“Thăng Long – Thành phố Rồng bay”: Đẹp, chân thực và khoa học

06/02/2009 22:14 GMT+7 | Văn hoá

Khu vực Hoàng Thành Thăng Long sẽ được phục dựng nguyên sơ lại toàn bộ kiến trúc thời Lý – Trần – Lê bằng kỹ xảo 3D tiên tiến. Kịch bản dài 45 phút sẽ do chính nhà báo Thu Thủy chọn lọc tư liệu và tái hiện lại.

 
Lần đầu tiên chấp bút cho một kịch bản phim tài liệu khoa học lịch sử với mục đích muốn gửi tặng món quà ý nghĩa cho thủ đô khi Thăng Long – Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, nhà báo Thu Thủy – người đã có nhiều cống hiến cho con đường Gốm sứ ven Sông Hồng chia sẻ những tâm huyết của mình.

* Ý tưởng nào cho sự kết hợp tuyệt vời giữa chị với Công ty Đồ Hoạ 3D trong dự án làm phim khoa học này?

Nhà báo Thu Thủy
Tôi đã có thời gian dài làm báo, theo dõi nhiều các sự kiện về khai quật di tích lịch sử. Tôi cungv với các bạn bên Trung tâm Đồ hoạ 3D suy nghĩ và tâm huyết cùng tái hiện lại thời kỳ lịch sử trên nền những phế tích khai quật được.

Tôi đã thu thập thêm tài liệu, hỏi các nhà chuyên môn cùng với tư liệu từ những bài báo mình đã viết, đã sưu tập để viết thành kịch bản. Tôisuy nghĩ theo chiều hướng mình mong muốn nó được như thế nào và đặc biệt tôi rất muốn chúng tôi làm được một bộ phim mang tính khoa học chào đón 1.000 năm Thăng Long.

Chúng tôi xem chương trình của Discovery và nghĩ tại sao Việt Nam không có những bộ phim như thế. Tôi còn có ý tưởng mời đạo diễn bên Discovery để hợp tác nhưng chưa làm được. Nhưng rất may mắn chúng tôi có được sự ủng hộ từ các nhà khảo cổ học. Các nhà Lãnh đạo Thành phố cũng ủng hộ ý tưởng và họ giúp đỡ nhiệt tình về tư liệu.

* Lần đầu tiên chị viết kịch bản, lại là một kịch bản phim tài liệu khoa học. Chị có lòng tin sẽ thuyết phục được các nhà làm phim chuyên nghiệp?

Khi làm bộ phim tiêu chí của doàn là phải chân thực, khoa học và mang tính thẩm mỹ cao. Cho nên mục đích đầu tiên khi tôi nghĩ tới là làm phim phải dựa vào sự cố vấn, đặt các nhà có vấn lên trên, còn mình sẽ là người ứng dụng kỹ thuật vào phim.

Chúng tôi đã dành thời gian khá dài đi điền dã nghiên cứu cả kinh đô Huế, các khu khai quật để lấy tư liệu. Về tư liệu lịch sử và kết quả khảo cổ học, chúng tôi sẽ dựa trên sự phân tích, tư vấn của những người trực tiếp khai quật và nắm vững di vật như GS Đỗ Văn Ninh, Tống Trung Tín, Bùi Minh Trí… Người tổng hợp, kết nối tư liệu lịch sử và so sánh với hiện vật phát lộ là GS Phan Huy Lê cũng rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi.

Điện Kính Thiên - Thời Lê

* “Thăng Long – Thành phố Rồng bay” dài chừng 45 phút nhưng có vẻ cái tên dường như hơi ôm đồm ý tưởng? 

Lúc đầu chúng tôi định đặt tên là “Hoàng Thành Thăng Long” nhưng cái tên đó chỉ gói gọn phần trung tâm. Chúng tôi quyết định đặt tên “Thăng Long – Thành phố Rồng bay” để nâng tầm di tích lịch sử này.

Tôi không nghĩ là ôm đồm vì đây không phải là phim truyện mà là phim tài liệu khoa học lịch sử. Với thế loại này có thể quay lướt, điểm qua các chiến thắng trải dài suốt lịch sử với một loạt các chiến thắng tại Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Dốc Vạn Kiếp… Với tốc độ của phim khoa học, nó có lợi thế lướt qua các sự kiện và sẽ gợi cho người ta nhớ lại.

* Bộ phim sẽ tập trung chủ yếu vào nội dung chính nào?

Hoàng Thành Thăng Long có hai phần chính là Thành và Thị. Bộ phim sẽ dựng kỹ các phế tích kiến trúc trên quy mô kiến trúc thời Lý – Trần thế nào. Trong phim sẽ tái hiện lại vai trò vị trí của Hoàng thành Thăng long với cả nước, đó là trung tâm đầu não của cả nước, là nơi các triều đại Vua đã đóng đô ở đây đến thời đại Hồ Chí Minh.

40% nội dung của bộ phim sẽ tái hiện lại Hoàng Thành Thăng Long và tái hiện cả một số kiến trúc vừa mới được khai quật tại 18 Hoàng Diệu. Ví dụ như kiến trúc nhiều gian có 14 trụ móng sỏi sẽ được giả tưởng lại quy mô kiến trúc ngày xưa thông qua kỹ xảo 3D. Hay như, chúng tôi sẽ phục dựng lại kiến trúc, vật liệu xây dựng từng thời Vua như Vua Lý – Trần là quê ở vùng làm gốm là Bắc Ninh nên những vật liệu xây dựng hầu hết bằng gốm đất nung. Thời Lê, Vua quê Thanh Hóa nên dùng đá rất tốt trong việc xây dựng.

3D phục dựng lại Gạch thông gió trang trí Rồng thời Lê Sơ

* Làm phim lịch sử là một việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian điền dã, nguồn tư liệu và tâm sức. Với các nhà làm phim trẻ như 3D, khó khăn, thách thức nào đang đặt ra với các bạn? 

Khó khăn nhiều vì tư liệu lịch sử qua chiến tranh đã bị mất mát, hư hỏng lớn. Tư liệu về trang phục, bản vẽ hiện giờ còn lưu giữ chủ yếu trên bản đồ nên khó khăn trong việc đi tìm tư liệu. Về trang phục, chúng tôi có gặp nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ, hỏi về vật liệu kiến trúc gạch xây dựng các niên đại hỏi nhà nghiên cứu Đỗ Văn Ninh, hỏi về quy mô cấu trúc khu 18 Hoàng Diệu thì chúng tôi tìm tới nhà nghiên cứu Tống Trung Tín. Hỏi di vật gỗ qua các đời hỏi ông Đỗ Minh Trí. Mõi người có thế mạnh nghiên cứu đều đến và hỏi.

Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi vẫn tâm huyết làm và ứng dụng kỹ xảo 3D tiên tiến hiện nay. Ở Mỹ công nghệ này phát triển mạnh còn ở ta thì chưa làm được như vậy. Chúng tôi ứng dụng 3D mới nhất tại Việt Nam tái hiện cung điện, quy mô kiến trúc hiện nay chỉ còn là phế tích sau khai quật, khảo cổ. Nhưng rất mừng là cuộc khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long xuất lộ gần như đầy đủ dòng chảy lịch sử qua các triều đại Lý - Trần - Lê Sơ - Nguyễn… những di vật còn lại kể cả mảnh vỡ, đầu rồng, đầu phượng, viên ngói… là minh chứng sống để chúng tôi dựa vào phục dựng lại.

* Kinh phí có phải cũng là một khó khăn với các nhà làm phim trẻ?

Đúng thế. Dự án này dự kiến chúng tôi đầu tư hơn 6 tỉ. Hiện nay, Công ty Đồ Họa và Công ty Tân Hà Nội đang bỏ kinh phí ra khoảng 900 triệu để chạy những bước đầu của dự án. Chúng tôi cũng bắt đầu khởi động kêu gọi tài trợ, hy vọng bộ phim sẽ xã hội hóa thành công để hoàn thiện bộ phim đúng tiến độ. Phim dự kiến sẽ được phát sóng trên VTV1 vào khoảng giữa năm 2010.

* Xin cảm ơn nhà báo Thu Thuỷ!
 
Theo Thiên Lam (Vnmedia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm