Mourinho và nghệ thuật tạo ra sự trung thành

05/12/2014 14:43 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Wesley Sneijder từng nói anh sẵn sàng “chết vì (Jose) Mourinho” trong thời gian ông còn ở Inter Milan. Didier Drogba hiện là minh chứng sống cho một thứ nghệ thuật đã mất nơi các HLV bóng đá thời kim tiền: Tạo ra sự trung thành tuyệt đối từ những học trò.

1. Sir Matt Busby, Bill Shankly, Johan Cruyff hay Sir Alex Ferguson trở thành những HLV vĩ đại không chỉ bởi phong cách và các danh hiệu, mà còn ở chỗ họ có thể tạo ra sự tin tưởng và tận hiến từ các cầu thủ.

Bóng đá hiện đại chứng kiến nhiều HLV tài giỏi về chiến thuật, những bậc thầy về động viên và khích lệ, về tâm lý hay con mắt nhìn cầu thủ, nhưng những người tạo ra sự gắn bó như máu thịt với những học trò của mình đang ngày càng trở nên ít ỏi, một phần vì tác động của tiền bạc, phần khác vì ngày nay có rất ít HLV gắn bó với một đội bóng đủ lâu.

Mourinho đang là một khác biệt, và Drogba là niềm tự hào của ông. Trong bối cảnh Diego Costa vắng mặt, chân sút 36 tuổi này đã là người thay thế thật sự xứng đáng cho hợp đồng 32 triệu bảng được kỳ vọng rất nhiều của Chelsea. Tiền đạo người Bờ Biển Ngà vốn nổi tiếng bởi sự chuyên nghiệp tuyệt vời, nhưng để chiến đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng như trong chiến thắng Tottenham 3-0 tối thứ Tư, Drogba cần nhiều hơn sự chuyên nghiệp.

Cũng như nhiều cầu thủ mà Mourinho từng làm việc cùng, Drogba coi mình là người của ông thầy Bồ Đào Nha. Anh chiến đấu vì khát khao chiến thắng, như mọi cầu thủ khác, nhưng Drogba cũng chiến đấu vì Mourinho nữa. Động lực đó không nhất thiết là một động lực phụ, đôi khi, nó trở thành sự khích lệ quan trọng nhất để anh đuổi theo từng đường bóng, và ghi bàn.

Trước khi trở về Chelsea từ Galatasaray mùa Hè vừa rồi, Drogba từng nói anh cảm thấy mình và Mourinho vẫn còn “những việc chưa làm xong” ở Chelsea. Drogba thậm chí còn nói về một tương lai mà anh sẽ gia nhập ban huấn luyện của Mourinho. “Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất với CLB là đưa Jose trở lại”, Drogba nói. “Các CĐV muốn ông ấy trở lại. Ông ấy yêu Chelsea. Ông ấy sẽ là người có thể xây dựng lại đội bóng mạnh mẽ như vài năm trước. Ông ấy là người chiến thắng, gần gũi với các cầu thủ và lúc nào cũng nghĩ về Chelsea”.

2. Một biệt tài của Mourinho, mà ông thể hiện ở mọi đội bóng mình dẫn dắt, là tạo ra bầu không khí “chúng ta chống lại thế giới” trong các cầu thủ, từ đó giúp họ gắn kết với nhau và nhất là luôn tuân lệnh, kính phục và chiến đấu vì ông. Tôn chỉ của Mourinho là rất rõ ràng: Tập thể quan trọng hơn cá nhân. Các cầu thủ không được phép ích kỷ. Đổi lại, Mourinho sẽ hứng chịu mọi chỉ trích nhắm vào đội bóng.

Ông xây dựng hình ảnh của một người cha, hay ít ra, một trưởng lão dẫn dắt bộ lạc của mình tới bến bờ vinh quang, và qua đó đòi hỏi sự trung thành vô điều kiện. Vẫn sẽ có những người nổi loạn, nhưng Mourinho luôn hành động nhanh chóng và không thương tiếc. Một William Gallas yêu sách đá trung vệ nhanh chóng bị thanh lý. Ricardo Carvalho không hài lòng với việc ngồi dự bị ngay lập tức bị chỉ trích công khai.

Cách làm tương tự được ông lặp lại ở Inter Milan. Mourinho truyền cho Inter tinh thần chiến thắng như ở London, và sử dụng những cầu thủ như Marco Materazzi và Sneijder để đảm bảo triết lý của ông được quán triệt cả trên sân và trong phòng thay đồ. Ở Inter, Materazzi đã thực sự hành xử như một tay "đồ tể" của Mourinho, quát tháo Mario Balotelli, lúc đó chưa tới 20, không thương tiếc sau khi tiền đạo này không ăn mừng chiến thắng 3-1 của Inter trước Barcelona ở bán kết Champions League.

3. Với Real Madrid, cách làm đó không thật hiệu quả, bởi đội bóng áo trắng chịu quá nhiều sự can thiệp từ bên ngoài và bên trên, dẫn tới việc cuối cùng Mourinho đã ra đi trong đổ vỡ. Nhưng với Chelsea lúc này, “Người đặc biệt” đang trở lại với vai trò quen thuộc của ông, thuyền trưởng, người cha, người dẫn dắt và giống như mọi khi, chừng nào các cầu thủ còn trung thành tuyệt đối với Mourinho, đội bóng của ông sẽ còn chiến thắng.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm