MAMMA MIA!: Tiền hay âm nhạc?

28/07/2008 18:24 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Chỉ sau 3 ngày công chiếu ở khu vực Bắc Mỹ, Mamma Mia!, bộ phim ca nhạc cùng tên với một ca khúc ăn khách của ABBA đã đạt được doanh thu cao nhất ở thể loại này và hiện đang chiếm lĩnh vị trí thứ 2 trong Top 10 phim có doanh thu cao nhất tuần qua. Một “bí quyết” thành công quan trọng của Mamma Mia!, dĩ nhiên, là hơn 20 ca khúc “đỉnh” của ABBA được sử dụng trong phim, chỉ có điều: chúng được thể hiện hoàn toàn bởi các… “ca sĩ nghiệp dư”!
 
Chẳng lẽ Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus, hai thành viên “B” trong nhóm ABBA, “cha đẻ” của vở nhạc kịch Mamma Mia!, không lo sợ khả năng các giọng ca “nghiệp dư” như Meryl Streep, Pierce Brosnan, Colin Firth, Stellan Skarsgard... sẽ “hủy hoại” nghiêm trọng chất lượng âm nhạc tuyệt hảo của họ sao? Khoảng một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ban nhạc giải thể, giờ đây các thành viên “thánh thiện” của ABBA thuở nào ít nhiều khiến người ta nghĩ rằng: Liệu họ có chỉ quan tâm tới việc... “thu tiền”, hơn là tái nhóm để biểu diễn nhạc không nhỉ?
 
Mamma Mia!

Madonna và John McCain thoạt nhìn thì chẳng có gì “chung”. Ấy thế nhưng lại có một điểm đấy: Cả hai, diva nhạc pop và ứng cử viên tổng thống Mỹ, đều thích những bài hát của ABBA.

Ở vế “khác nhau” xem ra có vẻ rắc rối hơn: Các nghệ sĩ Thụy Điển thích Madonna trước hết là vì diva nhạc pop đã “chơi đẹp” trong việc chia sẻ lợi nhuận thu về từ nhạc phẩm Hung Up - được lấy cảm hứng từ ca khúc Gimme Gimme Gimme của ABBA. Và "chơi đẹp" ở đây có nghĩa là 50% lợi nhuận cho ABBA.

John McCain thì trái lại, chẳng hề được các thành viên ABBA ưa thích. Trước hết vì ông ta đã “to gan” dùng ca khúc kinh điển Take A Chance On Me của ABBA để làm nền cho những buổi vận động tranh cử mà tịnh không xin phép các tác giả, và làm như thể đó là “của chung” vậy!

“Thật là bất hạnh”, Bjorn Ulvaeus rầu rĩ ca cẩm. “Vì thế, thật tiếc là chúng tôi đã phải gọi điện cho các luật sư của mình”, Benny Andersson nhún vai bổ sung.

Mamma Mia! là bộ phim nhạc kịch rất vui tươi: Một bà mẹ đơn độc nuôi con và cô con gái 20 tuổi muốn đi tìm cha - trước hôn lễ của mình - trên một hòn đảo ở Hy Lạp. Đám cưới không thành vì bao nhiêu trò tréo ngoe. Rốt cuộc, chính bà mẹ lại trở thành cô dâu! Cốt truyện đơn giản, dí dỏm này đã tạo một khung nền lý tưởng cho những ca khúc rung động lòng người của ABBA. Và ngay trong mấy tuần đầu phát hành, phim này đã tỏ ra rất thành công, chí ít là cho Andersson và Ulvaeus, những người đồng sản xuất Mamma Mia!, bởi vì phim được xây dựng dựa theo vở nhạc kịch cùng tên - trong đó có những ca khúc thậm chí đã bước sang tuổi 34. Dĩ nhiên là không thể thiếu Mamma Mia! và các ca khúc “đỉnh” khác như Dancing Queen, The Winner Takes It All hay Super Trouper...

Khoảng một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ lúc “ban nhạc gia đình” ABBA giải thể. Và cho đến tận hôm nay, âm nhạc của họ vẫn còn luôn được coi là thứ nhạc pop hoàn hảo làm đẹp lòng hết thảy mọi lớp thính giả. Các album của ABBA hiện vẫn luôn được tiêu thụ mạnh trên toàn cầu, ước tính khoảng 3.000 đĩa mỗi ngày.
 
Benny Andersson:
"Chúng tôi từng làm việc từ 10 đến 17 tiếng mỗi ngày"

Tổng số đĩa bán ra cho tới nay là bao nhiêu, thưa các quý ngài? 350 triệu bản? Hay 370 triệu?

“Tôi không biết”, Andersson trả lời với vẻ hãnh diện, “Và tôi cũng không biết người nào biết được điều đó”. Việc xác định chính xác số lượng đĩa được bán ra kể từ năm 1972 có lẽ là “tuyệt đối không thể”, Ulvaeus tin như thế. Thực ra thì thi thoảng Andersson mới kiểm tra tài khoản của mình: “Cứ 6 tháng tôi lại nhận được một đợt chuyển khoản từ hãng đĩa và các công ty khai thác lợi nhuận khác trên những sản phẩm của ABBA”. Liệu mỗi lần như thế họ có mở champagne để ăn mừng không nhỉ?

Andersson tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tại sao tôi cần phải làm thế chứ? Người ta đã quá quen với những việc ấy rồi!”. Nhưng khi có người cho biết rằng anh ta đã từng mua được tại Trung Quốc một đĩa lậu ABBA chỉ với giá 1 euro, Ulvaeus im lặng nhìn ra biển... Có lẽ ông ta lại vừa nghĩ tới các luật sư của mình. “Nhưng không sao”, Andersson trấn an, “Bởi chúng ta cũng chẳng thể làm được gì để chống lại nạn đĩa lậu. Nếu chẳng thể thay đổi được điều gì đó thì tôi cũng sẽ không bức xúc vì nó”.

Đằng nào thì Mamma Mia! cũng cho thấy rằng nó vẫn là "chiếc máy in tiền" đáng tin cậy của ABBA trong những năm qua. Vở nhạc kịch Mamma Mia! ra mắt ở London vào năm 1999 và hiện thời vẫn đang được công diễn tại 12 thành phố lớn trên thế giới. Cho tới nay đã có 30 triệu khán giả được thưởng thức vở diễn này; ước tính số tiền bán vé thu được mỗi tuần là 8 triệu USD; doanh số tổng cộng trên 2 tỷ USD. Ngay từ năm 2004, Ulvaeus đã phỏng đoán rằng: “Vở Mamma Mia! sẽ khiến chúng tôi trở nên giàu có hơn tất thảy những gì thu được từ ABBA”.

Vì vậy, tại thời điểm cân nhắc liệu Mamma Mia! có nên được chuyển thể thành phim hay không, thì đó không phải là một quyết định “vị nghệ thuật”, mà là một “thương vụ ” cho các chuyên gia tiếp thị, với chuyên ngành đa dạng hóa nhãn mác sản phẩm và đặc quyền thương mại. “Không ai biết liệu bộ phim có làm tụt giảm lượng người xem của vở nhạc kịch hay không”, Andersson phát biểu. Hay liệu có xảy ra khả năng là thông qua bộ phim, sẽ có những nhóm khán giả mới, trẻ tuổi hơn, cũng quan tâm tới tác phẩm sân khấu? Một số cảnh “sexy” vì thế đã được cẩn trọng loại ra khỏi kịch bản phim để trẻ em cũng có thể vào rạp.

Ai là người đồng thời có tiếng nói cuối cùng đối với bộ phim Mamma Mia!, điều này cũng đã được xác định rõ ràng ngay từ đầu: Tất nhiên là hai thành viên “B”, những người tuyệt không nghĩ tới việc để vuột khỏi tầm tay quyền kiểm soát đối với “con gà đẻ trứng vàng” của mình. Vì thế, Ulvaeus và Andersson đã đấu tranh với hãng phim Universal, đòi được bệ nguyên cả nhóm tác giả của vở nhạc kịch rất thành công nói trên - bao gồm nhà sản xuất Judy Craymer và nữ đạo diễn Phyllida Lloyd - vào ê-kíp làm phim, bất chấp kinh nghiệm điện ảnh ở con số 0 tròn trĩnh của họ và mức ngân sách 60 triệu USD.

Còn các diễn viên? “Họ phải có thể hát được, đó là một yếu tố rất quan trọng”, Ulvaeus nói với vẻ kiên quyết. Meryl Streep, “bà lớn Hollywood”, thủ vai nữ chính, đã hoàn toàn thuyết phục được các “ông chủ” của Mamma Mia!. “Trước khi khởi quay, tôi đã duyệt qua một lượt tất cả các ca khúc với Meryl Streep”, Andersson phấn chấn kể lại, “Đó là một việc... dễ như ăn kẹo đối với chị ấy”. Rất tiếc là Pierce Brosnan, Colin Firth và Stellan Skarsgard, các nam diễn viên đóng vai những người tình cũ của Streep ở trong phim, thì lại tỏ ra “thiểu năng” ca nhạc hơn nữ đồng nghiệp của họ.

Nhưng câu hỏi được quan tâm hơn hết thảy có lẽ vẫn là: Tại sao các ca sĩ “nghiệp dư” này lại bỗng dưng được cho phép “hủy hoại” âm nhạc của ABBA? Tại sao trước kia Andersson và Ulvaeus đã phải quần quật hàng tuần trong phòng thu chỉ để hoàn thiện một ca khúc thì nay lại “dễ dãi” cho phép biến các tác phẩm của mình thành một “trò hề” như vậy trên màn ảnh? “Nếu các bạn muốn nghe ABBA thì xin mời: Hãy mua một CD!”, Andersson khích lệ, và không quên trấn an các fan của mình rằng “tuy vậy, phần ca nhạc được thể hiện trong phim cũng là thứ hạng nhất, gần với nguyên bản tới mức có thể”.

Khi xem phim Mamma Mia! (dự kiến cũng sẽ được chiếu tại Việt Nam trong thời gian tới), nếu tinh mắt, bạn có thể phát hiện ra cả hai thành viên nổi tiếng này của ABBA, Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus, trên phim, dẫu chỉ thoáng qua vài giây: Ở một cảnh, Andersson ngồi bên đàn dương cầm, trong phục trang của một ngư ông Hy Lạp. Còn Ulvaeus thì đóng vai Apollo (vị thần bảo hộ nghệ thuật - theo thần thoại Hy Lạp) trong một tiên cảnh ở cuối phim...
 

* Những bài hit của các ông như Dancing Queen hay Mamma Mia! được yêu thích ở khắp nơi trên thế giới, chúng đã có mặt trong một vở nhạc kịch và bây giờ là bộ phim của Hollywood. Nói chung các ông có thể còn nghe được những ca khúc của chính mình không?

- Ulvaeus (cười): Điều đó... tương đối là khó sau tất cả những thời khắc ấy. Nhưng khi nghe Meryl Streep hát bài The Winner Takes It All, tôi thực sự đã rất xúc động

* Lẽ ra các ông có thể sáng tác một ca khúc mới cho phim Mamma Mia!...

- Andersson: Riêng ý tưởng thôi thì chưa đủ, các bài hit mà chúng tôi có được luôn là sản phẩm của lao động cật lực và có kỷ luật. Chúng tôi từng làm việc từ 10 đến 17 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, có lẽ tôi sẽ không bao giờ thử sáng tác các ca khúc pop ở tuổi 61 nữa. Tôi dành việc đó cho lớp trẻ.

* Chí ít thì các ông đã cho phép Madonna sử dụng nhạc ABBA ở ca khúc thành công tầm cỡ thế giới Hung Up của chị ta. Điều mà ngoài Madonna, đã không ai được phép?

-Ulvaeus: Các anh còn quên ban nhạc Fugees đấy. Tại sao chúng tôi lại nghiêm ngặt như vậy ư? Thì người khác cũng cần phải sáng tác những thứ của riêng mình chứ! Tôi ghét việc họ dùng một trong những giai điệu tuyệt diệu của chúng tôi, thêm rap vào, rồi lại còn được khen vì việc đó. Thế là bất công!

- Andersson: Chúng tôi cũng luôn được hỏi liệu có muốn đưa Dancing Queen lên Internet để người ta có thể phối âm hay không. Nếu người ta tin rằng họ giỏi hơn chúng tôi thì trước hết là nên tự sáng tác gì đó đi!

* Trước đây ABBA là một trong những ban nhạc bị ghét nhất ở Thụy Điển, còn bây giờ một bảo tàng lớn về ABBA sẽ được khai trương vào năm tới tại Stockholm. Giờ thì các ông cảm thấy đã được tôn trọng đủ ở quê hương mình?

- Andersson: Hồi ấy chúng tôi chỉ quan tâm tới bản thân và thực hiện kiên định công việc của mình... Nhưng sau này chúng tôi đã được đối xử tốt. Tôi thậm chí còn nhận được một huân chương của Quốc vương.

- Ulvaeus: Tôi cũng vậy. Nhưng tôi không nhớ là cho công trạng gì nữa...
 
- Ulvaeus: Hình như là cho thành tựu trọn đời.

- Ulvaeus: Agnetha và Frida thì chưa từng được nhận một phần thưởng nào như vậy, thực ra thì cũng kỳ cục...

 
Thục Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm