'Live and Let Die' - sự trỗi dậy của Paul McCartney

08/01/2023 19:15 GMT+7 | Giải trí

Đầu thập niên 1970, khi The Beatles chính thức tan rã, các thành viên Tứ Quái rẽ sang những con đường khác nhau. Paul McCartney, với nhiều kỳ vọng đặt trên vai, lại không được như ý. Phải tới Live and Let Die (Sống và hãy chết), danh tiếng của ông mới được cứu vớt.

Xung quanh Live and Let Die còn có một huyền thoại thuộc diện bất hủ trong lịch sử âm nhạc: Paul McCartney bị từ chối phũ phàng! Mãi gần đây, sau gần nửa thế kỷ, câu chuyện này mới được lật lại dưới một góc nhìn khác.

Paul McCartney thất thế

Paul McCartney có thể không cần tới sự khen ngợi của giới phê bình vào năm 1973. Ông đã hưởng thụ vinh quang đó quá nhiều trong suốt thời gian dài cả thập kỷ với ban nhạc được giới phê bình đánh giá cao nhất thế giới, The Beatles.

Khi tách ra solo, dưới tên riêng của mình cũng như cùng ban nhạc mới Wings của ông, McCartney tiếp tục tạo ra các hit và đạt kỷ lục doanh số. Cơ bản, McCartney đang làm khá tốt. Thế nhưng, ngày càng khó phớt lờ sự bỉ bôi của báo giới cũng như thái độ xua đuổi của các cựu The Beatles với âm nhạc của ông.

'Live and Let Die' - sự trỗi dậy của Paul McCartney - Ảnh 1.

“Live and Let Die” đã giúp McCartney đảo ngược tình thế ngoạn mục

Đây là giai đoạn đỉnh điểm trong những lời châm chọc qua lại giữa McCartney với John Lennon, cả trên truyền thông lẫn trong âm nhạc. KhiLennon bị mỉa mai trong các ca khúc như Three Legs hay Too Many People của McCartney, ông đáp lại với How Do You Sleep?, một cú đánh đầy hận thù nhắm trực diện vào McCartney. Mặc dù cuộc phản công của Lennon tàn bạo và ít vòng vo hơn, báo chí Anh có xu hướng đứng về phía ông, dành nhiều lời khen ngợi cho các album solo của ông như John Lennon/Plastic Ono Band Imagine. Ngay cả George Harrison dường như cũng đứng về phía Lennon khi đóng góp màn guitar trong How Do You Sleep?.

"Tôi cảm thấy buồn cho các album sau của Paul (McCartney). Tôi không nghĩ có giai điệu nào khá hơn album trước đó, Ram" - Ringo Starr có chia sẻ đình đám trên Melody Maker năm 1971 - "Cậu ấy có vẻngày một kỳ quặc".

Mọi thứ mà McCartney làm vẫn có sức hút lớn, thế nhưng, từ bản thu Mary Had a Little Lambs cho chương trình truyền hình đặc biệt của ông James Paul McCartney tới album Wild Life với Wings, McCartney đơn giản là không thể làm hài lòng các nhà phê bình. Chính khi đó, có một cuộc gọi từ hãng Eon Productions hỏi ông có muốn viết nhạc cho bộ phim James Bondmới, Live and Let Die.

McCartney vốn yêu thích series phim James Bond và thậm chí có thông tin nhà sản xuất đã muốn ông viết nhạc cho bộ phim Bond năm 1971 Diamonds Are Forever. Trong khi lời mời trước không thành, McCartney lần này đồng ý viết nhạc cho phim mới, xem dự án theo cách tương tự như các họa sĩ được thuê vẽ. George Martin cũng được tiếp cận để cung cấp nhạc không lời cho phim, thay thế nhà soạn nhạc phim Bond lâu năm là John Barry.

Viết Live and Let Die có phần khiến McCartney hơi căng thẳng khi chịu nhiều ràng buộc: Nào phải gửi đúng hạn, chỉ có hai phút ba mươi giây cho một chủ đề rõ ràng. Ông cũng rất ngại nếu thay thế John Barry - vốn là người viết nhạc Bond mà ông ngưỡng mộ. May thay, phần của Barry vẫn được giữ lại và McCartney rất hài lòng với phần dành cho mình (sau nhạc của Barry và sau tận ba vụ giết người đầu phim!).

Ca khúc “Live and Let Die” của Paul McCartney

Bước ngoặt của McCartney

"Tôi đọc cuốn Live and Let Die trong một ngày, bắt đầu viết nhạc vào chiều đó và tiếp tục sang ngày hôm sau rồi hoàn thành nó vào chiều hôm sau" - McCartney nhớ lại vào năm 1973.

Đó là một ngày Chủ nhật. McCartney ngồi xuống bên cây đàn dương cầm, suy nghĩ về phần khó nhất là tiêu đề. "Sau này tôi thật sự thấy tội cho người nhận viết nhạc Quantum of Solace (Định mức khuây khỏa). Tôi nghĩ, Live and Let Die, được rồi, thật ra điều họ định nói là sống và hãy sống nhưng có một sự biến chuyển ở đây. Thế nên, tôi đã tiếp cận nó ở góc độ rõ ràng đó. Tôi đơn giản nghĩ: "Hồi còn trẻ bạn thường nói thế kia (sống và hãy sống), nhưng giờ bạn nói thế này (sống và hãy chết)".

Vợ của McCartney khi đó là Linda tham gia viết một chút đoạn reggae ở giữa.

Live and Let Die được thu âm tại phòng thu AIR ở London, vào cuối các phiên thu âm album Red Rose Speedway năm 1973. "Ca khúc được thu âm trực tiếp trong một căn phòng lớn" - guitar của Wings là Denny Laine cho biết - "Chúng tôi phải có dàn nhạc sống nên cần một căn phòng lớn. Tôi nghĩ việc thu âm trực tiếp mang lại sự phấn khích. Thường thì mọi người thu trong phòng thu. Khi bạn thu âm trực tiếp, nó có năng lượng, hiệu suất. Bảo sao nhiều người thích".

Ca khúc được sản xuất bởi George Martin, cộng sự lâu năm với The Beatles. "Ôi, George rất dễ thương" - Laine nói về nhà sản xuất - "Ông ấy chuyên nghiệp bậc nhất. Rõ ràng là Paul (McCartney) muốn ông ấy. Ông ấy biết phải làm gì và luôn đưa ra những gợi ý nữa. Ông ấy không phải dạng phông bạt. Ông ấy là người tiên phong. Ông ấy đưa ra những ý tưởng tuyệt vời".

'Live and Let Die' - sự trỗi dậy của Paul McCartney - Ảnh 3.

Paul McCartney (phải) được hoan nghênh khi tái hợp George Martin

Tới đây, có một câu chuyện đã đi vào huyền thoại: Trong khi Eon háo hức muốn McCartney viết nhạc chủ đề cho Live and Let Die, nhà sản xuất Harry Saltzman của công ty lại hi vọng sẽ để nữ ca sĩ thường hát nhạc Bond là Shirley Bassey thu âm bản cuối, điều mà McCartney phản đối.

Cụ thể, theo lời kể của McCartney và Martin, nhà sản xuất khen: "Tuyệt lắm. Bản demo hay lắm. Giờ khi làm bản thu thật sự, chúng tôi nên để ai hát đây?" Martin đã giãy nảy: "Cái gì? Đây là bản thu thật sự đó!"Cuối cùng, McCartney chỉ cho phép sử dụng Live and Let Die trong phim nếu đó là phiên bản của Wings và Eon đành phải đồng ý.

Thật may là McCartney đã cương quyết như vậy. Live and Let Die đã phục hồi ngoạn mục cả mảng phê bình lẫn thương mại cho McCartney vào đầu thập niên 1970. Các album solo đầu tiên của ông là McCartney Ram bị cả báo chí và các cựu thành viên The Beatles đón nhận tiêu cực. Khi chuyển sang tập trung vào nhóm Wings mới thành lập, McCartney vẫn hứng chỉ trích vì phát hành tài liệu bị cho là nhạt nhẽo và không ấn tượng, đặc biệt là khi so sánh với sản phẩm của các cựu The Beatles khác.

Nhưng sau Live and Let Die, tình thế bắt đầu thay đổi: Ca khúc trong Ram Uncle Albert/Admiral Halsey vươn đường dài lên vị trí No.1 Billboard Hot 100 còn McCartney được hoan nghênh nhiệt liệt khi tái hợp Martin. Dù album thu cùng thời điểm đó với Wings làRed Rose Speedway không được giới phê bình nhiệt tình, Live and Let Die giúp McCartney trở lại đỉnh cao của sự ca ngợi một lần nữa, nhận được nhiều lời khen ngợi và leo lên No.2 trên BXH đĩa đơn Mỹ.

Vào thời điểm Wings phát hành Band on the Run vào cuối năm 1973, McCartney một lần nữa nhận được tình cảm cuồng nhiệt của nhà phê bình cũng như người hâm mộ.

Live and Let Die là nhạc chủ đề Bond thành công nhất tới thời điểm đó, thậm chí nhận đề cử Oscar, đã giúp cả Bond và McCartney thành những người đi đầu trong nền văn hóa đại chúng vào năm 1973. Khi Wings bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên sau khi đĩa đơn phát hành, Live and Let Die chiếm vị trí nổi bật trong danh sách nhạc tại các buổi hòa nhạc của nhóm. McCartney trở thành cựu The Beatles đầu tiên lưu diễn Mỹ sau khi ban nhạc tan rã vàLive and Let Die là một trong những tiết mục gây chú ý nhất chuyến lưu diễn Wings Over America, được phụ họa bởi màn bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng công phu.

"Rõ ràng là khán giả thích ca khúc vì nó rất nổi tiếng" - Laine nhớ lại.

Và như thế, các đánh giá về ca khúc, bộ phim và cả chuyến lưu diễn đều tích cực trên toàn cầu, đẩy McCartney trở lại đỉnh núi của phê bình và thương mại một lần nữa.

Lật lại một huyền thoại

Gần đây, trong phần đầu của bộ sách mới ra mắt The McCartney Legacy, hai tác giả Allan Kozinn và Adrian Sinclair đã tìm một số hợp đồng chưa từng được công bố, có liên quan tới hợp tác giữa McCartney và James Bond. Theo đó, ngay từ đầu, Live and Let Die đã được giao cho McCartney. Một phiên bản khác của ca sĩ soul BJ Arnau sẽ được diễn live trong một cảnh ở hộp đêm trong phim. Phía McCartney chưa có phản hồi về thông tin này.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm