Vụ Kenyon có thể sang Man City: Câu… cá mập

17/07/2009 12:05 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - John Terry, Adebayor, hay Tevez ư, tất cả sẽ chỉ là “muỗi”, nếu so với viễn cảnh Peter Kenyon ngồi dự khán ở City of Manchester trong mùa tới.
 
Ở bất cứ phương diện nào, Giám đốc điều hành của Chelsea cũng sẽ là một con cá mập thực thụ cho tham vọng của Man xanh. Đội bóng của người Ảrập có tiền, có ngôi sao, nhưng ai cũng thấy, điều còn thiếu cơ bản nhất của họ chính là một người như Kenyon.
 
Nếu cần một thời điểm để đi câu con cá mập cỡ Kenyon, thì đúng là lúc này đây. Báo chí Anh gần đây đã rò rỉ thông tin về việc Peter đang bị gạt dần khỏi những hoạt động thể thao ở Stamford Bridge, thay vào đó là những nhiệm vụ đơn thuần về thương mại. Hoặc Abramovich đang bỏ phí một tài năng, hoặc cái đầu đang chứa đựng quá nhiều thứ của ngài tỷ phú Nga đang nghĩ tới một sự thay đổi có tính chiến lược. Trong mùa giải gần đây, những mâu thuẫn đầu tiên đã nảy sinh giữa quyền lực của Kenyon và vị thế của ông chủ. Từ chỗ được biết đến như một người giữ vai trò chủ đạo trong những vụ áp phe bom tấn, từ cầu thủ cho tới HLV, Kenyon nay đã lui vào hậu trường. Trong 2 vị HLV mới nhất của Chelsea, Hiddink và Ancelotti, Abramovich hầu như đã tự tác hợp bằng quan hệ và tầm ảnh hưởng của mình. Peter không hề liên quan. Khi Scolari bị trảm, Peter hoàn toàn bị động. Và khi Chelsea bổ nhiệm Giám đốc thể thao Frank Arnesen, cựu Giám đốc điều hành của Man Utd im lặng, nhưng lại để báo chí lên tiếng hộ về khả năng ra đi của ông (?!) Có thể xem đó là những điều bất thường không?
 
Man City muốn có cả Peter Kenyon?
 
Có thể Man City đã đánh hơi thấy điều gì đó, trước khi tờ Times tiết lộ thông tin Kenyon sẵn sàng rời London. Một lần nữa, Man xanh đã nhập cuộc nhanh nhất. Nhưng khả năng họ thua đã bị giảm thiểu. Bởi Kenyon không phải là… Kaka. Ông không có bất cứ ràng buộc đáng kể nào về mặt danh dự hay tiền bạc với đội bóng London. Và hơn ai hết, Kenyon cũng hiểu, Man City sẽ giúp ông bước vào một thế giới mới, rất thú vị, và cực kỳ hứa hẹn về mặt công việc. Đó sẽ là một sự làm mới đầy hứng thú, đặc biệt trong bối cảnh Chelsea đã có dấu hiệu chặt bớt quyền hành của ông.
 
Sự lựa chọn hoàn hảo
 
Vì sao ngay khi giành quyền kiểm soát được Chelsea, Abramovich lại lập tức đưa về Kenyon? Câu trả lời rất đơn giản, nếu cần một tài năng để hoạch định chiến lược, một bộ óc quái kiệt về quan hệ công chúng, và một nhà chính trị khôn ngoan trong những cuộc họp thượng đỉnh ở châu Âu, chẳng ai có thể qua mặt Kenyon. Tại Man City, Giám đốc điều hành Garry Cook cũng là một tay đáng gờm, với bề dày 12 năm làm Giám đốc Marketing của Nike, kiêm Chủ tịch Hãng phát triển các sản phẩm gắn liền với Michael Jordan. Nhưng Cook còn lâu mới bằng được Kenyon. Hai điểm yếu mà ai cũng thấy ở Cook: 1, Những hạn chế trong việc xây dựng chiến lược phát triển; và 2, sự yếu thế trong những cuộc đấu “tay to” thuộc G14.
 
Nếu các ông chủ của Man xanh muốn có một sự so sánh, không may, đó lại là những điểm mạnh nhất của Kenyon. Chỉ sau 2 năm đầu tiên, Giám đốc điều hành của Chelsea đã xây dựng một đề án khả thi cho khả năng cân bằng thu-chi của The Blues trong mùa giải 2009-2010. Bên cạnh đó, những mối quan hệ chẳng chịt của ông trong G14 cũng giúp Chelsea nhanh chóng cải thiện được vị trí của mình, từ những điều đơn giản nhất như việc tranh giành ngôi sao, cho tới những cuộc bành trướng thương hiệu quy mô lớn.
 
Người Ảrập có thể không thiếu tiền, nhưng họ sẽ không thể đổ vào đội bóng hàng trăm triệu bảng mỗi mùa mà không thu lại được gì. Mặt khác, nếu họ muốn Man City trở thành một vỏ bọc để quảng bá thương hiệu, ít nhất đội bóng vùng Eastland cũng phải tự tạo ra được hình ảnh của mình, trước tiên là trên phương diện tài chính. Người thích hợp nhất để lên kế hoạch và thực hiện nó, không phải là Kenyon, thì còn ai vào đây nữa?
 
Tất nhiên, câu cá mập thì phải có chiếc cần lớn, thậm chí, cả một mẻ lưới khổng lồ. Điều này thì có vẻ lại là sở trường của Man City rồi còn gì.
 
Tiền nhiều, không bằng… quan hệ rộng

Sau khi thất bại trong vụ Kaka, các ông chủ của Man City đã tỏ ý tức giận trước thái độ kẻ cả của Milan. Nhưng trên thực tế, ở châu Âu, các đại gia lắm tiền nhiều của cũng chưa chắc thắng, nếu thiếu những mối quan hệ trong G14. Điển hình nhất là vụ mua hụt Benzema mới đây của Man Utd. Dù đã trả giá cao hơn Real, nhưng Quỷ đỏ vẫn ngậm ngùi thất bại trước Perez, người được xem là có mối thâm giao khăng khít với Chủ tịch Lyon, Jean-Michel Aulas.

Kenyon không chỉ là một nhà quản lý giỏi (ông vừa thực hiện thành công hợp đồng tài trợ mới cho Chelsea trị giá 11 triệu bảng/năm với Samsung, và trước đó là những thương vụ với Umbro, Vodafone, Nike, và New York Yankees từ năm 1997 tới 2003). Trên thị trường chuyển nhượng, GĐĐH 55 tuổi này cũng đã đứng sau những cuộc mua bán cỡ lớn, như Ruud van Nistelrooy, Veron, Beckham, Essien, Drogba… Nên nhớ, trong tứ đại gia ở Anh, chỉ có Chelsea là không thuộc nhóm 18 đội của G14. Nhưng với Kenyon, họ đã giành ưu thế không ít lần trong các cuộc va chạm quyền lợi với nhóm này.
 
Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm