David Beckham: Đừng quên, anh còn là cầu thủ tài năng!

18/05/2013 07:36 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với một cầu thủ mà nhiều người nghĩ được mua về chỉ để bán áo, David Beckham đã có một sự nghiệp đáng mơ ước.


Beckham (phải) cùng M.U đoạt "cú ăn ba" năm 1999

Cầu thủ Anh duy nhất giành chức VĐQG ở 4 nước khác nhau. Cầu thủ (không tính thủ môn) nhiều lần khoác áo “Tam sư nhất”, với 59 trong tổng số 115 trận là đeo băng đội trưởng. Có số lần ra sân tại các giải đấu chính thức nhiều hơn bất cứ cầu thủ Anh nào khác. Sir Alex Ferguson đánh giá cao anh. Fabio Capello và Carlo Ancelotti cũng vậy. Những ai bảo Beckham chỉ là kẻ tầm thường, hoàn toàn không hiểu một cầu thủ là như thế nào.

Beckham không phải là Cristiano Ronaldo hay Zinedine Zidane. Với việc Paul Scholes tuyên bố giải nghệ, Beckham rõ ràng không phải là cầu thủ M.U vĩ đại nhất giã từ sự nghiệp trong một tuần qua. Nhưng không thể phủ nhận Beckham là một người đặc biệt. Không phải trên khía cạnh quảng cáo, hình ảnh, hay theo nghĩa một ngôi sao giải trí. Mà là một cầu thủ đặc biệt đúng nghĩa trên sân cỏ.

Một tài năng đặc biệt

Beckham có một tài năng đặc biệt với trái bóng. Anh đã từng ghi những bàn thắng tuyệt đẹp, và kiến tạo không ít bàn khác. Dù anh xuất hiện thường xuyên trên những mặt báo hay những trang quảng cáo, những nỗ lực của Beckham trên sân cỏ thường không được đánh giá đúng. Khi còn trẻ, Beckham đã hy sinh những phút nghỉ ngơi hiếm hoi để tập luyện cho thuần thục những quả tạt của mình, cho đến khi anh có thể đưa bóng đến bất cứ đâu anh muốn. Ngay cả khi đã trưởng thành, Beckham vẫn không ngừng nỗ lực.

Sân Camp Nou, tháng 5 năm 1999. Tất cả mọi người đều nhớ đến 2 bàn thắng của Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer. Không mấy ai tôn vinh người kiến tạo cả 2 bàn thắng đó: David Beckham. Đó là 2 pha đá phạt góc gần như giống hệt nhau, đều từ bên cánh trái, rơi xuống ngay sát rìa vòng cấm địa, khiến hàng thủ Bayern hỗn loạn. Điều đó không phải là tình cờ, mà đã trở thành thương hiệu của Beckham.

Trong pha bóng đầu tiên, bóng đến chân Ryan Giggs. Tiền vệ người xứ Wales sút trượt, nhưng vô tình lại biến thành một đường chuyền cho Sheringham lập công. Chúng ta đã quên mất rằng, nếu M.U không có một chuyên gia thực hiện những pha bóng chết hàng đầu thế giới vào thời điểm đó, cuộc lội ngược dòng lịch sử đó có thể đã không diễn ra.

Ít phút sau, khi Beckham đặt bóng vào chấm phạt góc, Sheringham đã đoán được ý đồ của anh, di chuyển đón bóng, và đánh đầu cắt ngang khung thành Bayern để Solskjaer đệm bóng cận thành. Một lần nữa, tiền vệ mang áo số 7 lại thực hiện một quả tạt vô cùng chính xác. Các CĐV M.U đã sáng tác bài hát về bàn thắng đó. Không ai nhắc đến Beckham.

Đáng ra anh đã có thể giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa 1998-1999 của PFA, nhưng vì M.U đã có một mùa giải đại thành công, số phiếu bị xé lẻ ra cho nhiều cầu thủ, và David Ginola của Tottenham giành chiến thắng. Thời điểm đó, Beckham không ghi được nhiều bàn thắng, nhưng khả năng kiến tạo của anh thì đang ở thời kì đỉnh cao. Mùa giải ăn ba đó khiến chẳng ai còn chỉ trích anh, vì tấm thẻ đỏ tại World Cup 1998 một năm trước nữa.

Sau khi rời Old Trafford, sự nghiệp của Beckham, như rất nhiều cầu thủ khác, bắt đầu đi xuống. Nhưng ở Real, LA Galaxy, Milan và PSG, anh đã chứng minh mình được mua về không chỉ để bán áo, khi giành 4 chức vô địch quốc gia tại Tây Ban Nha, Mỹ và Pháp. Những đóng góp của anh đã được ghi nhận. Capello và Ancelotti chưa bao giờ chọn một ai vì khả năng thương mại của họ. Giống như hai HLV lão làng đó, Beckham rất nghiêm túc với bóng đá.

Hết mình vì đất nước

Tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của anh có lẽ là trong màu áo ĐTQG. Beckham thi đấu không tốt ở những giải đấu lớn, bởi chấn thương, thẻ phạt, và cả những điều không ai giải thích nổi. Tại sao anh lại thi đấu mờ nhạt ở EURO 2004? Sao lại chậm chạp đến vậy ở World Cup 2006?

Beckham sẽ tiếp tục tạo ra những luồng dư luận trái chiều. Một nửa cho rằng anh nên được ra sân trong trận đấu giao hữu với CH Ireland như một lời tri ân. Một nửa cho rằng việc Capello cho anh ra sân trong trận cuối cùng khoác áo ĐTQG là một sự xúc phạm, chỉ để phá kỉ lục về số lần khoác áo “Tam sư”.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, Beckham đã luôn hết mình vì đất nước. Anh là một trong những nhân tố quan trọng giúp mang Olympic 2012 đến với London, và nỗ lực hết mình để giúp World Cup 2018 trở về với quê hương của bóng đá. Khi dính chấn thương và không thể tham dự World Cup 2010, Beckham vẫn sang Nam Phi để động viên tinh thần các đồng đội. Beckham cần phải được đánh giá đúng vì những đóng góp cho đất nước.

Beckham đã luôn luôn là một cầu thủ như anh tâm niệm, và đó cũng là cách anh muốn được nhớ đến. Với tất cả những gì anh đã làm được cho bóng đá, Beckham xứng đáng được tri ân. Tạm biệt anh, “cầu thủ David Beckham”!

Thanh Hoài
Thể thao & Văn hóa

Beckham nói gì trong ngày chia tay?

“Tôi đã từng làm việc với một trong số những HLV vĩ đại nhất thế giới, đã giành hầu như mọi thứ trong bóng đá. Tất nhiên tôi khá buồn khi mọi người nghi ngờ khả năng của tôi, nhưng cho đến cuối sự nghiệp, tôi có thể nhìn lại và nói rằng tôi đã đạt được mọi thứ với mọi CLB mà tôi đã gắn bó. Tôi đã thi đấu cho ĐTQG 115 lần, 2 lần về nhì ở trong cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất năm, xếp sau 2 cầu thủ tuyệt vời. Tôi tự hào vì điều đó.

Tôi nghĩ giấc mơ của mọi vận động viên, mọi cầu thủ là đứng trên đỉnh cao, dù là phong độ của cá nhân hay giành 1 danh hiệu. Chuyện đó không xảy ra thường xuyên. Tôi đã may mắn. Tôi rời M.U khi đã giành chức VĐQG. Tôi rời Real khi đội bóng đăng quang. Tôi rời Galaxy với 2 danh hiệu, sau đó đến PSG và vô địch. Thật tuyệt khi chia tay bóng đá như vậy. Tôi giải nghệ như một nhà vô địch. Đó là lí do vì sao tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp”.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm