'Mốt' gia đình bất hạnh trong phim Hollywood: Nỗi ám ảnh với tan vỡ và dị thường

23/09/2014 13:21 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều phim mới xuất hiện trong năm nay của Hollywood có cảnh các cặp vợ chồng chia tay và những đứa con bị bỏ rơi. Dường như tan vỡ gia đình và những bi kịch kèm theo là đề tài mà điện ảnh rất thích khai thác.

Đây là các quan điểm đáng chú ý được nhà bình luận văn hóa Joe Queenan đưa ra trên tờ Guardian (Anh).

Những đứa trẻ bơ vơ trên màn bạc

Bộ phim được coi là “hay nhất 2014 tính đến nay” hoặc “độc đáo nhất thập kỷ” mang tên Boyhood (Thời thơ ấu). Phim do Richard Linklater ngồi ghế đạo diễn, theo đuổi cuộc đời của một cậu bé có bố mẹ ly hôn. Chân dung của cả đứa trẻ (sau lớn lên thành thanh niên) cùng bố mẹ cậu được khắc họa rất rõ.

Cách quảng bá phim khiến khán giả dồn hết sự chú ý vào quá trình quay phim dài hiếm có, lên tới 12 năm. Tuy nhiên phim cũng đưa ra một chủ đề rất đáng quan tâm: sự tan vỡ của gia đình hạt nhân gốc (cha mẹ và con đẻ của họ) và hậu quả sau đó. Loay hoay với bi kịch của chính mình, các bậc cha mẹ để lại ảnh hưởng lên chính đứa con, dù họ có ở bên để nuôi con lớn lên hay không.


Hình ảnh trích từ Boyhood, bộ phim đã gây nhiều tiếng vang trong năm nay

Trong phim, người bố (Ethan Hawke đóng) và người mẹ (Patricia Arquette) của cậu bé nhân vật chính đã ly hôn khi thấy thất vọng vì gia đình đầu tiên của mình. Vấn đề là cả quãng đời sau đó, họ tìm kiếm người có thể thay thế vị trí của người vợ, người chồng mà mình đã rời bỏ, cốt tạo ra một gia đình êm ấm hơn, để rồi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Bộ phim nói về cấu trúc gia đình theo quy ước xã hội đã bị phá vỡ như thế nào vì sự tan vỡ của gia đình hạt nhân.

Ngoài Boyhood, còn phải kể tới Chef (Đầu bếp) của đạo diễn Jon Favreau. Đây là bộ phim kể về mặt tích cực của mạng xã hội, nhìn từ trường hợp của một đầu bếp nổi tiếng.

Nhưng một khía cạnh khác của Chef cũng là gia đình tan vỡ. Nhân vật đầu bếp Carl Casper (chính Jon Favreau đóng) đã trải qua ly hôn và có sự nghiệp thất bại. Bộ phim tràn ngập những điều tích cực như may mắn sẽ đến với người có cố gắng, theo đuổi ước mơ và những điều hứa hẹn. Nhưng mảng tối của nó cũng là hậu quả của ly hôn.  

Trong Chef, cậu con trai Percy (Emjay Anthony đóng) của đầu bếp Casper chính là nhân vật thể hiện mặt tối này. Casper là nhân vật điển hình bị áp lực cuộc sống biến thành người đàn ông thất bại trong tình cảm gia đình. Chính người con trai đã góp phần “giáo dục” ông trở thành người bố tốt. Nhờ nỗ lực của cậu, bố mẹ đã quay lại với nhau.

Dường như phim đã phát ra thông điệp ngầm, rằng ly hôn là thứ có thể gặm nhấm cuộc đời người ta. Và như đã nói ở trên, sự tan vỡ của một gia đình hạt nhân tiêp tục để lại “di chứng” ở cấu trúc gia đình cơ bản trong xã hội.

Chất liệu đổ vỡ và hàn gắn

Một bộ phim khác nổi bật trong dịp Hè là Maleficent (Tiên hắc ám). Nội dung câu chuyện cổ tích gốc đã quá nổi tiếng nên bản chuyển thể Maleficent đã chọn một hướng tiếp cận khôn ngoan là tình mẫu tử,  được tạo ra giữa Tiên hắc ám Maleficent (Angelina Jolie đóng) và công chúa Aurora (Elle Fanning). Sự thay đổi khiến bộ phim trở nên dễ tiếp nhận hơn hẳn, với công chúng đủ lứa tuổi.

Trong phim, công chúa Aurora bị đưa vào rừng sâu từ khi mới sinh ra để tránh hiểm họa bị kim quay sợi đâm vào tay. Sống với 3 bà tiên suốt ngày cãi nhau chí chóe, cô bé không biết đến kiểu gia đình hạnh phúc với bố, mẹ và các con. Khi gặp Maleficent, Aurora đã xin bà trở thành mẹ nuôi của mình. Từ hiềm thù, ghen tị, tình cảm ở Maleficent dần hóa thành tình mẹ.

Trong phim Hollywood, các gia đình gốc thường không phải là điểm đến của câu chuyện. Trái lại, dường như nhà làm phim thích chất liệu là những con người sẵn có bi kịch cá nhân, từng trải qua tan vỡ và cần hàn gắn, rồi gom họ lại với nhau tạo thành một gia đình mới.

Ví dụ tại phim Begin Again, cô ca sĩ trẻ Gretta (Keira Knightley đóng) đã gặp gỡ nhà sản xuất âm nhạc Dan Mulligan (Mark Ruffalo) rồi có cảm tình với anh. Tiếp đó cô dìu dắt đứa con gái tuổi teen của anh (Hailee Steinfeld).

Một sự khởi đầu mới từ quá khứ đổ vỡ là cái kết đẹp, và dễ khơi gợi cảm xúc của khán giả. Hollywood đã không đột phá khi chọn hướng tiếp cận này. Tuy nhiên đây là hướng đi khôn ngoan và mang đến thành công khi phim có chiều sâu.

Nhưng chính vì thế nên các gia đình gốc trong phim càng không có cơ hội… hạnh phúc. Đôi khi người vợ hay người chồng từ cuộc hôn nhân trước còn không hề được nhắc đến. Những phim như The Way Way Back hay About a Boy đều kể về những ông bố hoặc bà mẹ nuôi, thay thế vị trí cha mẹ đẻ của đứa trẻ và nuôi chúng khôn lớn.

Không chỉ đưa đề tài gia đình tan vỡ vào tuyến nội dung chính, trong những phim không phải về gia đình, Hollywood vẫn xoay xở để có các nhân vật với cuộc sống riêng bất hạnh.

Đơn cử như phim bom tấn hè Guardians of the Galaxy (Vệ binh giải ngân hà). Đây không phải là phim tâm lý như 2 tác phẩm trên, nhưng tương đồng ở chỗ 2 nhân vật nam chính và nữ chính đều xuất thân từ những gia đình tan vỡ, mồ côi, bị bắt cóc và đang trên đường tìm kiếm một gia đình mới.

Đây rõ ràng không phải một phim tâm lý có đề tài gia đình, nhưng biên kịch vẫn sử dụng tuổi thơ mồ côi, khó khăn như một yếu tố đề dựng nên chân dung nhân vật khi họ trưởng thành.

Phim ảnh là bức tranh phản ánh xã hội

Không thể phủ nhận một điều: khi nói về những cặp vợ chồng ly hôn, những đứa trẻ mất bố mẹ hoặc có bố mẹ ly dị, những con người đi tìm một gia đình mới, Hollywood đều xử lý một cách đầy nhân văn, có sức lay động khán giả. Nhưng câu hỏi Joe Queenan đặt ra trên Guardian là: “Có nhất thiết bộ phim nào cũng phải như vậy?”.

Quả thực, nếu không chú ý, người ta có thể nghĩ đây là vấn đề nhỏ. Nhưng một khi đã để ý và đo đếm, họ sẽ giật mình trước số lượng lớn của các gia đình không hạnh phúc trong phim Hollywood. Một nhận xét thú vị nữa là các phim kinh dị thường có trẻ em bị bỏ ở nhà một mình hoặc những đứa trẻ có bố mẹ ly dị không ở bên để bảo vệ chúng.

Sự thiếu vắng cha mẹ ở đây được xem như bức tranh phản ánh xã hội. Theo Guardian, xã hội Mỹ quen với ly hôn. 41% cuộc hôn nhân ở Mỹ kết thúc bằng ly hôn. Trên màn ảnh, tỷ lệ này có thể lên đến 95%.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm