06/11/2012 13:20 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - 18 tháng xuôi ngược dọc Việt Nam và ghi lại khoảnh khắc riêng tư của gần 70 cặp đôi đồng tính - đó là công việc nhiếp ảnh gia Maika Elan thực hiện để có triển lãm cá nhân Yêu là yêu.
Đây không phải là cuộc triển lãm đầu tiên về đề tài đồng tính. Thế nhưng, cách tiếp cận trực diện của các bức ảnh đã buộc dư luận phải quan tâm đặc biệt tới Yêu là yêu - dù tới 15/11, triển lãm này mới khai mạc tại Viện Goethe Hà Nội.
Mang nghệ danh khá “Tây”, Maika Elan là cô gái Việt Nam 100% với cái tên Nguyễn Thanh Hải. 26 tuổi, chị đang được biết tới như một tay máy giàu ý tưởng, sau những gì từng thực hiện.
Chuyện sau những bức ảnh…
Maika cho biết:
- Khi bắt đầu, tôi cũng không có mối quan hệ nào với những người đồng tính. May mắn, tôi gặp và được sự giúp đỡ của Nguyễn Văn Dũng, người đồng tính đầu tiên tại VN từng ra tự truyện vào năm 2008.
Tôi chụp những bức ảnh đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 5/2011. Rồi tiếp đó là những chuyến đi tới Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt hay TP.HCM. Từ hơn 70 cặp đồng tính đã chụp, tôi chọn được 45 tác phẩm cho cuộc triển lãm lần này.
Maika Elan - Nguyễn Thanh Hải |
* Chị thuyết phục những nhân vật của mình theo cách nào?
- Không, Dũng là người làm điều đó. Anh động viên bạn bè tin rằng việc tham gia dự án sẽ có tác động tích cực tới hình ảnh của cộng đồng. Thiếu Dũng, gần như chắc chắn dự án này không thể thực hiện, bởi đây là một cuộc triển lãm công khai và sử dụng rất nhiều thông tin thực của nhân vật.
Tôi vẫn nhớ lần chụp bộ ảnh đầu tiên. Đó là một cặp sinh viên nam tại Hà Nội. Họ rất trẻ và đầy ngượng ngùng khi ống kính xoay vào mình. Chụp như vậy rất “cứng”. Dũng nói khéo, bảo rằng Maika cũng... là người đồng tính, cứ gọi là “anh Maika” đi (cười). Khi đó, hai cậu sinh viên mới tự nhiên hơn…
* Có khi nào, nhân vật bỗng đổi ý và không muốn... lộ diện trong những bức ảnh này?
- Chưa! Thông thường, những cặp đôi đã công khai về giới tính thì khá thoải mái và điềm đạm. Chẳng hạn như bức ảnh về hai người đàn ông trung niên đang tắm cùng nhau. Ngoài đời, đó là một cặp đôi vui tính và đã tham gia công tác xã hội rất nhiều. Họ sở hữu một khách sạn cho thuê, nên “ngẫu hứng” nghĩ ra cảnh tắm chung khi tôi chụp ảnh.
Maika Elan hiện hành nghề nhiếp ảnh tự do. Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh vào năm 2006 với giải Nhất ảnh đơn và Phóng sự ảnh xuất sắc nhất của IMMF (Quỹ tưởng niệm Báo chí Đông Dương). Triển lãm ảnh Yêu là yêu của chị sẽ diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) từ 15/ 11 đến 2/12, tiếp đó sẽ được lên kế hoạch đưa vào TP.HCM.
Ngược lại, tôi cũng khá bất ngờ khi một người chủ động liên lạc và đề nghị tham gia vào dự án. Phần lớn, đó là những cặp đôi đang sống tại phía Nam. Hóa ra, họ vẫn ở tình trạng “bí mật” và lúng túng không biết công khai giới tính của mình theo cách nào. Tôi khá xúc động, khi họ nói rằng việc xuất hiện trong dự án này là cách “bày tỏ” tốt nhất với gia đình. Bởi, họ hy vọng người thân sẽ thông cảm và tin tưởng, khi xem những bức ảnh về một cộng đồng biết yêu thương và có trách nhiệm với nhau.
* Còn chị, có bao giờ chị cảm thấy lúng túng khi chụp?
- Lúng túng vì những chuyện khách quan thì có. Đó là lần tôi chụp một cặp đồng tính nữ tại TP.HCM. Chúng tôi hẹn nhau ở một góc phố gần nhà trọ. Trời mưa to, điện thoại lại hỏng bất ngờ, tôi không tìm được địa chỉ, còn hai bạn nữ kia cũng lại đội mưa đi lòng vòng quanh góc phố vì đoán tôi lạc đường. Tới khi về nhà, căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 6 mét vuông. Tôi phải ngồi lên cái thùng rác ở góc nhà để chụp, còn hai bạn gái ngồi trên giường cùng xem phim ma. Cứ như vậy suốt 5 tiếng đồng hồ.
Rồi một lần khác, tôi đang chụp một cặp đôi tại nhà thì “phụ huynh” xuất hiện. Tôi hơi lúng túng, nhưng hóa ra, bố mẹ họ lại rất thương và thông cảm với con mình. Bác gái mạnh dạn đề nghị chụp ảnh cả nhà cho vui, rồi gia đình kéo nhau đi hát karaoke để lên ảnh cho tự nhiên (cười).
Một bức ảnh tại triển lãm |
Người đồng tính, hãy tự tôn trọng mình
* Khi chụp, đã bao giờ chị gặp sự “phá đám” từ những người dị tính?
- Tôi thường chụp tại nhà riêng, hoặc phòng trọ của những người đồng tính. Cũng có vài tấm ảnh được thực hiện tại công viên, vườn hoa... nhưng không nhiều. Thật ra, khi ở không gian riêng, bao giờ người đồng tính cũng tự nhiên và thoải mái nhất. Nếu mang ra ngoài, không những người đồng tính dễ gặp áp lực từ những cặp mắt xung quanh, mà bản thân họ cũng thường rơi vào trạng thái “lên gân”, tức là cố gắng thể hiện để che đi sự lúng túng của mình.
Chẳng hạn, gần cuối dự án, có một cặp đồng tính nam rất thích tôi chụp cảnh họ cùng đi chợ hoa ban đêm. Mấy anh em lặn lội cùng nhau đi cả đêm. Mọi chuyện tưởng đã ổn, nhưng gần sáng lại có một ông già tình cờ đi ngang qua và làm toáng lên như bắt được tội phạm. Chúng tôi vẫn chụp cố, nhưng bạn biết đấy, không khí thiếu thoải mái như vậy khiến ai cũng mất tự nhiên
* Với những quan điểm còn rất trái ngược về người đồng tính hiện nay, chị nghĩ rằng thời điểm này đã là thích hợp cho dự án?
- Tôi nghĩ, từ vài năm trước, xã hội đã đủ thông cảm để chấp nhận những cuộc triển lãm như thế này. Thật ra, tôi gặp khá nhiều sự phản đối ngay ở cộng đồng các bạn đồng tính và chuyển giới. Họ cho rằng những bức ảnh đó ít nhiều dung tục, dễ gây ác cảm với xã hội. Tôi phải giải thích rất nhiều, thậm chí nhờ các tổ chức xã hội về quyền của người đồng tính “thanh minh” giúp.
Với cách nghĩ của tôi, người đồng tính hãy bỏ đi những suy nghĩ tự thân về sự khác biệt của mình so với phần còn lại. Tự xa cách, khép kín và e dè - đó cũng là những biểu hiện khác nhau của việc tự kỳ thị mình. Giống như, khi xem những triển lãm ảnh về người đồng tính tại VN, tôi thấy người được chụp vẫn thường giấu mặt. Quay lưng, che mặt, hoặc chỉ tập trung vào hai bàn tay đang nắm lấy nhau, tôi vẫn thấy những bức ảnh đó thiếu thiếu chút gì. Nếu cực đoan, tôi sẽ tự hỏi: cách lựa chọn như vậy có gây cảm giác giấu diếm, thiếu đàng hoàng không - nếu bản thân những người trong ảnh không hề có cảm giác tự ti vì làm một điều gì sai trái?
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất