26/02/2012 06:19 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất, cả về số người tham gia và số khán giả, ở London, với hàng loạt đội bóng hàng đầu châu Âu, là sân nhà của 14 đội bóng chuyên nghiệp và hơn 60 giải nghiệp dư. Tất cả khiến thủ đô nước Anh cũng xứng đáng với danh hiệu thủ đô bóng đá châu Âu.
Không phải Chelsea, Arsenal hay Tottenham, Fulham mới là câu lạc bộ lâu đời nhất London, được thành lập vào năm 1879, nhưng đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên lại là Arsenal, từ 1891. Tính tổng cộng, các đội bóng thủ đô nước Anh đã giành 83 danh hiệu lớn, cả trong và ngoài nước. Wembley, thánh đường của bóng đá Anh, cũng đặt ở London.
Lịch sử nghìn năm
Những trò chơi với bóng, bao gồm cả bóng đá, được ghi nhận trong lịch sử thành văn ở London từ cuối thế kỷ 11 và trở nên phổ biến bắt đầu từ năm 1314. Lịch sử thường xuyên đề cập đến các trận đấu của hoàng gia và giới quý tộc trong các thế kỷ 13 và 14. Từ “bóng đá” (football) lần đầu tiên được nhắc đến dưới thời vua Henry IV vào năm 1409.
Bóng đá hiện đại ở London được cho là bắt đầu từ năm 1863, trước khi lan ra toàn thế giới. Nhân vật trung tâm của bóng đá hiện đại ở London là Ebenezer Cobb Morley, sáng lập viên của Liên đoàn bóng đá Anh, tổ chức bóng đá lâu đời nhất thế giới. Luật lệ bóng đá ở London, rồi sau đó ở Anh và trên toàn thế giới, bắt đầu được thống nhất lần đầu trong một cuộc gặp mặt lịch sử tại quán rượu Freemasons ở đường Great Queen, London, vào ngày 26/10/1863 với sự góp mặt của đại diện 12 đội bóng sáng lập, tất cả đều đặt tại London.
Từ cuối thế kỷ 19, trong khi số người người đi nhà thờ vào cuối tuần ngày một giảm thì số lượng khán giả đi xem bóng đá tăng mạnh. Liên đoàn bóng đá London (LFA) được thành lập năm 1882 và 25 năm sau đó, các câu lạc bộ mọc lên như nấm ở thủ đô, phần lớn vẫn tồn tại đến tận ngày nay. Ban đầu, bóng đá ở London chủ yếu là các đội nghiệp dư, chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người lao động tụ tập cho một trò tiêu khiển dễ chơi, ít tốn kém, nhiều người có thể tham gia và rất thú vị vào các dịp cuối tuần.
Arsenal (với tên gọi ban đầu là Woolwich Arsenal) là đội chuyên nghiệp đầu tiên, vào năm 1891. Việc chuyển sang chơi bóng kiếm tiền đã khiến các đội nghiệp dư ở LFA tẩy chay Arsenal, nhưng trào lưu đó là không thể cưỡng lại, khi lần lượt những đại gia khác của bóng đá thủ đô, Millwall (1893), Tottenham (1895), Fulham (1898) và West Ham (1898) lần lượt “lên chuyên”.
Năm 1901, một cột mốc mới được ghi dấu trong lịch sử bóng đá London khi Tottenham lần đầu tiên giành Cúp FA. Tuy nhiên, giải vô địch quốc gia, Football League, là một cuộc chinh phục khó khăn hơn nhiều khi mãi 30 năm sau, 1931, mới có đội bóng đầu tiên từ London đăng quang: Arsenal. Sau khi chuyển tới sân mới Highbury vào năm 1913, Arsenal bỏ cái đuôi Woolwich và cũng kể từ đó, họ trở thành kình địch không đội trời chung với Tottenham tại bắc London.
Cuộc chiến với miền tây bắc
Về mặt lịch sử, các câu lạc bộ London không giành được nhiều danh hiệu như những kình địch tây bắc Anh, chủ yếu là Liverpool và Manchester United, hai đội bóng giàu thành tích nhất xứ sương mù. Arsenal và Chelsea giúp cải thiện phần nào điều đó trong những năm gần đây, nhưng với sự nổi lên của Manchester City ở Eastlands trong khi Man United chưa có dấu hiệu gì sa sút và Liverpool đang nỗ lực trở lại, bóng đá thủ đô đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh với đối thủ chính của họ.
Nhưng ngoài những chiếc cúp, bóng đá London còn có nhiều niềm tự hào khác. Sân Wembley, ở phía tây bắc thành phố, là sân vận động quốc gia của Anh, nơi có truyền thống tổ chức các trận chung kết Cúp FA và sân nhà của tuyển Anh. Đó cũng là nơi diễn ra vòng chung kết World Cup 1966, lần vô địch thế giới duy nhất của người Anh tới giờ, và Euro 1996, khi đội chủ nhà dừng bước ở bán kết. Hiện nay, sau nhiều lần cải tạo, sân bóng từng tổ chức các trận chung kết Cúp C1/Champions League những năm 1968, 1978, 1992 và 2011 có sức chứa 90.000 chỗ, lớn thứ hai ở châu Âu (sau sân Nou Camp ở Tây Ban Nha, 99.354 chỗ). London còn là trụ sở của FA, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá Anh, ngay cạnh sân Wembley, trụ sở ban tổ chức Premier League và Football League.
Những trận derby
London dẫn đầu Ở mùa giải 2011-2012, London là thủ đô có nhiều đội bóng chơi ở hạng cao nhất trong số các thủ đô của những quốc gia có nền bóng đá phát triển tại châu Âu. London: Aresnal, Chelsea, Fulham, QPR, Tottenham Rome: AS Roma, Lazio Madrid: Real Madrid, Atletico Madrid, Getafe Berlin: Hertha Berlin Paris: Paris Saint Germain 14 Trong mùa giải 2011-2012, London có tổng cộng 14 đội bóng chuyên nghiệp đang chơi ở bốn hạng đấu khác nhau, bao gồm: Aresnal, Chelsea, Fulham, QPR, Tottenham (Premier League); Crystal Palace, Millwall, West Ham (Championship); Brentford, Charlton, Leyton Orient (League One); AFC Wimbledon, Barnet, Dagenham & Redbridge (League Two). |
Phải kể đến đầu tiên có lẽ là mối kình địch giữa Arsenal và Tottenham ở vùng phía bắc. Năm 2013 tới đây sẽ là kỷ niệm đúng 100 năm Arsenal chuyển đến sân Highbury, và cũng là khởi đầu cho mối thù hận giữa họ với Spurs, đặc biệt là sau khi Arsenal thăng hạng Nhất năm 1919.
Những trận derby ở nam London cũng không thẳng không kém, giữa bộ tứ Charlton Athletic, Millwall, Crystal Palace và AFC Wimbledon. Millwall, hiện giờ đang chơi ở Championship, là một trong những đội lâu đời nhất, với đội ngũ cổ động viên dữ dằn nhất và kình địch với hầu hết các đối thủ London, nhất là những hàng xóm Charlton, Palace và West Ham.
Những trận đấu Millwall - West Ham khá thường xuyên biến thành các trận chiến thực sự, dù những năm gần đây đã đỡ căng thẳng hơn vì hai đội chơi ở các hạng khác nhau, cho tới khi West Ham rớt hạng mùa 2011 và giờ họ sẽ lại gặp nhau ở cùng giải đấu, lần đầu tiên từ năm 2005. Trong trận đấu gần nhất, diễn ra ngày 17/9/2011, kết thúc với tỉ số 0-0, cảnh sát đã được tăng cường gấp ba so với thông thường để đảm bảo an ninh. Còn trước đó, tháng 8/2009, chiến thắng 3-1 của West Ham ở Cúp Carling kết thúc bằng một màn ẩu đả khiến hàng chục cổ động viên bị bắt giữ.
Ở tây London có bốn đội bóng đáng kể là Brentford, Chelsea, Fulham và QPR. Trong đó căng thẳng nhất là mối cừu thù QPR-Chelsea, đã bắt đầu từ những năm 1960 và được nối lại mới đây, sau khi QPR thăng hạng lần đầu kể từ năm 1996. Rangers đã đánh bại Chelsea 1-0 đầy bất ngờ trên sân nhà Loftus Road mùa giải này, trong một trận đấu bị che phủ bởi chiếc thẻ đỏ cho Didier Drogba của đội khách và cáo buộc phân biệt chủng tộc của John Terry nhắm vào Anton Ferdinand của đội chủ nhà.
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất