Một cuộc triển lãm lệch lạc về Lên đồng

29/07/2009 14:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - LTS: Không chỉ việc đưa nghệ thuật đương đại vào lễ hội dân gian, mà cả việc tổ chức “diễn xướng” hầu đồng tại Lễ hội đền Lảnh Giang vừa qua cũng đã để lại những dư luận trái chiều. Đồng ý rằng trình diễn hầu đồng tại đây có thể coi là một “thử nghiệm”, nhưng đặt trong bối cảnh mà chính đơn vị tham gia tổ chức cũng muốn qua đây để “hệ thống hóa tư liệu về loại hình di sản văn hóa phi vật thể này” (tức hầu đồng) cho mục tiêu đề nghị đề cử Di sản thế giới đã khiến nhiều người lo ngại. TT&VH xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) - người đã không quản ngại đêm hôm lặn lội đến dự Lễ hội đền Lảnh Giang để “mục sở thị” cách trình diễn về một loại hình di sản mà ông cũng đã từng bỏ công nghiên cứu.

Bất ổn

Vừa qua, vào ngày 23.7.2009, đền Lảnh Giang 2009 được mở hội lớn, với kịch bản của TS. Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) được coi như một lễ hội hoành tráng và công khai nhất về lên đồng từ trước đến nay. Lễ hội này nghe nói được coi là một trong những động thái mở đầu để chuẩn bị một hồ sơ, trình UNESCO công nhận Lên Đồng là một di sản văn hóa của nhân loại (xin nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là đề xuất đề cử, chứ có được đưa vào danh sách đề cử, rồi được lập hồ sơ hay không còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng - PV). Đó là tất cả những gì khiến đông đảo khách thập phương háo hức kéo về đêm hội.

Tuy nhiên, với cách đưa những nghệ thuật mới như body-art, video-art xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam và lệch lạc với việc tuyên truyền về vẻ đẹp truyền thống của văn hóa Việt đã khiến cho nhiều nhà khoa học và những người yêu văn hóa cổ truyền phản đối mạnh mẽ.


Cảnh hầu đồng tại Lễ hội đền Lảnh Giang

Những chàng trai làng (18 người, tại sao lại là con số này?) được các họa sĩ vẽ màu lên thân thể và sự hiện diện của họ một cách vô nghĩa trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ tại sân khấu nổi không nhằm nói lên điều gì. Thậm chí PGS.TS Lê Hồng Lý (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện KHXH Việt Nam) còn coi việc vẽ vời như vậy là sự phỉ báng thần thánh. Màn diễn bọc trứng nở ra ba con rắn, và những con rắn này bơi lội trên hồ nước cạnh bên sân khấu là hai màn diễn dài, với ý đồ thế tục hóa những bí ẩn tâm linh là những đề xuất rất chối của những nhà tổ chức.

Việc dùng loa phóng thanh lớn, đọc oang oang họ tên, lai lịch của ba vị thánh đền Lảnh Giang là một cách làm phi truyền thống, xúc phạm tới tín ngưỡng; trong khi mà theo truyền thống, những người đọc văn tế khi xướng đến tên các vị thần thánh thì chỉ đọc thầm hoặc thậm chí không đọc. Sau đó, một cuộc lên đồng tập thể của mấy chục cô gái là một màn rất vô duyên và xa lạ với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Như vậy, với việc đưa ra kịch bản và đứng ra tổ chức lễ hội đền Lảnh Giang năm nay, các nhà nghiên cứu văn hóa ở một viện văn hóa nghệ thuật đã “triển lãm” một di sản văn hóa quý giá, đầy chất nhân văn và đang cần được hiểu đúng, đánh giá đúng, thành một cuộc triển lãm có phần lệch lạc.

Hầu đồng phải như thế nào?

Từ bao đời nay, trong các làng thôn, ngõ phố, trong các đền đài nghi lễ lên đồng vẫn là một nghi lễ tín ngưỡng được nhiều người thành tâm thực hiện. Nhiều nơi, dù điện đài không trang hoàng lộng lẫy, dù không có được các cung văn đàn ngọt hát hay, đồ dâng cúng cũng rất sơ sài, nhưng với sự thành tâm, một cuộc lên đồng vẫn được thực hiện, và những người dân lam lũ vẫn trong một thoáng chốc đã được hưởng cảm xúc tiên giới một cách đủ đầy.

Theo quan niệm dân gian, vũ trụ gồm tứ phủ: Thiên phủ (miền trời), Địa phủ (miền đất), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thủy phủ (miền sông nước). Mỗi một miền này có một nữ thần cai quản, thay quyền tạo hóa quản cai nhân gian. Các vị nữ thần đó là Mẫu Cửu Thiên cai quản miền trời, Địa Mẫu cai quản miền đất, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, và Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.


Một buổi hầu đồng mang phong cách dân gian ở Đền Bảo Hà (Lào Cai). Ảnh Đỗ Đức

Từ bao đời nhân dân đã sống trong sự chở che của các Mẫu. Tôn vinh các Mẫu, người dân thờ phụng Mẫu ở khắp nơi, bất kể là thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi. Thờ Mẫu trở thành một nét văn hóa giàu giá trị nhân văn và độc đáo trong văn hóa Việt. Và điệu hát chầu văn cùng nghi lễ lên đồng là một sự thể hiện niềm tôn kính đó đối với các Mẫu.

Lên đồng là hình thức ca múa nhạc tín ngưỡng dân gian của Việt Nam có mục đích tôn vinh thần thánh và tạo cảm xúc, theo niềm tin tín ngưỡng, giúp con người “giao tiếp” với thần linh.

Hát chầu văn lên đồng là hát lên các bài văn bài thơ có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Tuỳ thuộc tính cách của vị thần mà nội dung lời thơ, tiết tấu giai điệu âm nhạc, điệu múa được trình diễn.

Một buổi hát chầu văn có thể được coi là cuộc hội nhập của Thi ca, Âm nhạc, Vũ đạo và Hội họa mang đậm phong cách dân gian thuần Việt.

Về Thi ca: Các bài thơ để hát trong lên đồng bên cạnh các thể thơ tiếp thu từ văn học cổ Trung Hoa như phú, thơ luật, là những bài sử dụng lối thơ dân gian rất quen thuộc như: lục bát, song thất lục bát, hát nói. Các bài thơ này có lời văn chau chuốt, đẹp đẽ, ca ngợi vẻ đẹp nơi tiên giới, uy linh của các vị thần tự thân đã rất ý vị và giầu nhạc tính. Các bài thơ này, khi được hát lên, theo các làn điệu khác nhau (hàng chục làn điệu), thì mang lại một xúc cảm gấp bội.

Về Âm nhạc: Nhạc khí chủ đạo của hát văn là đàn nguyệt, và bên cạnh nó là phách, cảnh, sênh, trống chầu, chuông, trống… Hình thành trên các lối ngâm truyền thống, có tiết tấu và cao độ rõ ràng phụ thuộc vào lời thơ, hát văn không những hình thành nên những liên khúc có khả năng thể hiện những nội dung lớn của huyền thoại một cách sinh động mà nó còn tiếp thu thâu nhập những nét đẹp của dân ca các miền để làm phong phú sự thể hiện của mình.

Về Vũ đạo: Múa trong lên đồng còn gọi là múa thiêng, thể hiện niềm kính trọng đối với các thánh mẫu và các vị thần linh. Múa thiêng lên đồng xây dựng các hình tượng thần linh và một tiên giới giữa cõi trần. Trong lên đồng, múa thiêng mang đầy đủ các hình thức thể hiện của ngôn ngữ múa như: múa tính cách (thể hiện rất rõ tính cách khá riêng biệt của từng vị thần linh), múa trang trí (chú trọng đến ngôn ngữ tạo hình), múa mô phỏng (cưỡi ngựa, ngã ngựa, chèo thuyền, quảy hàng), …

Về Hội họa: Nếu như ta đến một hội làng, ta sẽ thật phấn chấn khi gặp một không gian rực rỡ sắc màu của cờ phướn, trang phục, xe kiệu… thì ta sẽ còn ngạc nhiên hơn khi đến xem một buổi lên đồng. Lên đồng có bao nhiêu giá (hàng chục giá), thì có bấy nhiêu trang phục và đi kèm với các trang phục này là các khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng nữa. Rồi đèn, nến, rồi lễ vật,và các trang trí nhiều khi tỏ rõ sự phô trương. Có lẽ vì thế mà các hội làng và các buổi lên đồng thường gây nhiều cảm hứng cho các họa sĩ.

* Thời điểm ra đời hầu đồng

Hiện chưa có các tài liệu khẳng định thời điểm ra đời của lên đồng - hầu bóng. Tài liệu khảo cổ duy nhất hiện biết và đáng tin cậy, với niên đại được xác định là thế kỷ XVIII, là bức chạm gỗ một cảnh lên đồng ở đình Cô Mễ, tỉnh Bắc Ninh. Tuy vậy, các nhà khoa học đều khá thống nhất cho rằng lên đồng - hầu bóng ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, gắn với sự hiển thế/giáng sinh của Liễu Hạnh - vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử của thần điện Việt. Dân gian còn hòa đồng Liễu Hạnh vào với Cửu Thiên Thánh Mẫu. Câu chuyện Liễu Hạnh giáng sinh và họa thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn và Hồ Tây cho thấy sự manh nha của việc giáng bút rất phổ biến ở thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

* GS.TS. Frank Proschan (Hoa Kỳ): Lên đồng là một bảo tàng sống động

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu.

Nguyễn Xuân Diện
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm