'Mục sở thị' kho tập kết gỗ được chặt hạ trên các tuyến phố Hà Nội

23/03/2015 21:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng trăm cây xanh bị chặt được chuyển về một bãi tập kết khổng lồ có diện tích chừng 10ha kéo dài gần 500 mét. Bãi tập kết được quây kín tôn, cổng khóa và luôn có bảo vệ túc trực. Các cây được đưa về đây để chờ tái sử dụng hoặc bán đấu giá.

Trước thắc mắc của dư luận về quy trình thu hồi, tập kết gỗ và cây sau khi tiến hành chặt hạ, thay thế cây xanh, ngày 23/3, phóng viên đã có buổi "mục sở thị" tại vườn ươm và kho chứa gỗ Cầu Diễn, thuộc quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh - địa điểm tập kết gỗ, cây xanh sau chặt hạ, thay thế tại một số tuyến phố của Thủ đô những ngày vừa qua.

Khu vườn ươm Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh (Công ty TNHH một thành viên cây xanh Hà Nội), nằm trên đường K2, cách quốc lộ 32 vài trăm mét, là điểm ươm, trồng và tập kết những cây xanh được đánh chuyển trên các tuyến phố của thủ đô. Ngay bên cạnh lối đi dẫn vào vườn là khu vực tập kết gỗ, dài chừng hai trăm mét. Gỗ được xếp gọn gàng với nhiều chủng loại, kích thước, to nhỏ khác nhau, chủ yếu là xà cừ và bằng lăng.

Báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên công viên cây xanh Hà Nội cho biết, tổng số gỗ, củi thu hồi do công tác chặt hạ, thay thế cây trên các tuyến phố: Nguyễn Trãi, Phố Huế, Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh những ngày qua là 186,932 mét khối gỗ xà cừ; 31,699 mét khối gỗ khác và 23,425 mét khối củi.

Số gỗ xà cừ được tập kết chờ xử lý. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Trước thắc mắc của phóng viên về một số cây gỗ có đường kính khoảng 40 đến 50 cm, chất lượng gỗ nạc, bị cắt thành khúc nhỏ, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội giải thích, mặc dù làm như vậy sẽ khiến giảm giá thành của gỗ khi đấu giá. Song, do địa hình của một số tuyến ngõ, phố nhỏ hẹp, không thể thi công bằng cơ giới, phương tiện chuyên chở có hạn, nên đơn vị chức năng buộc phải chia nhỏ ra để vận chuyển.

"Làm như vậy rất tốn công, sẽ đội giá thành cho việc chặt hạ, đôi khi có nhiều cây công ty còn phải bù lỗ, để vận chuyển về tới điểm tập kết theo quy định", ông Hoàng nói.

Về thông tin cho rằng, trên địa bàn Hà Nội có xuất hiện một số xe chở gỗ di chuyển về phía một số làng nghề sản xuất gỗ trên địa bàn Hà Tây (cũ), ông Đỗ Ngọc Hoàng khẳng định, đó không phải là xe của Công ty. Đối với nhiệm vụ thu hồi gỗ, Công ty đã làm theo quy trình nhiều năm nay gồm: Biên bản xác nhận tại hiện trường, dưới sự giám sát, kiểm tra nhập gỗ bởi các đơn vị chức năng của thành phố. Ngoài ra, Ban duy tu các công trình hạ tầng của thành phố cũng cắt cử cán bộ giám sát, đo, đếm gỗ ngay từ hiện trường. Khi xe chở gỗ về đến kho còn phải đối chiếu một lần nữa giữa các bên, trước khi nhập kho. Như vậy, sẽ không có chuyện gỗ chạy "nhầm", không đúng địa chỉ, ông Hoàng quả quyết.

Nhiều phóng viên có mặt tại bãi tập kết của Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Liên quan đến quy trình đấu giá gỗ, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố chưa triển khai đấu thầu. Thường khoảng 3 tháng, các cơ quan liên quan của thành phố như: Sở Tài chính, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố, công ty cây xanh, sẽ tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật.

Giá trị của một mét khối gỗ cũng được tính theo giá thị trường. Số tiền thu được từ đấu giá gỗ sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó khấu trừ vào kinh phí duy tu, cắt tỉa, trồng mới do Công ty thực hiện cho thành phố.

Theo quan sát của phóng viên, ngay cạnh cổng vào Vườn ươm Cầu Diễn là khu vực trồng 128 cây hoa sữa vừa được đánh chuyển từ đường Nguyễn Chí Thanh về ươm, trồng. Những cây này đã được trồng trên đất tốt, cắt tỉa hết cành lá, quấn vải nhựa đen, nhằm hạn chế sự bốc hơi nước của cây. Các cây sống sẽ được tái sử dụng theo quy hoạch của thành phố

Mạnh Khánh - T.Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm