Đi tìm nơi xảy ra “thảm án tôn thất nhà Lý”

03/01/2009 09:56 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dự kiến, năm 2009 tới đây, một cuộc hội thảo sử học cấp quốc tế nhân kỉ niệm 1000 năm thành lập vương triều nhà Lý sẽ được tổ chức. Và, để chuẩn bị cho dấu mốc trọng đại ấy, những cuộc khai quật liên tục trong vòng 5 năm qua tại khu vực tả hữu ngạn sông Đuống, kèm theo đó là một số cuộc hội thảo đã được giới sử học tổ chức, tất cả với mục đích làm sáng tỏ thêm những thông tin về vương triều có độ dài hơn 200 năm này.

Từng có một điện thờ nhà Lý ở Bãi Sập?

Trong các sử liệu cũ, ngoài việc Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông tự vẫn năm 1226, số phận của gia tộc nhà Lý sau khi nhà Trần lên nắm quyền vẫn là một dấu hỏi.

Một số bộ sử cũ (điển hình là Đại Việt sử ký toàn thư) đã nhắc tới thời điểm năm Kiến Trung thứ 8 (1232) với sự việc “nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường - Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”. Và cho dù sự việc này được biên lại với chú thích “việc này chưa chắc đã có thực” (Ngô Sỹ Liên), câu chuyện ấy vẫn tồn tại như một trong những huyền thoại về vương triều nhà Lý. Để rồi, cái tên Bãi Sập được người dân đặt cho khu vực Thái Đường - Hoa Lâm ấy vẫn tồn tại như một cái tên dân gian cho tới nay.
 
Con sấu đá được tìm thấy tại Bãi Sập

Trong vòng 5 năm qua, một số chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc khảo sát tại khu vực Bãi Sập được ghi lại trong sử liệu. Hiện tại, khu vực này có diện tích khoảng 10 mẫu, là đất canh tác của xã Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội). Theo lời của PGS Lâm Thị Mỹ Dung, cuộc khảo sát này khởi nguồn từ sự việc năm 1999, khi một số dân làng đào đất tại Bãi Sập để bán cho nhà máy gạch đã phát hiện một thành bậc tam cấp điêu khắc hình sấu đá. Con sấu này mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý và có nét chạm rất giống với những mảnh thân rồng thời Lý được tìm thấy tại Hoàng Thành. “Con sấu đá này bị chặt cụt đầu chứ không trọn vẹn. Trong lịch sử, điều đó xảy ra khi người ta muốn phá hủy những biểu tượng mang giá trị đặc trưng của một vương triều. Việc giặc Minh từng chặt cụt đầu con rồng đá tại thành nhà Hồ khi xưa là một ví dụ” - PGS Dung cho biết.

Với kiến trúc mang dấu ấn vương giả này, những giả thiết về việc tồn tại một công trình kiến trúc quan trọng thời Lý tại đây càng trở nên có cơ sở đối với các chuyên gia sử học. Đặt trong sự tương quan với các thông tin về việc tôn thất nhà Lý tổ chức lễ tế tại đây, phải chăng quả thực Bãi Sập khi xưa đã từng tồn tại một khu điện thờ của tôn thất nhà Lý?
 
Tìm kiếm ở vùng Bãi Sập

Liên tục từ năm 2002 đến nay, 9 hố khai quật với tổng diện tích chừng 150m2 đã được mở ra tại khu vực Bãi Sập. Tiếp đó, những cuộc khảo sát và khai quật khác đã được mở rộng tiến hành ở 9 địa danh khác quanh Bãi Sập như bến Long Tửu, Đầu Vè, gò Cống Sứ, gò Ngõ Mít, Vườn Quan… Theo như kết quả báo cáo tại cuộc tọa đàm vừa qua, một lượng lớn di vật đã được tìm thấy trong những cuộc khai quật này. Các di vật về cơ bản được chia thành 5 nhóm: đồ sứ, đồ sành, đồ đất nung, vật liệu kiến trúc và tiền đồng… Ngoài một số ít di vật mang nguồn gốc Trung Quốc, đa phần các di vật tìm thấy đều có niên đại Lý - Trần.
 
Một hố khai quật tại Bãi Sập

Trên cơ sở phân tích mật độ phân bổ và đặc điểm của các di vật này, đa phần những chuyên gia có mặt trong buổi hội thảo báo cáo kết quả khảo sát vào ngày 24/12.2008 vừa qua đều thống nhất với ý kiến: Bãi Sập và vùng phụ cận (tả, hữu ngạn sông Đuống) đã tồn tại một dòng chảy cư dân khá liên tục trong lịch sử, đặc biệt là thời Lý Trần. Rất có thể, nơi đây là một khu vực quan trọng, nối liền cửa ngõ Thăng Long với xứ Kinh Bắc khi xét tới vị thế địa chính trị: hội tụ những yếu tố về giao thương đường sông và là nơi tụ cư của tôn thất nhà Lý.
 
Khu vực “chôn sống” là ở ngoài đê làng Du Lâm?
 
“Theo nhiều người cao tuổi trong họ Nguyễn ở Vân Điềm này thì địa điểm theo nghi án “Trần Thủ Độ chôn sống 70 tôn thất và người hầu của nhà Lý hiện nay ở ngoài đê làng Du Lâm. Nơi ấy trước đây là một gò cao và có nhiều cây cối lớn, nhưng sau năm 1945 thì cây đã bị chặt phá gần hết. Và đến năm 1957, khi Mai Lâm vỡ đê thì nơi này lại bị lấy đất để hàn khẩu đê, nên rất khó xác định chính xác địa điểm này. Theo lời ông kiến nghị: Nên chăng các nhà khoa học có sự kết hợp điều tra điền dã lại khu vực này cùng với các cụ họ Nguyễn ở Vân Điềm để xác định lại vị trí điện thờ Lý khi xưa trong thời gian tới, với hi vọng sáng tỏ những điều được ghi chép?
 
(TS Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội)
 
Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm