Mùa săn ốc thuốc

05/06/2012 13:51 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Khi túi ốc còn sống mở ra, một mùi hương thoang thoảng tỏa ra. Khó thể tả cái mùi dìu dịu, đầy chất thảo dược đó chính xác thế nào, chỉ biết rằng, nó khiến người ta quên luôn hương vị của loài ốc hương nổi tiếng thơm ngon.

Đó là những gì tôi có thể đưa đến cho bạn đọc khi miêu tả về loài ốc thuốc, hay còn gọi là ốc núi, ốc đá, một loài ốc hiếm gặp đồng thời là một món ăn đặc biệt của người dân tộc Mường, Tày, Thái...


Tình cờ vớ "bí kíp"

Cơn mưa rào bất chợt khiến hành trình đi xe máy vào Thanh Hóa trên QL1A của tôi phải tạm dừng ngay chân đèo Tam Điệp. Phóng vội vào khu vực đền Rồng, đền Nước nằm nép mình dưới những dãy núi, tôi đành giết thời gian bằng cách vãn cảnh đền. Mặc dù chưa qua đèo nhưng đền đã thuộc về đất Thanh Hóa và những người dân gốc ở đây thường là người dân tộc Mường và Tày. Họ khá ngạc nhiên khi tôi biết 2 ngôi đền nhỏ này và nhiệt tình "thiết đãi" bằng những món lộc mà người dân hàng ngày vẫn thắp hương. Thật thú vị khi vẫn còn gặp được những con người chân chất, dễ chịu ngay cạnh con đường vốn tấp nập nhất đất nước này.

Cơn mưa nhanh chóng trôi qua, bà con lại ríu rít ra đồng. Họ đang vào mùa thu hoạch lạc, lúa. Ngược dòng người là 2 phụ nữ quần áo ướt nhẹp, chân tay bọc vải kín, lá cây dính dấp khắp người. Cả hai nói cười vui vẻ và khoe nhau những chiếc túi nho nhỏ trên tay. Tò mò với cái túi nhỏ mà nặng trịch kia, tôi ra hỏi thử. Người phụ nữ không giấu giếm, mở ngay chiếc túi vải. Một túi đầy ốc có mùi hương thoang thoảng tỏa ra. Khó thể tả cái mùi dìu dịu, đầy chất thảo dược đó chính xác thế nào, chỉ biết rằng, nó khiến người ta quên luôn hương vị của loài ốc hương nổi tiếng thơm ngon.

Phải mất hơn nửa tiếng thuyết phục, người phụ nữ mới đồng ý bán lại 1kg ốc có mùi hương đặc biệt đó. Chị cho biết, ốc bắt không phải để bán mà để làm thức ăn tích trữ cả năm. Vào dịp nào đặc biệt lắm mới làm một đĩa nhỏ cho cả gia đình. "Nếu chú muốn mua thêm thì vào hỏi chị tôi. Hôm trước bà ấy bắt được gần 4kg". Sự thật thà của người phụ nữ dân tộc Tày giúp tôi sở hữu thêm được 1 kg loại ốc đặc biệt này nữa.

"Chú thông cảm vì bắt loài ốc này không dễ. Riêng leo núi, rúc bụi cũng đã vất vả rồi. Chưa tính đến chuyện toàn phải leo những vách dựng đứng, trơn tuột. Khó vậy nên chú sẽ chỉ thấy đàn bà đi bắt ốc chứ làm gì có ông nào đi đâu", người phụ nữ Tày vừa cân ốc vừa tâm sự. Chị bán lại cho tôi với cái giá không hề hợp lý so với sự vất vả đó 1 chút nào, 40.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo như chị nói, giá ở chợ là 50.000 đồng/kg. Quá rẻ cho một món đặc sản hiếm gặp.


Đặc sản của người Mường, Tày, Thái

Thực ra, món ốc này chỉ lạ với người Kinh, chứ đối với người Mường, Tày, Thái... nó đã là một món ăn quen thuộc và không thể thiếu trên gác bếp mỗi khi đến mùa. Nó thường được gọi là ốc đá (vì sống trong núi đá), ốc núi hoặc là ốc thuốc (vì họ cho rằng chúng ăn lá thuốc). Những người dân ở đây khẳng định, chúng sống trên núi, chỉ ăn lá thuốc nên rất bổ, nhưng bổ cái gì, bổ thế nào thì họ không biết. Nhưng bằng chứng chúng ăn lá thuốc là mùi hương vô cùng đặc biệt mà chúng tỏa ra. "Đó chắc chắn là mùi hương của lá, của hoa thuốc nên rất dịu và quyến rũ", một người đàn ông đứng ngoài hóng chuyện góp vui. Với tôi, qua quan sát, nếu xét về hình dạng và đặc điểm sinh sống, chúng là dạng ốc sên. Hơi khác với 1 số loài sên thường gặp, chúng có màu đen, nắp vảy, và râu rất dài. Không ai rõ chúng ăn gì, ở đâu bởi địa hình chúng sống rất hiểm trở và ít khi gặp.

Điều đặc biệt về loài ốc này là không phải lúc nào cũng có thể bắt được. "Cứ tầm tháng 4 âm lịch, khi có mưa rào hoặc mưa dầm, rừng núi ẩm ướt thì loài này bắt đầu xuất hiện. Chẳng biết chúng ra từ đâu, ra làm gì nhưng nhiều lắm. Rồi sau đúng 3 tháng (tháng 4, 5, 6 âm lịch), chúng lại biến mất, tịnh không thể tìm thấy. Ấy vậy nên trong thời gian này, chúng tôi đi bắt tối đa và để dành ăn dần đến mùa sau", người phụ nữ có cái tên dân tộc mà tôi không thể phiên âm nổi chia sẻ.

Chị cho biết, cách bảo quản ốc của người Tày rất độc đáo. Dựa vào đặc điểm sinh thái của "trốn trong vỏ" của chúng, người ta kẹp lại đưa lên gác bếp. Để đảm bảo cho chúng cái ăn, họ chỉ cần thi thoảng cho 1 ít bột ngô vào vỏ ốc. Chúng có thể trong tình trạng này cả năm trời mà không chết, thậm chí do được ăn bột ngô nên vẫn béo ngậy.

"Nói thật là tôi cũng chẳng biết chúng có thể sống được bao lâu nhưng chắc chắn là để gác bếp thoải mái, khi nào cần lấy ra vẫn thấy chúng sống bình thường", người phụ nữ khẳng định.

Một điều đáng chú ý khác là không phải quả núi nào cũng có loài ốc sên đặc biệt này. Như tại khu vực núi quanh đền Rồng, đền Nước, chỉ có mặt sau của núi đền Rồng là có, tịnh các núi khác không thấy một con nào. Bởi lẽ vậy nên người dân sống quanh khu vực này cứ đến mùa là tìm về đây bắt ốc ăn.

"Tôi cũng không rõ có phải do có cây thuốc ở núi này hay không mà chỉ có ở đây mới có ốc. Nếu muốn đi bắt ở chỗ khác, thường người ta phải hỏi người địa phương đó rồi mới khẳng định được chứ chẳng dám mò bừa lên núi vì rất có thể gặp nguy hiểm hoặc về tay không", người phụ nữ Tày chia sẻ.


Cầu kỳ chế biến

Những tưởng món ốc thuốc này cũng như bao món khác, chỉ việc cho vào nồi và luộc. Nhưng tôi liên tục nhận được những khuyến cáo từ 2 người phụ nữ Tày, phải luộc cẩn thận không thì chỉ có cách đập nát vỏ ra mới lấy được thịt ốc. "Chú phải rửa sạch, cho vào một cái rổ hấp với xả và 1 bát nước nhỏ. Nhưng không được dùng nước lạnh đun mà phải dùng nước nóng. Chỉ cần sôi xủi lên khoảng 3-4 phút lập tức bắc ra. Để lâu quá nó teo lại, tụt vào trong thì không cách nào khêu ra được. Riêng với món nước chấm thì không cần quá cầu kỳ, chỉ cần tỏi ớt, gừng là đã đảm bảo thưởng thức hết vị giòn, ngọt, thơm và béo của ốc thuốc rồi", hai người phụ nữ hướng dẫn tôi nhiệt tình.

Cầm loài ốc này về gặp một người chuyên sống nhờ rừng ở khu vực Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, ông thừa nhận đây đúng là loài ốc mà người dân tộc Mường, Tày, Thái... rất ưa thích. Ông cho biết, thông thường chúng hay ăn rêu và nếu đi bắt ốc này, người ta thường lấy thêm rêu để làm món canh rêu. Riêng với ốc thuốc, một số nơi còn gọi loài này với một cái tên khá đơn giản, sên sển sền sên. "Lúc nhỏ bọn trẻ con rất thích bắt những con sên này cho chúng múa. Hẳn chú biết câu đồng dao: Sên sển sền sên, mày lên công chúa, mày múa tao coi... Đó chính là con này bởi nó rất dài, dẻo và đặc biệt có đôi râu uốn lượn rất thích mắt". Riêng về chế biến món ăn, ông cho biết có nơi chuyên luộc rồi khêu thịt ra xào với mùng tơi. Đối với dân đi rừng thì đây là món nhậu cực bắt mồi.


Một số người đồn rằng, loài ốc sên này có rất nhiều ký sinh trùng không tốt cho sức khỏe, không nên ăn nhưng những người bán ốc này lại cho rằng, ốc nào chẳng có thể có ký sinh. Có một cách xử lý đơn giản nhất chính là ngâm ốc với ớt để các loại ký sinh bị loại bỏ. Đây là cách làm rất phổ biến ở các quán ốc cũng như ở nhiều nơi.

Riêng đối với tôi thì điều quan trọng là tôi đã được thưởng thức món đặc sản chẳng dễ gì có được. Nếu bạn có cơ hội, hãy thử thưởng thức để cảm nhận rõ hơn những nét văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm