MiG-31BM của Nga hạ cánh khẩn cấp vì hỏng hóc bất thường

19/02/2013 10:22 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Một chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM của Không quân Nga đã phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần Permia vì lỗi động cơ.

Người phát ngôn chính thức của Quân khu Trung tâm (Nga), đại tá Yaroslav Rozhupkin xác nhận với hãng tin Interfax thông tin trên.

“Khi chiếc tiêm kích đang bay thì bộ cảm biến bất ngờ bật sáng báo mất tín hiệu hoạt động của một động cơ. Lúc 5h45’ giờ Moscow máy bay buộc phải thực hiện hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay của căn cứ Bolshoe Savino gần Premia” - Đại tá Yaroslav Rozhupkin nói.

Theo lời ông Rozhupkin, chiếc máy bay đánh chặn MiG-31 BM này đang thực hiện chuyến bay thăm dò khí tượng theo kế hoạch thì sự cố xảy ra.

“Có thể kết luận đây là sự cố hàng không. Uỷ ban điều tra đang khẩn trương làm việc để xác định rõ lỗi ở bộ cảm biến hay ở động cơ máy bay” - ông Rozhupkin nói.

Đại tá Yaroslav Rozhupkin nhấn mạnh rằng, các kíp lái máy bay MiG-31 đã được huấn luyện thực hiện hạ cánh bằng một động cơ, thậm chí trong trường hợp một động cơ gặp trục trặc bất thường việc hạ cánh như vậy không có gì là trở ngại đối với họ.

MiG-31BM là phiên bản được hiện đại hóa sâu của MiG-31 diễn ra vào năm 1998. Trước đó, đầu năm 1994 Nga tiến hành khôi phục sản xuất MiG-31, tổng cộng có khoảng 500 chiếc MiG-31 và MiG-31B được sản xuất. Hai chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM đầu tiên được biên chế cho Không quân Nga vào năm 2008. Đến năm 2012 có thêm sáu chiếc nữa được đưa vào biên chế. Hiện nay các cải tiến đối với MiG-31BM vẫn được tiếp tục tại Trung tâm thử nghiệm hàng không quốc gia. Chương trình hiện đại hoá MiG-31BM được lên kế hoạch kéo dài đến năm 2020.

Được biết, các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM được nâng cấp về hệ thống điện tử và dữ liệu kỹ thuật số, trang bị radar đa năng, buồng lái mới cùng hệ thống kiểm soát vũ khí mạnh hơn. MiG-31BM có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách 320km (200 dặm) và theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu.

MiG-31BM có thể mang các tên lửa không đối không, đất đối không mới như tên lửa tầm xa K-37M, tên lửa chống radar AS-17 Krypton. Với hệ thống radar mạnh kết hợp tên lửa đối không tầm xa có sức công phá lớn, MiG-31BM được ví là "cơn ác mộng" với bất kỳ loại chiến đấu cơ nào trên thế giới.

Danh Nguyễn
Theo Interfax

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm