13/12/2008 16:20 GMT+7 | Văn hoá
Phim Trần Thủ Độ: Triển khai xây dựng bối cảnh
Theo ông Đặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim Truyện 1, Hội đồng duyệt giá đã xem xét và thông qua khoản kinh phí khoảng 27 tỷ đồng cho trên 10 hạng mục, trong đó có phần quan trọng nhất vào lúc này là tiền để xây dựng, cải tạo, sửa chữa bối cảnh ở cả VN và Trung Quốc, bao gồm 34 cụm bối cảnh chính. Với tinh thần “vừa đun nước, vừa nhặt rau”, để chuẩn bị cho việc thi công xây dựng các bối cảnh, từ nhiều tháng nay, đơn vị sản xuất đã triển khai thực hiện các bản vẽ mỹ thuật, thiết kế thi công, các phương án vật liệu... Sau khi chính thức nhận tiền, dự kiến có 4 bối cảnh nội được xây dựng ở khu trường quay Cổ Loa và 2 cụm bối cảnh ngoại (bối cảnh thành Thăng Long và Quán rượu Cả Ất) được dựng ở Đồng Mô trên diện tích 3 ha. Ngoài ra, bộ phim sẽ được quay tại 7 địa phương khác trong cả nước và thuê, cải tạo một số bối cảnh ở trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc.
Thời điểm này, Trần Thủ Độ đã hội gần đủ số diễn viên đáp ứng yêu cầu “chất lượng cao” cho các vai diễn. Một số vai chính như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, cũng có tới 2 kíp diễn đáp ứng 2 va-ri ăng diễn khác nhau. Với phim lịch sử - thể loại mà điện ảnh VN có ít kinh nghiệm nhất, quan điểm của nhà sản xuất là phải chọn diễn viên chuyên nghiệp nhưng cũng không thể phiêu lưu với những gương mặt quá cũ, tần suất xuất hiện trên màn ảnh và truyền hình quá nhiều, quá dày đặc. Vì thế, phần lớn diễn viên chính, thứ tham gia Trần Thủ Độ đều không phải là người “lạ”, có lên sóng... nhưng chưa nhàm. Hiện tại công tác casting vẫn đang tiếp tục. Nên, việc tập huấn cho diễn viên nhanh nhất cũng phải giữa tháng 1.2009.
Cũng theo ông Đặng Tất Bình, chắc chắn sẽ có một số chuyên gia ngoại được mời tham gia phim. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa gút được mời những ai, vào chức danh gì... Quay trở lại với bản tổng dự toán hơn 50 tỷ mà đơn vị sản xuất đệ trình, trong đó có những hạng mục chi khiến hội đồng duyệt giá “lúng túng” - nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của tiến độ duyệt giá, ông Bình cho biết: “Hiện tại, phục trang, đạo cụ và một số hạng mục khác vẫn chưa được hội đồng duyệt giá thông qua. Nguyên do là bởi sản xuất phim có nhiều đặc thù, ở một số hạng mục có thể phải có sự kết hợp giữa chuyên viên thẩm định tài chính với các chuyên viên duyệt giá thường làm việc với điện ảnh mới có thể làm được. Ví dụ ở mục phục trang, hiện tại hãng mới chỉ đưa ra dự kiến may một bộ áo của Vua là bao nhiêu tiền nhưng tới đây cần phải giải trình cụ thể: may hết bao nhiêu vải, những họa tiết trên áo cần bao nhiêu vật liệu và số tiền chi để mua vật liệu cũng như thuê người thêu là bao nhiêu... Vì thế, chúng tôi sẽ phải tiếp tục bổ sung những thông tin cần thiết để giúp các chuyên viên thẩm định giá có đầy đủ thông tin xác định giá thành mà chúng tôi đã đệ trình là đúng và sẽ trình duyệt tiếp vào cuối tháng 12 này.
Còn quá ít thời gian cho việc triển khai phim. Vì thế, khi đã “chắc” được 27 tỷ, đơn vị sản xuất quyết tăng tốc để kịp tiến độ song song với đảm bảo chất lượng. Giải pháp đưa ra là tổ chức một mô hình sản xuất thích hợp, thiết kế cho hai đoàn phim quay cùng một lúc ở hai bối cảnh khác nhau với các nhân vật khác nhau; hoặc vừa quay vừa tiến hành quay vừa làm hậu kỳ...
Phim Chuyện về người con của Rồng: Tích cực khảo sát các cơ sở làm 3D
Với độ đài 100 phút, sử dụng kỹ thuật 3D, Chuyện về người con của Rồng (đạo diễn Minh Trí) trình lên Hà Nội bản tổng dự toán khoảng 9 tỷ. Ai đã làm phim hoạt hình mới thấm cái nỗi “đoạn trường” của thể loại phim... không phải cứ vác máy ra quay là đã có hình ảnh. Trong lúc chờ tiền, đơn vị sản xuất vẫn triển khai những công đoạn cần thiết cho phim như vẽ phác thảo các nhân vật chính, phụ, các bối cảnh phim; tổ chức cho đoàn làm phim đi khảo sát thực địa ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình; tiếp xúc với các cơ sở làm kỹ thuật 3D ở trong nước.
Tới đây, tiếp tục khảo sát ở TP.HCM, Huế, Đà Lạt. Tuy nhiên, sự chậm trễ từ phía Hà Nội đang khiến đơn vị sản xuất “phát sốt”. Bà Ngát nói: “Suốt 2 năm qua, chúng tôi luôn sống trong cảnh chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Mỗi lần chờ đợi, làm đủ các thủ tục là mất bao nhiều thời gian; bao nhiêu lần phải giục giã xem quyết định cho phép vấn đề A, B đã đi đến đâu, hoặc đang ách tắc ở đâu để tháo gỡ. Có quyết định rồi mới yên tâm làm công việc tiếp theo. Vẫn biết BCĐ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long còn nhiều việc phải giải quyết, phải chuẩn bị, phải làm cho ngày Đại lễ và việc thận trọng trong từng khâu là rất cần thiết nhưng cũng cần phải tính đến yếu tố thời gian. Thời gian từ nay đến ngày Đại lễ không còn nhiều, trong lúc phim phải làm xong trước đó vài tháng để tuyên truyền, phát hành. Vì thế, chúng tôi rất mong những người có trách nhiệm cố gắng sâu sát hơn, giải quyết công việc nhanh gọn hơn để các nghệ sĩ yên tâm dồn hết tâm trí cho công việc sáng tạo”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất