ĐT Italia: Những câu hỏi cho Lippi

28/06/2008 09:44 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Cuối cùng, ngày mà rất nhiều người yêu mến đội tuyển Italia mong chờ cũng đã tới. Lippi quay trở lại ghế huấn luyện để thổi bay đi thứ bóng đá thiếu hiệu quả, thiếu bản sắc mà Donadoni đã tạo dựng, và để đem lại cho màu áo Thiên thanh hình ảnh của những nhà vô địch thế giới. Nhưng có một số câu hỏi đang chờ Lippi trả lời.

Chiến thuật nào?

Mặc dù dành hầu hết thời gian trong tháng 6 này để nằm ườn trên những bãi cát trắng muốt của Địa Trung Hải, nhưng Lippi vẫn theo sát những diễn biến của EURO 2008 và bước tiến của Azzurra. Ông chắc chắn sẽ không khó khăn gì để nhìn ra được những sai lầm và hạn chế của người đồng nghiệp trẻ Donadoni. Người Italia gọi ông trở lại để sửa chữa những khiếm khuyết ấy cho đội tuyển áo Thiên thanh. Nhưng sẽ không dễ cho Lippi, dù ông đã có 25 năm kinh nghiệm huấn luyện và đã giành được hầu hết vinh quang trong nghiệp cầm quân cực kỳ thành công.

Chiến thuật 4-3-3 của Donadoni đã thất bại thảm hại trên đất Thụy Sĩ, bất chấp sự thật rằng nhờ chiến thuật ấy mà Italia có cơ hội góp mặt tại EURO lần này. Những phương án tác chiến tưởng như linh hoạt của sơ đồ này đã dễ dàng bị bắt bài khi không gây được chút bất ngờ nào cho các đối thủ, chủ yếu do sự cứng nhắc trong yếu tố con người. Lippi liệu sẽ bỏ qua sơ đồ này để trở lại với 4-3-2-1 từng đưa ông tới thành công, hay sẽ cố gắng chứng tỏ cho người ta thấy rằng 4-3-3 thực sự sẽ là như thể nào?

Ở World Cup 2006, Lippi đã mang theo sơ đồ 4-3-1-2 của Milan (giúp Milan ghi tới 108 bàn trong mùa 2005-06) và đã chơi 3 trận đầu tiên của giải theo mô hình này khá thành công. Song với chấn thương của Nesta ở trận cuối cùng vòng bảng, ông buộc phải chuyển sang sơ đồ 4-3-2-1 chắc chắn hơn, và thật may mắn là nó đã vận hành hoàn hảo.
 
Tương lai khó khăn đang chờ Lippi
 
Nhưng khi đó, Lippi có Totti, người có thể chơi hộ công một cách xuất sắc. Donadoni đã buộc phải từ bỏ lối chơi có hộ công và chuyển sang chiến thuật tấn công biên vì thiếu một người như Totti. Giờ đây, nếu không thuyết phục được Totti trở lại, Lippi cũng gặp phải vấn đề tương tự, và liệu ông có dám sử dụng lại mô hình 4-3-2-1 khi không có ai thay Totti?
 
Con người nào?

Chiến thuật chỉ là một phần trong thất bại của Italia tại EURO 2008. Nguyên nhân chính, theo một số HLV uy tín của Serie A, là sự thích ứng kém cỏi của yếu tố con người vào hệ thống chiến thuật. Điển hình như việc Del Piero thất bại trong vị trí tiền đạo cánh, hay Aquilani và Perrotta chơi mờ nhạt trong vai trò các tiền vệ phòng ngự. Ngay cả những cầu thủ từng chơi “ngon lành” ở vòng loại như Di Natale, Toni hay Camoranesi cũng đều tỏ ra vô dụng tại giải đấu này. Với bất cứ sơ đồ chiến thuật nào, dù mới hay lấy lại từ World Cup 2006, Lippi cũng đều phải tính toán tới sự thích ứng của cầu thủ, và việc này có thể sẽ mất rất nhiều thời gian.

Chưa hết, với việc hầu hết những trụ cột của Azzurra hiện đều đã sắp “hết hạn sử dụng”, trong lúc thế hệ trẻ chưa thực sự đáng được đặt niềm tin, người hâm mộ đang háo hức chờ đợi bản danh sách mới mà Lippi sẽ thiết lập. Người ta cho rằng “Gã đầu bạc” sẽ mau chóng gạch tên những công thần từ thời Donadoni như Ambrosini, Panucci hay Di Natale, cũng như những con người đã sa sút thảm hại từ sau World Cup 2006 như Materazzi hay Perrotta, nhưng không ai dám đảm bảo. Trong khi đó, với áp lực phải hướng đến một kỳ World Cup 2010 thành công, Lippi liệu có dám thực hiện một cuộc cách mạng nhân sự, trao cơ hội nhiều hơn cho lớp trẻ?
 
Mục tiêu nào?

Hợp đồng của Lippi chỉ có thời hạn 2 năm, cho đến hết World Cup 2010 tại Nam Phi. Có nghĩa là, nếu như Italia thất bại ở giải đấu ấy, Lippi cũng sẽ phải nói lời chia tay không khác gì cách mà Donadoni vừa phải trải qua. Cũng có nghĩa là, sự kỳ vọng và niềm tin mà FIGC đặt vào ông cũng chẳng hơn so với những gì đã đặt vào Donadoni. Cho dù ông là ai, nhà cầm quân đại tài từng mang đến Cúp Vàng hay chỉ là một chiến lược gia ti toe mới nổi, thì cũng chỉ là 2 năm, khoảng cách tối thiểu giữa 2 giải đấu lớn.

Thật dễ hiểu vì sao Donadoni không dám thực hiện một cuộc đại cách mạng về mặt nhân sự, khi giữ lại tất cả những ai có thể giữ lại từ thời hoàng kim của Lippi, bởi ông sợ cái hợp đồng ngắn hạn ấy sẽ mau chóng chấm dứt. Nếu sợ thất bại, Lippi cũng sẽ làm như thế, đồng nghĩa với việc thế hệ của Zambrotta, Toni hay Cannavaro vẫn sẽ được trọng dụng, dù không ai biết họ sẽ ra sao trong 2 năm tới, khi đã ở tuổi nghỉ hưu. Với tâm huyết của một người hết lòng vì bóng đá nước nhà, Lippi nên chấp nhận hy sinh mục tiêu trước mắt để tạo dựng một đội tuyển trẻ trung hơn và có sức sống lâu dài hơn. Tuy nhiên, phải chăng ông chưa đủ uy tín để đòi hỏi một hợp đồng dài hơi hơn, với mục tiêu không chỉ là giải đấu tại Nam Phi?

Nhưng có lẽ, sức ép của danh hiệu Đương kim vô địch thế giới sẽ ngăn cản Lippi làm được điều có ý nghĩa hơn ấy cho Azzurra, như đã ngăn cản Donadoni.

Bách Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm