'Lễ Khai hạ - Cầu an' tại lăng Lê Văn Duyệt được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

25/08/2022 15:42 GMT+7 | Văn hoá

Ngày 25/8, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Lễ đón bằng chứng nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.

Di tích Lăng Lê Văn Duyệt có nhiều hạng mục bị xuống cấp

Di tích Lăng Lê Văn Duyệt có nhiều hạng mục bị xuống cấp

Phòng VHTT, Phòng GD&ĐT, Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh (TP.HCM) phối hợp cùng Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt vừa tổ chức họp mặt kỷ niệm 30 năm đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (6.12.1989 - 6.12.2019).

Tại buổi lễ, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui, tự hào, gửi lời chúc mừng đến chính quyền và nhân dân quận Bình Thạnh khi nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia "Lễ hội Khai hạ - Cầu an" do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận.

Theo bà Phan Thị Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh có 3 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm "Lễ hội Nghinh Ông" ở huyện Cần Giờ, "Lễ hội Nguyên Tiêu" ở Quận 5 và "Lễ hội Khai hạ - Cầu an" tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Đó là cơ sở để khẳng định "Lễ hội Khai hạ - Cầu an" là một di sản văn hóa quan trọng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (phải) đại diện trao bằng chứng nhận cho ban quản lý di tích lăng. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, các cơ quan liên quan, hợp tác cần liên kết chặt chẽ, bảo tồn và phát huy giá trị của "Lễ hội Khai hạ - Cầu an"để luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Ông Đinh Khắc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh khẳng định, chính quyền và nhân dân quận Bình Thạnh sẽ tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy hơn nữa giá trị của di sản, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm cho những giá trị văn hóa được để lại mãi mãi tỏa sáng cùng bước phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh
Nghi thức rước Bằng và dâng hoa vào chính điện tại buổi lễ. Ảnh: Thu Hương - TTXVN

Là thành viên của Ban nghi lễ đã 10 năm qua, ông Phạm Công Hoài (65 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: Đức Ông được xem như một vị khai quốc công thần của vùng đất này, người dân Bình Thạnh nhớ về ông nên tổ chức ngày giỗ như người thân trong gia đình. Đây là một phong tục tập quán truyền thống quý giá. Từ ngày ông mất đến nay đã 190 năm nhưng mộ ông vẫn luôn được trùng tu và lưu giữ. Đó cũng chính là cách giúp thế hệ mai sau luôn nhớ đến nét truyền thống văn hóa và công ơn của các bậc cha ông đi trước.

"Lễ hội Khai hạ - Cầu an" tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức hằng năm vào mùng 7 tháng Giêng. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn và gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống nhân dân. Lễ hội được chia thành nhiều phần gồm hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.

Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước. Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, tinh tế với các tuồng như Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu...

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm