Thành nhà Hồ đối mặt với “nạn” trâu bò thả rông

17/08/2012 09:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Nhiều du khách khi đến tham quan di tích thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đều tỏ ra ái ngại khi chứng kiến cảnh người dân vẫn thản nhiên thả rông trâu bò ngay trên tường thành…

Anh Phạm Văn Đạt (Chương Mỹ, Hà Nội), lần đầu tiên đến thăm di tích thành nhà Hồ bày tỏ: “Theo tôi, di tích thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới rồi thì công tác bảo vệ phải được đặc biệt chú trọng. Đằng này, tôi thấy người dân vẫn chăn thả trâu bò ngay trên mặt thành, trông vừa phản cảm đối với du khách lại không đảm bảo an toàn cho di tích thành nhà Hồ”.


Theo quan sát, đoạn tường thành gần cổng phía Nam thành nhà Hồ có những chỗ đã bị sạt lở. Đây cũng là vị trí mà trâu, bò thường xuyên qua lại.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trâu bò vẫn được người dân thuộc các thôn Xuân Giai, Tây Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long) mặc nhiên chăn thả trên mặt thành, vốn là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều du khách bức xúc là dù các nhân viên bảo vệ khu di tích thành nhà Hồ có mặt ở đấy nhưng vẫn không hề thấy nhắc nhở gì, mặc cho trâu bò dày xéo, lùa húc nhau ngay trên mặt tường thành.

Ông Hùng (trú tại thôn Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến) có trâu bò chăn thả trên thành cho biết: “Chúng tôi không thấy ai thông báo nghiêm cấm chăn thả trâu bò ở đây cả. Từ trước đến nay chúng tôi vẫn chăn thả ở đây, cũng không thấy ai nói gì”.


Về vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ (trụ sở tại P.Tân Sơn, TP Thanh Hóa) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích để làm rõ, nhưng đều không gặp được người đại diện đứng đầu. Nhân viên trực văn phòng cho biết: “Thủ trưởng đơn vị đi vắng, có gì anh liên lạc theo số điện thoại này. Đây là số điện thoại Phó Giám đốc trung tâm và văn phòng Ban Quản lý ở huyện Vĩnh Lộc”.

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm cách liên hệ thì số điện thoại văn phòng Ban Quản lý (đặt trụ sở ở huyện Vĩnh Lộc) không liên lạc được.


Cuối cùng, nên chăng, thay vì phải bỏ ra hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích thành nhà Hồ thì Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ cùng các cơ quan chức năng địa phương nên chú trọng hơn nữa đến công tác bảo vệ để giữ di tích thành nhà Hồ được nguyên vẹn hiện trạng như nó vốn có. Đó là việc làm cần thiết nhất trong lúc này.

Lưu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm