17/02/2015 06:42 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến
(Thethaovanhoa.vn) - Dưới góc nhìn của giải Âm nhạc Cống hiến, gương mặt ấn tượng là nghệ sĩ đã có những tác động tích cực đến đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam. Dù là một quá trình hay chỉ một “khoảnh khắc” nhưng nó có tác động mạnh mẽ và mang nhiều ý nghĩa. Điều đặc biệt là đại đa số những gương mặt được xem là ấn tượng của thập niên 2004-2014 đều đã từng đoạt giải hoặc nằm trong đề cử của Âm nhạc Cống hiến.
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi giới thiệu đến độc giả những gương mặt ấn tượng của 10 năm nhạc Việt tính từ cột mốc ra đời giải Âm nhạc Cống hiến.
Tùng Dương: Xứng đáng là divo của làng nhạc
Tùng Dương là ca sĩ đã thu phục được hầu hết giới chuyên môn âm nhạc, kể cả một số nghệ sĩ quốc tế. Các ban nhạc jazz ngoại quốc đến Việt Nam và muốn tìm một giọng ca nam để biểu diễn chung thì Tùng Dương là lựa chọn số 1. Tuy nhiên, Tùng Dương như đang lạc lõng giữa thế giới âm nhạc “não tình” của thị trường.
Tùng Dương xuất hiện trên bầu trời ca nhạc cùng thời điểm với giải Âm nhạc Cống hiến, và như một cái duyên, dường như anh tìm thấy ở đó sự đồng cảm, một tình nghệ sĩ, một nguồn cổ vũ lớn lao cho những sáng tạo trên con đường nghệ thuật chông gai của mình. Tùng Dương là ca sĩ đầu tiên giành giải Ca sĩ của năm (giải Tiền Cống hiến) và anh là người đoạt nhiều giải Cống hiến nhất tính đến thời điểm này (tổng cộng tám giải).
Tùng Dương có biệt tài khi diễn đạt những giai điệu mang chiều sâu nội tâm, nhưng là những điều lớn lao, hào sảng, hoặc “quái” chứ không phải cái nội tâm tự sự, tâm tình. Đặc biệt là thể hiện những tác phẩm mang tính khám phá sáng tạo mới mẻ.
Được công chúng cả nước biết đến từ Sao Mai - Điểm hẹn 2004, và cũng từ đây anh bắt đầu dấn thân vào con đường khám phá âm nhạc mang đầy cá tính. Tùng Dương thành công với nhiều phong cách âm nhạc như: dân gian đương đại, new age, điện tử, jazz, world music… Mỗi chặng đường ngắn, mỗi sản phẩm của anh, đa số đều mang sự khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phát triển của âm nhạc đại chúng Việt Nam.
Âm nhạc mới lạ và quá cá tính, nên nhiều người “tặng” cho anh biệt danh “quái”, nhưng cái “quái” của Tùng Dương được mọi người nể phục vì nó được bảo chứng bởi đẳng cấp âm nhạc và sự thể hiện xuất sắc đến mức “nhập đồng”, lột tả hết tâm can.
Đi qua 10 năm miệt mài lao động nghệ thuật, Tùng Dương không phải là ngôi sao “hot” trên thị trường âm nhạc, nhưng chắc chắn lịch sử nhạc đại chúng Việt sẽ dành cho anh một vị trí trang trọng bởi những đóng góp âm nhạc mang tính xu hướng của anh, sự đóng góp mà theo nhạc sĩ Huy Tuấn là “xứng tầm với một divo”.
Lê Cát Trọng Lý : “Chênh vênh” mà chẳng chênh vênh
Không có những live show hoành tráng ở sân vận động, âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý là những câu chuyện “thầm thì, thủ thỉ” với những người đồng cảm và số người này không thuộc số đông. Những buổi diễn sốt vé của Lý cũng chỉ vài trăm khán giả, nhưng đó là những “trí thức âm nhạc” (trong bối cảnh thị trường nhiều nhiễu nhương) và thật sự muốn đến để nghe Lý hát.
Âm nhạc của Lý nhiều cảm xúc và tự nhiên, mộc mạc, có khi pha chút “triết lý” đơn giản. Trong giai điệu một số ca khúc của Lê Cát Trọng Lý, man mác chất dân gian, khó cắt nghĩa, hay nói nôm na là có “tính Việt”.
Nhạc của Lý không già cũng không trẻ, người yêu thích nhạc của Lý tìm thấy ở đó một cá tính âm nhạc, một chút chiều sâu của suy nghĩ tuổi trẻ - điều mà thị trường âm nhạc đang thiếu vắng. Giọng ca của Lý không hay, nhưng khi ôm đàn hát thì say sưa, rất có duyên, đặc biệt là rất lôi cuốn khi biểu diễn những ca khúc do mình sáng tác.
Giao lưu khi biểu diễn, Lý không phải là người ăn nói lưu loát hoặc khôn ngoan, sâu sắc mà là những lời nói thật lòng và đôi lúc có những câu nói “chưng hửng” nhưng lại chiếm được cảm tình khán giả.
Có thể nói, Lê Cát Trọng Lý là một điển hình thành công của singer-songwriter (tự sáng tác và biểu diễn) trong thị trường âm nhạc thập niên qua.
Lê Cát Trọng Lý được biết đến khi cô đoạt giải Bài hát tháng và sau đó là Bài hát năm của chương trình Bài hát Việt 2008 với ca khúc Chênh vênh. Hai năm sau, cô “lên giá” khi giành giải Nhạc sĩ của năm - Âm nhạc Cống hiến lần 6 - 2011 và là gương mặt được “tôn trọng” trong thị trường âm nhạc. Từ đó đến nay, cô xác lập vững chắc chỗ đứng của mình, dù khởi đầu là “Chênh vênh”…
Uyên Linh: Tiếng hát lay động hàng triệu con tim
Trong trào lưu truyền hình ca nhạc thực tế ở Việt Nam, có thể nói Uyên Linh là một điển hình tiêu biểu cho slogan “From zero to hero” (từ số không trở thành anh hùng).
Trong bối cảnh thị trường âm nhạc xô bồ, hát nhép tràn lan, hoặc những chiêu trò nhảy múa đi kèm với lối hát vô cảm thì Uyên Linh xuất hiện như một “anh hùng”.
Với giọng hát truyền cảm được hát bằng tất cả trái tim và sự đam mê, Uyên Linh đã chinh phục trái tim mẫn cảm của đông đảo người nghe nhạc. Khi Uyên Linh trình diễn ca khúc Đường cong (của Nguyễn Hải Phong), giám khảo Siu Black không kìm được “máu nhạc” sùng sục trong huyết quản, đã đứng dậy hào hứng nhảy múa; nhạc sĩ Quốc Trung thì chỉ vào cườm tay đang sởn gai ốc; khán giả tại trường quay chương trình Vietnam Idol thì hò reo náo nhiệt, hàng triệu khán giả truyền hình phải thổn thức…
Ngày hôm sau trên các diễn đàn mạn bùng nổ hiện tượng Uyên Linh. Mọi người bàn tán, ngợi ca, cám ơn… Uyên Linh, trong đó có những người đã từng quay lưng với nhạc Việt, bây giờ hào hứng quay lại. Thậm chí còn có ý kiến quá đà, gọi Uyên Linh là “cứu tinh của nhạc Việt”.
Với những khoảnh khắc xuất thần trong các live show cuối của Vietnam Idol 2010, Uyên Linh đã làm dấy lên một không khí âm nhạc sôi nổi rộng khắp trong đời sống âm nhạc, đánh thức tình yêu nhạc Việt đối với nhiều người. Uyên Linh đã làm được một điều lớn lao, mà trong một thời gian khá dài chưa có ai làm được, dù cô chỉ là thí sinh của một cuộc thi ca hát trên truyền hình.
Cũng chính vì vậy, tuy là gương mặt mới rợi, nhưng Uyên Linh vẫn chiếm một suất trong đề cử hạng mục Ca sĩ của năm, giải Âm nhạc Cống hiến lần 6 - 2011.
Thu Minh: Đẳng cấp diva
Khi nghe Thu Minh “phiêu” trong những bản cover ca khúc của các diva quốc tế như Celine Dion, Wishney Houston, Mariah Carey… mới thấy hết nội lực của Thu Minh: giọng ca đầy tính nghệ sĩ, mê đắm, dạt dào cảm xúc và dâng tràn ngẫu hứng. Có thể nói sở trường của Thu Minh là pop/ ballad cũng không sai.
Tuy nhiên, Thu Minh lại hai lần gây sốt cho thị trường âm nhạc với phong cách dance. Lần thứ nhất là với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh trong album Thiên đàng (2006), và lần thứ hai là với nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hải Phong trong album Body Language (2011). Cả hai album này đều được thừa nhận là có những đóng góp sáng tạo mới mẻ cho thể loại nhạc dance tại Việt Nam và chúng củng cố vững chắc cho Thu Minh ở ngôi vị “nữ hoàng nhạc dance”. Cả hai album này đều bùng nổ trên thị trường và một trong các ca khúc “đinh” của album còn được cộng hưởng từ hai chương trình truyền hình lớn: Ca khúc Chuông gió trong album Thiên đàng thăng hoa cùng Võ Thiện Thanh ở Bài hát Việt 2006 với giải Bài hát của năm; còn ca khúc Đường cong trong Body Language lan tỏa dữ dội trong Vietnam Idol 2010.
Trước khi lên ngôi “nữ hoàng nhạc dance”, Thu Minh cũng đã thành công với nhạc truyền thống, nhạc tiền chiến. Cô cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM (năm 15 tuổi vào đến vòng chung kết thì bị “đuổi” vì chưa đủ tuổi, năm sau - 16 tuổi - thì đoạt giải Nhất).
Suốt 20 năm miệt mài lao động nghệ thuật, được nhiều khán giả hâm mộ và điều quan trọng là Thu Minh đã có những dự án mang tính xu hướng mới mẻ trong âm nhạc với giọng hát được công nhận là đẳng cấp cao. Rất tiếc gần đây, cuộc thảo luận về diva thứ năm của nhạc Việt không đi đến hồi kết bởi nhiều lý do khách quan của đời sống âm nhạc. Tuy vậy, cô vẫn được đông đảo khán giả hâm mộ và giới chuyên môn đánh giá cao. Và dù chưa được tấn phong diva, thì Thu Minh vẫn nằm ở “chiếu lớn” - ca sĩ “thị trường đẳng cấp”...
Suboi: Công chúa hip-hop Việt
Suboi có thể được xem là một hiện tượng âm nhạc Việt trong vài năm gần đây bởi cô có cá tính âm nhạc khá độc đáo. Sinh năm 1990, nàng rapper có tên thật Hàng Lâm Trang Anh này luôn tự nhận mình là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ rap và hip-hop và chính cô cùng một vài người bạn đồng lúa đã tao nên một không gian hip-hop khá sôi nổi tại TPHCM.
Trước khi trở thành một nghệ sĩ hip-hop, Suboi đã từng tham gia vào một số nhóm rock underground tại TP.HCM (đa phần là nu-metal với những đoạn đọc rap xen giữa rất thú vị). Ở đó, cô sáng tác lời hát rap và tạo được cảm tình của khán giả. Nhưng phải đến năm 19 tuổi (2009), Suboi mới lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Dương Khắc Linh khi được mời thu âm cùng rapper Rapsoul và KraziNoyze.
Cũng trong năm này, Suboi đã ghi dấu ấn khi hợp tác cùng ca sĩ Hồ Ngọc Hà trong hai bản hit - Xin hãy thứ tha và Girls' Night. Đây có thể xem là chiếc vé đưa cô từ vùng trũng underground lên mainstream (chính thống).
Suboi luôn đem đến cho người nghe một giác âm nhạc tươi mới, lạ lẫm, ở đó cô tạo ra một sắc thái khá Tây khi hòa trộn nhiều dòng nhạc như raggae, soul, R&B kết hợp với chất hip-hop đậm đặc cùng với những phần lời trẻ trung, đi thẳng vào cuộc sống - là những câu chuyện nhỏ nhẹ, gần gũi nhưng có sức len lỏi cao. Có thể nhận ra sự khác biệt giữa Suboi và những nghệ sĩ hip-hop khác tại Việt Nam là phần âm nhạc của cô khá bình dị, nếu không muốn nói là rất “đời”.
Năm 2010, Suboi ra album đầu tay, Walk, và điều này đã đưa cô trở thành nữ rapper đầu tiên tại Việt Nam ra được album và thành công.
Từ năm 2012 cô bỗng dưng gần như biến mất và năm 2014 Suboi trở lại với nhiều dự án âm nhạc mới từ biểu diễn tại Nhật cho đến việc phát hành album mới nhất - Run - trên iTunes. Album này đậm chất hip-hop hơn so với album trước.
Năm 2013, ký giả của tờ Guardian, Kate Hodal, trong bài viết về những khó khăn của hip-hop tại Việt Nam đã gọi Suboi là nữ hoàng hip-hop Việt. Bài báo cũng phân tích việc Suboi nổi tiếng là do đi trúng vào xu hướng sáng tạo và thưởng thức của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Mỹ Tâm: Họa mi lảnh lót suốt một thập niên
Đầu thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi những ca khúc như Cây đàn sinh viên, Hát với dòng sông vang khắp phố phường, thị trường ca nhạc TP.HCM xuất hiện một “họa mi tóc nâu” vừa bước qua tuổi đôi mươi - Mỹ Tâm.
Mỹ Tâm có giọng nữ trầm với phong cách chủ đạo là pop/ ballad. Giọng ca truyền cảm, ngọt ngào với những giai điệu nhẹ nhàng và có “lực”, có “lửa” với những giai điệu mang tính cao trào…
Năm 2002 cô ghi dấu ấn đậm nét với thị trường âm nhạc khi đoạt một số giải thưởng như: Mai vàng, Làn sóng xanh, VTV Bài hát tôi yêu, Ca sĩ trẻ tài năng (tạp chí Đẹp)…
Hai năm sau (2004) ở tuổi 23, Mỹ Tâm có live show Ngày ấy & Bây giờ tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội với mức đầu tư kinh phí live show lớn nhất thời bấy giờ. Live show thành công vang dội và con đường của “nữ hoàng V-pop” dường như được khẳng định. Cũng chính live show này đã giúp Mỹ Tâm có mặt trong đề cử của giải Tiền Cống hiến ở hai hạng mục Ca sĩ của năm và Chương trình của năm.
Suốt một thập niên qua, Mỹ Tâm gần như có được tất cả các giải thưởng âm nhạc tại Việt Nam. Ngoài ra cô còn có một số giải thưởng quốc tế như: Giải Mama - Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất năm - Mnet Asian Music Awards 2012, Giải Ca sỹ xuất sắc nhất Đông Nam Á - 2013, Giải Asia’s Music Legend (Huyền thoại Âm nhạc châu Á) trong sự kiện Top Asia Corporate Ball 2014. Mỹ Tâm còn là ca sĩ Việt Nam đầu tiên trở thành đối tác của YouTube và cũng là người mở ra trào lưu tạo “hit” trên YouTube với những MV.
Tuy nhiên vượt lên trên tất cả những thành tích, giải thưởng là sự yêu mến của công chúng đối với Mỹ Tâm. Cô giữ vững vị trí “nữ hoàng V-pop” và duy trì độ “hot” đối với thị trường âm nhạc trong suốt 10 năm qua là điều đáng nói nhất.
Dù đây cũng là thập niên mà showbiz nổi sóng với những scandal của nghệ sĩ, thì Mỹ Tâm vẫn luôn giữ cho mình một hình ảnh “sạch”, đẹp”, giọng ca của cô làm thổn thức cả một thế hệ tuổi teen yêu âm nhạc và là ca sĩ đáng yêu của showbiz cho đến tận hôm nay.
HỮU TRỊNH – NGUYÊN MINH
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất