BÀN TRÒN: Argentina, Messi hay không Messi?

17/06/2014 15:36 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Messi đã ghi bàn đầu tiên ở World Cup lần này, nhưng không thể nói rằng anh và đội tuyển Argentina đã hòa làm một. Hôm nay, bàn tròn sẽ nói về vấn đề này, với sự tham gia của các nhà báo Hồng Ngọc, Hoàng Nhật và nhạc sĩ Hà Quang Minh.

“Tại sao cứ phải đặt Messi lên hàng đầu?”

Phạm An: Sau trận đấu sáng hôm qua, các anh nghĩ thế nào? So với 4 năm trước thì vai trò của Messi trong đội Argentina giờ ra sao?

Hồng Ngọc: Năm 2010, Maradona cho Messi vai trò cầu thủ dẫn dắt lối chơi, và Messi tạo ra lối chơi cho đội bóng. Cá nhân tôi cho rằng năm 2010, Messi chơi rất xuất sắc trong vai trò đó, chỉ vì anh không ghi bàn (do bị đẩy ra xa khung thành và phải hoạt động quá nhiều) như anh vẫn thể hiện ở Barca nên anh bị chê trách ở giải đấu đó. Trận sáng hôm qua tới hiệp 2 Messi mới được trả về vai trò tương tự 4 năm trước, khác biệt là lần này anh sút bóng đập cột dọc vào lưới chứ không bật ra ngoài.

Nhà báo Hoàng Nhật: Tôi đồng ý với ý kiến của anh Hồng Ngọc. Năm 2010 Messi đã chơi rất hay trong vai trò như một số 10 đúng nghĩa, góp công trong cả 4 bàn thắng của đội ở trận mở màn thắng Hàn Quốc 4-1, chuyền đường quyết định giúp Tevez ghi bàn hạ Mexico ở vòng 1/8. Nhưng thất bại trước Đức khiến người ta không còn nhớ gì tới vai trò của Messi.

Trận gặp Bosnia lần này thì ngược lại, Messi chỉ hay ở phương diện cá nhân anh, với bàn thắng sau cú solo và thế là được ca ngợi hết lời. Nhưng để đóng góp cho tập thể thì không có gì đáng nói.

Tôi có cảm giác Argentina 2014 giống như Argentina 1990, tức phụ thuộc vào những khoảnh khắc xuất thần của Maradona.

HQM: Tôi thì lại nghĩ, vấn đề lớn của Argentina hôm nay là tại sao lúc nào cũng phải đưa Messi lên hàng đầu. Messi là thiên tài. Đúng, nhưng vẫn có những thiên tài không có duyên với World Cup.

Hồng Ngọc: Cách đặt vấn đề vừa rồi của anh Minh rất hay. Ở Barca là một hệ thống chuẩn mực để phục vụ Messi. Argentina đang gặp vấn đề về việc lựa chọn tạo ra một hệ thống tương tự, hay chính Messi sẽ là người lĩnh xướng hệ thống, như 4 năm trước, hay như Zidane và Maradona.

Hoàng Nhật: Đây chỉ là cảm giác của tôi: Trong giai đoạn cuối mùa giải vừa rồi, bản thân Messi dường như cũng có ý thức dưỡng sức cho World Cup bởi anh ta hiểu rằng mình sẽ là chính mình nếu nổi bật ở vai trò cá nhân chứ không phải đóng góp cho tập thể như năm 2010.

HQM: Chúng ta hãy thử hình dung một Argentina không Messi thì còn mạnh không?

Phạm An: Anh Minh, TBN không Messi đã vô địch Thế giới nhờ lối chơi đặc trưng của họ. Tại Barca thì Messi vẫn phải thích ứng với hệ thống đặc thù của CLB này.

Hồng Ngọc: Rất khó để hy vọng gì ở Argentina không có Messi. Nó khác hẳn với Barca không có Messi. Từng cầu thủ của Barca đều là những người xuất sắc nhất thế giới trong vị trí của mình. Còn Argentina, chúng ta biết về các vị trí chính thức của họ trong trận ra quân như thế nào, ngoài các cầu thủ tuyến trên cộng với Mascherano?

“Argentina cần một Simeone, hơn là Messi”

Hoàng Nhật: Chúng ta cũng nên xét tới vai trò của huấn luyện viên. Cá nhân tôi nhận thấy các HLV Argentina gần đây thường chỉ có kinh nghiệm cầm quân ở Nam Mỹ, đề cao nhiều tới yếu tố bản năng, sự tinh quái thay vì xây dựng nên một hệ thống thi đấu hiện đại như tại châu Âu. Nên theo tôi, nếu muốn vô địch thế giới thì Argentina cần Diego Simeone làm HLV hơn là cần Messi.

HQM: Chính vì tôi nghĩ rằng Sabella hiểu rằng Argentina không Messi sẽ là một Barca không đủ mạnh. Thế nên ông ta mới loay hoay mãi đến mức không thể dùng Messi hiệu quả nhất. Và tôi tin Messi sẵn sàng thay đổi vì đội tuyển nhưng cơ bản là Sabella không đủ sức thuyết phục, hoặc không nói được cho Messi hiểu là cậu ta cần phải làm gì?

Phạm An: Đó là về HLV, còn về Messi thì sao, anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Tôi đồng ý với anh Minh rằng Messi sẵn sàng thay đổi, mà bằng chứng là vị trí số 10 anh chơi ở hiệp 2, với ảnh hưởng lớn hơn và sự năng nổ hơn, tuy chưa bằng 4 năm trước.

Phạm An: Chúng ta thử quay lại 1 vấn đề là Argentina dường như không bao giờ ưu ái cho Messi tương đương với những kỳ vọng đặt lên vai anh? Ở Argentina, người ta còn ghét Messi, những năm tháng đẹp nhất của anh cũng là ở Barcelona. Tại sao người Argentina không thể yêu Messi như họ đã yêu Maradona, thưa các anh?

Hồng Ngọc: Vì Maradona giống với đa số người Argentina hơn, với nét phóng khoáng và cả hoang dã, còn Messi không thế. Và Maradona thật sự trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, được thừa nhận như thiên tài bóng đá từ khi anh đưa Argentina lên ngôi vô địch thế giới. Còn Messi đã được thừa nhận ở vai trò tương tự, nhưng thành quả với đội tuyển thì quá nhỏ bé.

“Messi có thể giống như Maradona năm 1986”

Phạm An: Còn 1 vấn đề nữa cần hỏi các anh: Các anh nghĩ sao về vụ Messi "lờ" 2 CĐV nhí hôm nay? Phải chăng cách ứng xử hơi ngô nghê và thiếu trưởng thành đó là điều khiến anh không gây được cảm tình?

HQM: Messi vẫn luôn là một chủ thể vô cùng khó hiểu. Yêu mến anh cũng khó mà ghét bỏ anh cũng rất khó. Anh phức tạp bởi anh luôn giấu kín. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu Messi là một cầu thủ cao thượng hay là một cầu thủ vô cùng... bẩn tính.

Hoàng Nhật: Thông tin này không chính xác. Sau đó, Messi quay lại và bắt tay cậu bé vì ban đầu đang mải nghĩ gì đó không để ý.

Hồng Ngọc: Tôi chưa bao giờ có cảm giác Messi là cầu thủ bẩn tính, dù anh rất kín đáo. Tình huống trên có thể đơn giản là Messi chú ý vào các thủ tục thường lệ, tiến tới bắt tay trọng tài và cầu thủ đối phương mà không để ý tới một cầu thủ nhí đang xếp theo hàng khác đưa tay ra.

Hoàng Nhật: Về chuyện Messi trưởng thành hay không, tôi xin góp ý kiến này: Năm 2006, ở lần đầu dự World Cup thì Messi vẫn là một cầu thủ đá cánh phải, dự bị cho Maxi Rodriguez. Bàn thắng trận gặp Serbia được ghi sau khi vào thay Maxi phút 74.

Sau đó Pep đã biến Messi thành một cầu thủ đa năng, bằng cách kéo anh vào giữa, chơi tự do hơn. Những cầu thủ lớn thường bùng nổ khi được đặt ở tầm cao hơn bởi họ đủ tố chất để đáp ứng những đòi hỏi như vậy. Tôi nghĩ Messi vẫn đang trên đường hoàn thiện mình và có thể giải đấu này sẽ cho thấy điều đó, khi Argentina phụ thuộc nhiều vào anh.

Thực tế là năm 1986, đội hình Argentina cũng chỉ có Jorge Valdano là đáng chú ý ngoài Maradona, và ở điều kiện khó khăn nhất, Maradona đã bùng nổ để tỏa sáng rực rỡ. Mọi chuyện có thể lặp lại với Messi.

Phạm An: Vậy thì chúng ta sẽ thử chờ đợi xem. Cảm ơn các anh!

Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm