Học sinh tự tử: Người lớn thiếu quan tâm?

22/03/2012 07:12 GMT+7 | Giáo dục

Việc ba em học sinh lớp 7 tại Đắk Nông cùng nhau tự tử khiến những ngày qua ai trong chúng ta cũng bàng hoàng.



Những dòng tâm sự trong cuốn nhật ký của em Hạnh đang được gia đình giữ - Ảnh: Đức Lập

Trước đó, nhiều vụ học sinh tự tử chết vì những lý do hết sức đơn giản: nhảy lầu vì bị thầy cô nhắc nhở do không làm bài, dọa chép phạt; thắt cổ vì bị quở để tóc dài... Thậm chí có em chỉ vì bố nhắc “xài điện thoại cẩn thận kẻo hư” cũng lên rừng ăn lá ngón quyên sinh!

Rõ ràng chuyện tự tử hoặc ý muốn tự tử ở thanh thiếu niên không phải là hiện tượng cá biệt. Tại Canada, số thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 bị chết do tự tử đứng hàng thứ hai sau lý do chết vì tai nạn giao thông. Còn ở nhóm 12-16 tuổi, có khoảng 10% trẻ trai và 20% trẻ gái từng nghĩ đến việc tự tử (www.sante.canoe.com).

Một điều ai trong chúng ta cũng biết là trong độ tuổi thanh thiếu niên, các em phải đối diện với nhiều sự thay đổi lớn về tâm lý, sinh lý và những khó khăn trong giai đoạn chuyển sang tuổi trưởng thành. Những khó khăn ấy có thể xuất phát từ chính các em do những biến đổi về mặt sinh học, nhưng cũng có thể xuất phát từ gia đình như bố mẹ ly hôn, bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục...

Tiếc thay phần lớn các em thường có suy nghĩ rằng cái chết là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề khó khăn mà các em đang gặp phải, đặc biệt là khi các em bị mất lòng tin vào bản thân cũng như lòng tin vào những người xung quanh. Nói chung trong độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ em gái thường có suy nghĩ về cái chết nhiều hơn trẻ trai, mặc dù số vụ tự tử hoàn thành ở trẻ trai cao gấp bốn lần trẻ gái.

Các nhà nghiên cứu đã thử tìm hiểu và liệt kê được một số triệu chứng báo hiệu cho khả năng tự tử nơi các em như sau:

- Giảm các mối tương tác với gia đình và bạn bè.

- Không quan tâm đến các hoạt động mà trước đây rất yêu thích.

- Không tập trung vào việc học hành.

- Không quan tâm chăm sóc đến vẻ bề ngoài nữa.

- Có những thay đổi rõ ràng trong ứng xử.

- Thể hiện sự buồn chán, tuyệt vọng.

- Thay đổi trong thói quen ăn uống, biếng ăn...

- Thể hiện sự trầm cảm...

Tất nhiên những dấu hiệu ấy sẽ không thể nhận ra nếu thiếu sự quan tâm từ gia đình, thầy cô và bạn bè. Và trong một bối cảnh mà ai cũng phải chạy: bố mẹ phải chạy ăn, thầy cô phải chạy dạy cho kịp chương trình... thì rất khó nhận ra được những dấu hiệu ấy nơi các em.

Và nếu phát hiện thì cần trò chuyện thẳng thắn với các em về cái chết sao cho các em nhận thức được rằng cái chết không phải là giải pháp của mọi vấn đề, mà chính cái chết có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề mà thôi.

Đến lúc này không biết giới lãnh đạo ngành giáo dục đã nghĩ cần phải có tham vấn học đường chuyên nghiệp cho trường học hay chưa, bởi nếu cứ lần lữa mãi về biên chế, lương bổng cho hoạt động này thì có thể sẽ còn nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong tương lai.

Theo Tuổi trẻ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm