Lý Công Uẩn không thể là con… Vạn Hạnh thiền sư

04/01/2009 19:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là điều được nhắc tới khá nhiều cuộc tọa đàm về vấn đề quê hương Nhà Lý, do Hội Sử học Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử VN tổ chức vào ngày 27/12/2008. Trước đó, một vài chuyên gia sử học đã tỏ ra rất thích thú với giả thiết này và theo đuổi nó trong một thời gian dài…
 
* Đừng nên chạy theo những huyền thoại dân gian

Trong các bộ cổ sử, Lý Công Uẩn có một sự nghiệp vô cùng vĩ đại và hiển hiện, nhưng lại có một lai lịch không rõ ràng. Tất cả các bộ sử cũ của Việt Nam đều ghi rằng Lý Công Uẩn mồ côi cha mẹ từ năm 3 tuổi, (và đã truy phong cho cha mẹ sau khi lên ngôi) nhưng lại không chép đến hoặc không xác định được thân thế của người cha ấy. Bởi vậy, trong khi một số bộ cổ sử chép rằng ông là con của thần nhân, nhiều truyền thuyết dân gian lại cho rằng ông là con của một lão Sa Môn tại chùa, con của nhà sư Lý Khánh Văn (sư trụ trì chùa Cổ Pháp, cha nuôi của Lý Công Uẩn) và thậm chí là… con ruột của Vạn Hạnh thiền sư- vị “cố vấn chính trị” của cả hai vương triều Tiền Lê và Lý.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ
Chính từ việc thiếu rõ ràng, cộng cùng sự ly kì của các truyền thuyết dân gian ấy, một vài nhà sử học đã tỏ ra rất tâm đắc với giả thiết rằng Lý Công Uẩn chính là… con ruột của Vạn Hạnh thiền sư. Và họ đã cố gắng suy luận từ các sử liệu nhiều chi tiết về điều này, đặc biệt là việc thiền sư Vạn Hạnh đã giới thiệu Lý Công Uẩn lên vua Lê để đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong triều đình Tiền Lê, sau đó lại có nhiều đóng góp trong việc đưa ông lên ngôi vua….

Tại hội thảo, khá nhiều nhà sử học đã lên tiếng phủ định về giả thiết mang đậm màu sắc dân gian này. “Một phần, giả thiết này xuất phát từ cách nghĩ khá phổ biến rằng Lý Công Uẩn có quê nội tại làng Đình Bảng- cũng là quê của Vạn Hạnh thiền sư. Chúng tôi cũng đã có thời gian nghiên cứu khá kĩ tại làng Đình Bảng, và xin khẳng định rằng không hề có một thông tin nào, dù là nhỏ nhất, về sự liên hệ ấy”- GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, cho biết. Còn GS Phan Huy Lê thì nhận xét: Cả Lý Công Uẩn và Vạn Hạnh thiền sư đều là 2 nhân vật lớn trong lịch sử, vì vậy cũng dễ hiểu khi dân gian muốn “ghép” hai nhân vật này với nhau, cũng như thần thánh hóa về nguồn gốc và nhân thân của Lý Công Uẩn. Theo lời ông, một cố GS sử học cũng đã từng tỏ ra rất tâm đắc với giả thiết này, nhưng về cuối đời cũng đã thừa nhận cách nhìn nhận như vậy là thiếu nghiêm túc.

* Một giả thiết về nguồn gốc Lý Công Uẩn

Một thông tin đáng thú vị tại cuộc tọa đàm: theo như giả thiết của GS Nguyễn Quang Ngọc vùng đất Hoa Lâm, nơi có Bãi Sập, rất có thể là quê ngoại của Lý Công Uẩn. Những năm qua, trong cách nghĩ của mọi người, quê nội và quê ngoại của Lý Công Uẩn vẫn được mặc định là các làng Đình Bảng và Dương Lôi (Bắc Ninh). Bởi, tất cả các bộ sử cũ đều chép rất thống nhất rằng ông là hương Cổ Pháp cũ, và nhiều chuyên gia đã đồng nhất hương Cổ Pháp thời Lý với làng Cổ Pháp- tên cũ của Đình Bảng hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu mới đã đặt ra một số giả thuyết.

Sinh thời, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã từng thừa nhận sai lầm của mình: đã quá chú trọng tới làng Đình Bảng khi nghiên cứu về quê hương nhà Lý- GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết tại hội thảo. Phải nói một cách nghiêm túc, quan niệm có phần chủ quan này đâu chỉ là của riêng ông, mà là của cả thế hệ ông và đã hằn sâu vào thế hệ chúng tôi, rồi học trò của chúng tôi nữa. Chắc chắn hương Cổ Pháp thời Lý không chỉ có một làng Đình Bảng, và quy mô của nó ra sao vẫn là một câu hỏi với mọi người.

 Chuyến khảo sát của các chuyên gia sử học tại khu vực móng đình Thái Đường, khu vực Mai Lâm ( Đông Anh)- nơi được đưa ra giả thiết là quê nội ngoại của Lý Công Uẩn.

Trên việc nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu chính thống, cũng như các sử liệu dân gian, ông Ngọc đã đưa ra một giả thiết: làng Dương Lôi không phải quê ngoại, mà có thể chính là quê nội của Lý Công Uẩn, còn quê ngoại ông nằm tại Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Cụ thể hơn bà Phạm Mẫu (thân sinh Lý Công Uẩn) gắn bó với Dương Lôi và được chôn cất tại Dương Lôi theo đúng như phong tục phổ biến của người Việt về cuộc đời người phụ nữ: sinh quê cha, thác làm ma quê chồng.

Rất nhiều lập luận được ông Ngọc đưa ra để phục vụ cho giả thiết này. Nhưng dù sao đó cũng mới chỉ là một giả thiết của một nhà nghiên cứu, hoàn toàn không phải là một kết luận. Giả thuyết này chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận trong thời gian tới.

Với bề dày cả ngàn năm, cộng cùng sự đa dạng tới mức trái ngược của các loại sử liệu, việc xác định các vấn đề nguồn gốc, gia thế, quê hương, tuổi thơ… của Lý Công Uẩn đã được Hôi Sử học Hà Nội nhìn nhận là rất phức tạp và cần được nghiên cứu trong một thời gian dài trước khi có kết luận cuối cùng.
 
Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm