Messi lại ghi bàn ở phút 90+4: Ông Vua phút bù giờ

03/10/2008 13:40 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Messi đã từng hứng chịu nhiều lời chỉ trích về lối thi đấu quá cá nhân của mình. Nhưng xét cho cùng, sự ích kỷ dường như là cố tật khó bỏ của mỗi thiên tài. Và tới khi thiên tài đó chứng tỏ được sự khác biệt của mình thì những lời chỉ trích cũng sẽ biến mất. Và ở Donestk, lại một lần nữa, Messi đã chứng tỏ được đẳng cấp của một cầu thủ lớn với cú đúp giúp Barca lội ngược dòng hạ Shakhtar 2-1.

* Sự khác biệt của một ngôi sao

Chính sách quay vòng của Pep Guardiola đã quay đến Messi. Ngôi sao người Argentina phải bắt đầu trận gặp Shakhtar từ băng ghế dự bị. Anh chỉ được tung vào sân từ giữa hiệp hai, khi Barca đang bị dẫn 0-1 và tỏ ra bế tắc. Song chỉ cần hơn nửa giờ có mặt trên sân (thay Henry ở phút 60), “số 10” cũng đã làm đảo lộn mọi thứ bằng 2 bàn thắng trong vòng 7 phút để đem về cho Barca 3 điểm trọn vẹn.

Điều đáng nói là cả hai bàn thắng đó đều không phải từ những cú solo theo phong cách của Messi. Bàn đầu tiên là món quà tặng của thủ môn Pyatov bên phía Shakhtar khi để bóng lọt qua tay và lăn đến chân Messi khi khung thành đã bỏ trống. Tóm lại là 1 pha ghi bàn thuộc loại “dễ như ăn kẹo”. Còn bàn thứ 2 thì công đầu phải kể đến Xavi với một đường chọc khe cực kỳ thông minh và tinh tế.
 
Messi đã chứng tỏ được đẳng cấp của một cầu thủ lớn với cú đúp
giúp Barca lội ngược dòng hạ Shakhtar 2-1.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết di chuyển và có mặt đúng chỗ để làm nốt cái công việc tưởng chừng là rất đơn giản như trong bàn gỡ 1-1. Còn ở bàn thứ 2, khi đồng hồ đã chỉ sang phút thứ 90 + 4, chắc chắn rất nhiều cầu thủ sẽ sút đập trúng người thủ môn đối phương hoặc dứt điểm chệch khung thành. Nhưng Messi thì vẫn giữ được cái đầu lạnh khi thực hiện cú bấm bóng nhẹ nhàng qua người thủ môn đối phương. Nên nhớ, đây là trận thứ 2 liên tiếp Messi ghi được bàn thắng ở phút thứ 90+4! (lần trước là cú penalty thành công trong trận thắng Espanyol 2-1).

Đó chính là sự khác biệt giữa một cầu thủ lớn với phần còn lại. Thử hỏi, Henry đã làm được gì trong suốt 60 phút có mặt trên sân. Cả Eto’o nữa, người cũng phải ra nghỉ từ phút 75 sau khi bỏ lỡ một cơ hội cực kỳ thuận lợi trong tình huống một chọi một với thủ môn đối phương. Và người thực hiện đường chuyền giúp Eto’o có cơ hội ghi bàn ấy không phải ai khác mà chính là Messi.

* Đằng sau sự may mắn

Như vậy, cho dù Guardiola đã cố gắng hạn chế bớt sự phụ thuộc một cách thái quá vào Messi, ít nhất là trên phương diện chiến thuật. Nhưng ở trong những tình huống hiểm nghèo, một lần nữa ông vẫn phải nhờ cậy tới ngôi sao người Argentina. Một đội bóng có được tổ chức, hay lập trình hoàn hảo đến mấy thì đôi khi vẫn sẽ cần tới một sự đột biến nào đó mới có thể giành chiến thắng.

Điều đó cũng giống như khi người ta ca ngợi 4 chức vô địch Liga liên tiếp mà “Dram Team” của Cruyff, trong đó Pep Guardilola là một thành viên, trong những năm 1990. Trong 4 mùa giải rực rỡ ấy thì có tới 2 mùa giải Barca chỉ có thể lên ngôi ở đúng vòng cuối cùng sau khi Real Madrid gục ngã trước Tenerife (1991-92) và Djukic của Deportivo đá hỏng quả phạt đền trước Valencia (1993-94).

Rõ ràng, với 2 lần lội ngược dòng liên tiếp ở phút bù giờ, Barca của Guardiola vẫn còn quá nhiều điểm cần phải khắc phục. Nhưng cũng giống như 2 chức VĐ ở vòng đấu chót nói trên, điều đọng lại lớn nhất chính là tinh thần quật khởi của các cầu thủ Barca, không chịu buông súng khi tiếng còi chung cuộc chưa cất lên.

Bên cạnh đó, một điều đáng khen ngợi nữa là những quyết định thay người hợp lý của Guardiola. Trận gặp Betis, Gudjohnsen vào sân từ ghế dự bị và ghi bán ấn định chiến thắng 3-2. Trận thắng Shakhtar, Krkic vào thay Eto’o và là người có pha căng ngang khiến thủ môn đối phương mắc sai lầm giúp một cầu thủ vào thay người khác là Messi gỡ hòa 1-1. Liệu có thể coi đó chỉ là những trùng hợp ngẫu nhiên?

Kết luận cuối cùng, như người ta vẫn thường nói “May mắn chỉ đến với những người nỗ lực”, mà Messi chính là một ví dụ điển hình.

Messi vượt Maradona

Với cú đúp vào lưới Shakhtar, Messi đã vượt qua bậc tiền bối đồng hương về số bàn thắng ghi tại Cúp châu Âu cho Barcelona với 10 bàn, hơn Maradona 2 bàn. Trong 2 mùa 1982-83 và 83-84, Maradona đã ghi được 8 bàn cho Barca tại Cúp C2.

Mùa trước, Messi là cây ghi bàn xuất sắc thứ nhì tại Champions League với 6 bàn, sau Cristiano Ronaldo (8 bàn). Ở các mùa 2005-06 và 06-07 thì mỗi mùa ngôi sao người Argentina đều ghi được 1 bàn. Hiện Messi cũng đang là chân sút số 1 của Barca trên tất cả các mặt trận ở mùa này với 6 bàn (4 ở Liga, 2 tại Champions League), ngang với Eto’o. Tuy nhiên, Messi thi đấu ít hơn Eto’o tới 153 phút.

Tại Champions League, sau 2 lượt trận vòng bảng, Gerrard của Liverpool và Aguero của Atletico đều đang dẫn đầu với 3 bàn mỗi người. Nhưng nếu tính cả vòng đấu loại thì Aguero đã ghi được 4 bàn.

 
Hoàng Nhật

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm