trong hệ thống các nước Arab.

Bashar al-Asad bắt tay cùng Đại tá Moammar Gahdafi

Nhà lãnh đạo Syria luôn cho rằng chỉ có cải cách và dân chủ mới đem đến một cuộc sống tốt hơn cho người dân, ông là người đã đưa Syria đến với những công nghệ của thế kỷ 21 như máy tính, mạng internet và điện thoại di động. Dưới sự lãnh dạo của ông Bashar, nền kinh tế Syria đã có những cải thiện nhất định kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1990 ảnh hưởng đến tất cả các nước XHCN. Tuy vậy những cáo buộc tham nhũng của chính phủ khiến Syria không thể có những bước nhảy vọt rõ rệt. Nhìn chung Syria dưới thời ông Bashar al-Assad không có nhiều khác biệt so với khi cha ông còn nắm quyền.

Trên phương diện ngoại giao, Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì mối quan hệ quân sự với Lebandon, ủng hộ những tổ chức Hamas hay Hezbollah, có những sự xung đột sâu sắc với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Sự thay đổi chế độ ở những quốc gia trong khu vực như Tunisia, Ai Cập hay Libya dẫn tới làn sóng biểu tình rộng khắp Syria đầu năm 2011. Một số mạng xã hội Facebook, Twitter hay trang video Youtube đều bị chính phủ Syria ngăn cấm xâm nhập vào đất nước. Tháng 5 năm 2011, ông Bashar al-Assad hứa hẹn về một cuộc bầu cử dân chủ vào năm 2014, tức là sau hai nhiệm kỳ 7 năm ông nắm quyền ở đất nước. Tuy nhiên những động thái chần chừ của chính phủ sau đó tạo nên làn sóng phản đối mạnh mẽ tới mức trở thành cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài cho đến nay. Liên đoàn Arab đưa ra tiếng nói yêu cầu ông Bashar al-Assad cần sớm từ chức để đưa đất nước Syria sang một trang mới.

Ông Bashar al-Assad cho rằng những cáo buộc của phương Tây với Syria là một sự xúc phạm

Sau hơn hai năm nội chiến khốc liệt khiến hơn 100.000 người thiệt mạng và 2 triệu người dân phải đi sơ tán tới các nước láng giềng, chính phủ Syria đang đứng trước một nguy cơ đến từ Mỹ và phương Tây. Ông Bashar Al-Assad phủ nhận những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 gần Damascus và cho rằng đó chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh làm phức tạp thêm tình hình ở Syria.


Nguyễn Hồng Đăng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm