Mai một làng nghề Bửu Long (Bài 2): Đừng đánh mất làng nghề đá danh tiếng 300 năm

29/09/2009 15:28 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Làng đá Bửu Long (Biên Hòa, Đồng Nai) không chỉ là một làng nghề đơn thuần, mà đó là một nghệ thuật chạm trổ công phu của người dân được lưu truyền nhiều đời, không phải ở đâu cũng có được. Sau khoảng 300 năm tồn tại, làng nghề đang dần bị mai một.

“Sống còn” với nghề truyền thống

Khi chúng tôi đến phường Bửu Long, nơi được xem là “làng nghề” chạm trổ đá, tiếng “lách cách, leng keng” đã trở nên ít dần, thay vào đó là tiếng “lẹt xẹt”
của những chiếc máy cắt đá. Dọc hai bên đường Huỳnh Văn Nghệ (tỉnh lộ 24 cũ), vẫn có một số cơ sở làm đá, nhưng bóng dáng của những bức tượng điêu khắc đã trở nên khan hiếm. Hầu hết các cơ sở đều trưng bày những “tác phẩm” về... bia, mộ. Rất khó để cảm nhận đây là một làng nghề truyền thống từng có tiếng tại khu vực Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Từ trước đến nay, nguồn nguyên liệu chủ yếu của làng nghề là đá xanh được khai thác ở núi Bửu Long. Năm 1990, khu du lịch Bửu Long được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia thì việc khai thác đá bắt đầu gặp khó khăn. Năm 1996, TP Biên Hòa quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (thuộc quần thể khu du lịch Bửu Long) để giữ nguyên cảnh quan, không ảnh hưởng đến du lịch. Anh Phạm Duy Linh, chủ cơ sở Tân Hưng Phát, cho biết: Từ khi khai thác đá ở núi Bửu Long bị cấm, các cơ sở phải chạy đi tìm mua nguyên liệu đá ở các khu vực khác, nhiều nhất là các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh (Biên Hòa), Tân Hiệp (Bình Dương)...

Công vận chuyển, tiền nguyên liệu cao, dần dần nhiều người cũng đành bỏ nghề truyền thống để làm nghề khác kiếm “miếng cơm, manh áo”. Hơn nữa, thông tin về việc cấm khai thác đá ở Hóa An cũng làm các thợ đá hoang mang. Những người còn trụ lại cũng hoạt động cầm chừng. Hơn nữa, đá xanh ở các khu vực khác cũng không đẹp bằng đá núi Bửu Long. “Nếu mua đá ở các vùng khác thì chất lượng không tốt, độ mịn và màu xanh không “sắc” bằng đá ở đây”, anh Phạm Duy Linh chia sẻ.



Hầu hết các cơ sở bây giờ tồn tại chủ yếu là nhờ làm bia, mộ hoặc cầu thang. Những bức tượng nghệ thuật như hình Đức Phật, lân, sư, rồng... hiếm khi mới có người đặt. Các đơn đặt hàng cũng giảm dần. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, các cơ sở đá cứ từ từ “lụi tàn”, từ hơn 30 cơ sở xuống còn khoảng 10 cơ sở. Sự cạnh tranh trở nên gay gắt, chỉ những cơ sở lớn, có uy tín về tay nghề mới có thể tồn tại được. Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Giá trị văn hóa truyền thống phải thay đổi theo quy luật tất yếu của nó. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy trong thực tế diễn ra  không bình thường. Những biểu hiện đáng lo ngại về tính tự phát, thực dụng, thị trường hóa làm phai nhạt thậm chí làm tổn thương các giá trị văn hóa, dẫn đến làm chậm hoặc lệch chuẩn quá trình phát triển”.

Chủ cơ sở Đặng Hữu Lợi tâm sự: Bây giờ đơn đặt hàng cũng ít, nên hoạt động cầm chừng thôi. Đá cũng hiếm, cứ mua được đến đâu thì làm đến đó. Chẳng mong gì chuyện quy hoạch phát triển làng nghề cả, mấy năm rồi mà có thấy gì đâu, chỉ những người làm ăn như chúng tôi khổ, bỏ nghề truyền thống của cha ông thì không nỡ. Gần 20 năm gắn bó với nghề của tổ tiên để lại, đó cũng là “nồi cơm” của gia đình, nên cũng ráng thêm vài năm xem thế nào. Hy vọng chính quyền thành phố sớm có kế hoạch cụ thể để chúng tôi an cư lạc nghiệp, tiếp tục với nghề.

Hướng đi nào cho làng nghề?

Hiện nay, theo thống kê chính thức của địa phương, Bửu Long chỉ còn 8 cơ sở chế tác đá đang hoạt động. Việc chế tác bằng máy cắt, máy chà gây ra tiếng ồn lớn và nhiều bụi đá gây ô nhiễm trong khu đông dân cư. Ngày 10/10/2008, UBND TP Biên Hòa đã ra văn bản 2938/UBND- T về việc yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Tuy nhiên, để các cơ sở có thời gian thực hiện, thành phố đã đồng ý là trong thời gian chưa có quy hoạch cụ thể về việc đưa các cơ sở sản xuất này ra khỏi khu dân cư, các cơ sở vẫn được làm thủ công tại chỗ. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh, nếu không dùng máy móc thì “lấy tiền đâu trả công cho anh em”.

Các đơn đặt hàng ngày càng hiếm, trong đó chủ yếu là bia mộ, còn đơn hàng về điêu khắc thì quá ít. Và thực tế, nhiều cơ sở đá vẫn dùng máy để sản xuất ngay trong khu dân cư. Bà Lê Thị Thu Tâm, Phó Chủ tịch phường Bửu Long, cho biết: Hiện TP Biên Hòa yêu cầu phải di dời các cơ sở ra khỏi khu dân cư, nhưng lại không có hướng dẫn hay kế hoạch cụ thể để phát triển tiếp làng nghề, nên thực hiện rất khó. Phường có kiến nghị, nhưng thành phố chỉ trả lời “không có quỹ đất” để quy hoạch làng nghề. Nên chưa biết làng nghề sau này sẽ thế nào, đi về đâu.

Trong việc quảng bá khu du lịch Bửu Long tỉnh Đồng Nai, làng nghề đá truyền thống được xem là một địa điểm tham quan lý thú, đầy ý nghĩa với du khách. Nhưng khi làng nghề đang đứng trước nguy cơ bị “tan rã” thì chính quyền lại chưa đưa ra được hướng đi cụ thể để bảo tồn làng nghề truyền thống 300 năm tuổi.

Phan Vũ - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm