Không chỉ hạn chế mua sắm, dạy sớm đi chợ đầu mối, người tiêu dùng còn mách nhau nhiều mẹo nhỏ khác để tiết kiệm xăng dầu, điện nước và đối phó với đợt tăng giá lương thực, thực phẩm gần đây. Sau một thời gian áp dụng chiêu thức tiết kiệm xăng, chị Khánh (Thành Nhàn, Hà Nội) tự tin chia sẻ với nhiều đồng nghiệp ở cơ quan. Bí quyết của chị là sáng dậy sớm đi bộ ra chợ gần nhà hoặc để cuối giờ làm, mua đồ ăn gần công ty, chứ tuyệt đối không sử dụng xe gắn máy để đi chợ như trước.
Đối phó với giá cả sinh hoạt leo thang từng ngày, nhiều người
chuyển sang ăn sáng tại các quán bình dân. Ảnh: Xuân Ngọc
Theo chị Khánh, việc tắc đường, vít ga nhích từng chút trong các chợ là nguyên nhân tốn không ít xăng. "Bình thường, khoảng 3 ngày, mình phải đổ xăng một lần nhưng đợt này, bước sang ngày thứ 5, xăng mới xuống vạch đỏ, trong khi ngày nào mình cũng đi từ nhà đến cơ quan rồi đón con như trước", chị Khánh nói. Điều đó giúp chị tiết kiệm được khoản chi tiêu không nhỏ. Chị nhẩm tính, trung bình mỗi tháng trước kia, chị phải đổ xăng từ 8 đến 9 lần mỗi tháng, hết khoảng 650.000 đồng. Hiện nay, chị chỉ phải đổ xăng 6-7 lần mỗi tháng, tiết kiệm được hơn 100.000 đồng.Cũng để tiết kiệm chi tiêu như chị Khánh, chị Hòa (Đại Cồ Việt) đã chuyển sang ăn sáng tại những quán bình dân gần nhà. Chị kể, đến nơi làm việc, ăn sáng văn phòng hay thậm chí những cửa hàng ăn nhanh gần đó cũng không có giá dưới 20.000 đồng mỗi xuất.Chị giải thích: "Gần khu làm việc, toàn dân công sở nên ăn uống cũng đắt hơn, mỗi bữa sáng ăn bát phở với cốc trà đá cũng hết 30.000 đồng. Trong khi, nhà mình ở khu lao động, 15.000 đồng cũng được tô bún ngon. Chịu khó dậy sớm ăn sáng trước khi đi làm vừa đỡ tắc đường vừa kinh tế".Không chỉ dân công sở, các bác hưu trí cũng tính kế thắt chặt chi tiêu trong thời buổi giá cả tăng cao như hiện nay. Tại một tập thể trong khu Định Công ở Hà Nội, phong trào vặn nhỏ van nước đang dần được lan truyền và phổ biến.Ông Hưng, người dân sống ở đây cho biết, kinh nghiệm này ban đầu do một bà Hạ trong khu dân cư khởi xướng, thấy tiền nước nhà bà hàng tháng ít hơn những hộ khác nên mọi người thắc mắc thì được bà chỉ cho, rồi người này mách người kia để áp dụng.Ông Hưng nghe mọi người kháo nhau là khi mở van nước nhỏ hơn thì kim đồng hồ cũng chạy chậm, nhờ đó mà công tơ nước mỗi tháng thấp xuống, giá tiền nước giảm. "Cũng chẳng ai biết chắc điều đó đúng hay sai vì khó kiểm chứng nhưng đúng là sau khi áp dụng thấy hóa đơn nước có giảm đôi chút", ông Hưng nói.
Hoa quả và thực phẩm giá rẻ cũng được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Xuân Ngọc
Cũng để tiết kiệm nước, ông Hưng chia sẻ một kinh nghiệm mà ông nghĩ là chắc chắn đúng và đang được nhiều người dân tại đó áp dụng. Với những gia đình mà bồn cầu có hai mức nước xả thì nên lấy giấy hoặc băng dính dán vào nút ký hiệu mức xả lớn.Ông lý giải, thông thường chỉ cần dùng mức xả nước ít là đã đủ sạch nhưng do hay quên và tiện tay ấn nhầm, tính ra cả tháng lãng phí không ít nên mới nghĩ ra cách dán giấy để đánh dấu. Điều này gia đình ông đã áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả rõ rệt.Ngoài ra, để "đối phó" với đợt tăng giá lương thực, thực phẩm những ngày vừa qua, không ít bà nội trợ còn cất công đi chợ sớm, chọn mua hàng ở những quầy giá rẻ hay những điểm bán hàng đổ đống.Tại chợ đầu mối phía Nam, khu vực bán vải thiều và dưa hấu trên xe tải thu hút rất đông khách. Lý do là bởi ở đó, lái buôn chỉ bán 5.000 đồng mỗi cân, rẻ hơn những điểm khác từ 1.000-2.000 đồng.Đứng chọn khá lâu mới được hơn hai cân vải, cô My, nhà ở đường Tam Trinh, Hà Nội, tâm sự, tuy hơi mất công một chút nhưng nếu chịu khó thì vẫn mua được hàng vừa ngon vừa rẻ. "Giờ giá cả cái gì cũng lên, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó", cô nói.Tuy nghĩ ra được rất khá nhiều chiêu thức để hạn chế chi tiêu, song đa phần người tiêu dùng đều cho rằng do tình thế bắt buộc nên mới phải làm vậy. Cô My bảo: "Lương hưu chưa tăng, không lẽ giá cá ngoài chợ cứ lên là lại bảo con cái nên mình cũng đành chịu khó làm vậy, chứ ai chẳng thích đồ ngon đồ đẹp".Theo Vnexpress