(Thethaovanhoa.vn) -
Những con ngựa hoang, gió thổi thốc vào mặt và sức nóng khủng khiếp của những thảo nguyên Thành Cát Tư Hãn, cuộc đua ngựa Mongol Derby ở Mông Cổ được sách kỷ lục thế giới Guinness công nhận là dài nhất thế giới, và cũng là một trong những sự kiện thể thao khắc nghiệt nhất.Nhà vô địch 19 tuổiNăm ngoái, Lara Prior-Palmer, một nài ngựa nữ 19 tuổi người Anh, đã giành chức vô địch đầy bất ngờ, nhà vô địch nữ đầu tiên của cuộc thi sau 5 năm tranh tài. “Đây là cuộc đua phi thường và kỳ lạ nhất, giống như Tour de France, băng qua những thảo nguyên và hoang mạc rộng lớn”, Palmer nói trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng ở thủ đô Mông Cổ Ulan Bator. “Cuộc đua cực kỳ kịch tính, ban ngày trời rất nóng và các chú ngựa đổ mồ hôi như tắm, rồi bỗng nhiên một làn gió lạnh thổi rát mặt tràn qua. Tôi muốn thử sức với điều gì đó khác thường, và Mông Cổ chính là điều khác thường đó”.
Cuộc đua lấy cảm hứng từ hệ thống bưu trạm của đế quốc Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn, vị hoàng đế gieo rắc sợ hãi của Mông Cổ từ năm 1162 tới 1227, là người đã thiết lập và mở rộng hệ thống bưu trạm “Ortoo”, trong đó những người đưa tin ngồi liên tục không nghỉ trên lưng ngựa, đổi ngựa và người ở các trạm dọc đường. 40 bưu trạm như thế nối tiếp nhau trên một hành trình hơn 1.000 km, cũng là cuộc đua Mongol Derby ngày nay.
Cho tới năm thứ 5, cuộc đua mới chỉ thu hút được 30 người tham gia, vì quá khắc nghiệt. Các nài ngựa được trang bị la bàn, GPS, bản đồ và được tiếp sức ở mỗi chặng nghỉ. Trang web chính thức của cuộc đua nói sẽ không có người dẫn đường. Các trạm dừng chân cũng được thiết kế theo kiểu truyền thống với lều, một giường nghỉ nghỉ và lương thực. Người đua cũng phải đổi ngựa, giống như các nhân viên truyền tin bưu trạm ngày xưa.

Cuộc thi diễn ra trên thảo nguyên Mông Cổ bao la
Các bộ lạc Mông Cổ cung cấp ngựa cho cuộc đua và an toàn của những người tham gia là ưu tiên hàng đầu. Mỗi trạm dừng đều có bác sĩ thú y và nếu nhịp tim của ngựa trên một mức nhất định, nài ngựa sẽ bị phạt một khoảng thời gian. Chăm sóc y tế cho người tham dự cũng rất đặc biệt, khi một nửa số nài ngựa phải rút lui trước khi về được đích.
“Có 30 người ở vạch xuất phát, nhưng không phải tất cả đều về đích”, Prior-Palmer nói. “Cơ thể tôi thật sự đã tới giới hạn cuối cùng vào ngày về đích, tôi đã ngủ suốt ngày sau đó. Tôi may mắn vì còn trẻ, những vấn đề tôi gặp phải về thể lực tôi đều vượt qua được. Tôi bị sưng mắt cá chân, phồng tay, mất nước và nhiều vấn đề khác. Điều tồi tệ nhất là sự suy kiệt thế lực. Ngồi trên lưng ngựa nhìn dễ dàng, nhưng phải liên tục chú ý, tôi phải ngồi 13 tiếng một ngày trên lưng ngựa. Tới trưa, bạn sẽ buồn ngủ không mở nổi mắt, nhưng bạn vẫn còn 20 km nữa phải hoàn tất trong ngày hôm đó”.
Quyết tâm của Prior-Palmer đã được đền đáp, dù cô cũng phải nhờ tới may mắn mới về vô địch. Tay nài người Mỹ Devan Horn về đích đầu tiên, nhưng ngựa của cô không vượt qua được một cuộc kiểm tra y tế sau đó. Cô bị phạt hai giờ và Prior-Palmer trở thành người chiến thắng.
Phần thưởng lớn nhất không phải là tiềnPhần thưởng cho tay nài này là 25.000 USD tiền mặt và cô đã vượt qua các đối thủ tới từ các nước Mỹ, Anh, New Zealand, Úc và các quốc gia có truyền thống chơi đua ngựa khác, mỗi người phải góp 5.000 USD để tham dự cuộc thi. “Trong cuộc đua Mongol Derby, bạn sẽ phải đối mặt với thách thức ngồi trên lưng những chú ngựa nửa hoang dã và sống sót một mình ở Mông Cổ hoang dã… Đây là một cuộc đua ngựa ở quy mô hoàn toàn mới. Bạn sẽ đổi ngựa mỗi 40 km, thận sẽ đau buốt, các cơ sẽ tê cứng, nhưng bù lại, gió thảo nguyên sẽ thổi vào mặt và ánh trăng đêm sẽ tran hòa trên các đồng cỏ”, trang web chính thức của cuộc đua quảng cáo.
Cuộc đua là ý tưởng của Tom Morgan, một người Anh có công ty chuyên về du lịch mạo hiểm The Adventurists, đặt trụ sở ở Bristol. Kết hợp với Morgan là Tim Cope, một người yêu ngựa từng cưỡi ngựa đi suốt gần 10.000 km từ Mông Cổ tới Hungary. Với Cope, thế giới của Thành Cát Tư Hãn vẫn còn khá nguyên vẹn, một trốn không có các đô thị, không dịch vụ cơ bản, không cả cây cối lẫn con người, chỉ đồng cỏ mênh mông, những bầy sói hoang tru vang hàng đêm, lũ quét, mưa như trút nước và cả những băng cướp thảo nguyên.
25 gia đình Mông Cổ bản địa đã giúp Cope và Morgan lập nên 25 trạm dọc đường, mỗi trạm cách nhau 40 km. Các chú ngựa được sử dụng cũng khác hẳn những giống ngựa cao to phương tây, mà là ngựa lùn mông cổ, nhỏ con, nhưng cực kỳ bền bỉ trong môi trường thảo nguyên và hoang mạc.
Trong những ngày của Thành Cát Tư Hãn, “họ đã cưỡi ngựa đi hàng nghìn dặm”, theo lời Morgan. “Các sử liệu cho thấy họ đã truyền tin từ Kharakhorin (cố đô của Mông Cổ) tới khu vực ngày nay là Ba Lan chỉ trong khoảng 12 ngày. Hệ thống truyền tin bằng ngựa này được dùng cho tới tận những năm 1960”. Việc ở với người dân địa phương cũng là trải nghiệm rất thú vị. “Những tay đua ở trong lều với dân du mục, ăn rất nhiều thịt, chủ yếu là cừu, và uống rượu sữa Mông Cổ”, Shatra Galbadrah, một liên lạc vien của cuộc đua, nói.
Hãy tưởng tượng bạn ở giữa một thảo nguyên Mông Cổ mênh mông, sau một đêm ngủ ở lều du mục, 40 km đang chờ bạn phía trước. Để thành công ở trận Mongol Derby, “tôi cho rằng bạn phải mạnh mẽ về tinh thần hơn là thể lực”, Morgan kết luận. “Dậy sớm vào buổi sáng, ngủ rất ít vào ban ngày và vượt qua mưa phùn, những đau đớn và tiến lên, nhưng đó thực sự là ước mơ của tất cả những người cưỡi ngựa”.
Cuộc thi Mongol Derby đầu tiên được tổ chức năm 2009 và diễn ra liên tục tới giờ. Năm 2010, cuộc thi được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là cuộc đua ngựa dài nhất thế giới. Mạng lưới trạm bưu mã của Thành Cát Tư Hãn là hệ thống bưu điện lần đầu tiên trên thế giới.
Danh sách những người chiến thắng
2013 - Lara Prior-Palmer (Anh) 2012 - Donal Fahy (Ireland) 2011 - Craig Egberink (Nam Phi) 2010 - Justin Nelzin (Mỹ) 2009 - Shiravsamboo Galbadrakh (Mông Cổ) và Charles van Wyk (Nam Phi) |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần