05/04/2011 13:16 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Hoàn toàn không phải là câu chuyện về phóng xạ và những sự đe đọa khôn lường của nó đến sức khỏe con người và môi trường. Đó mới là những “sang chấn” về tâm lý của hàng vạn đứa trẻ bỗng dưng bị mất nhà, mất hoặc lạc cha mẹ sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp vừa qua.
>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản
Thoạt trông, những đứa trẻ có vẻ hoàn toàn bình thường. Các em ngồi xoay tròn vào nhau để chơi bài, chuyện trò với nhau, đôi khi những tiếng cười lanh lảnh vang lên. Nhưng nếu đặt cảnh trên vào trận động đất, sóng thần Nhật Bản, bức tranh đẹp đẽ sẽ thay đổi và các chuyên gia nói rằng đằng sau những tiếng cười, trẻ em cũng đau đớn và lo lắng trước tương lai chẳng khác gì người lớn.
Những đứa trẻ đang quỳ trên các tấm đệm nhàu nhĩ đặt trong một phòng học, giờ đã trở thành nhà của chúng. Cạnh các bé, một người phụ nữ lớn tuổi đang run vai khóc thầm vì không biết người mẹ già của bà còn sống hay đã mất sau thảm họa động đất, sóng thần. Bên ngoài ngôi trường, một giáo viên cầm trên tay máy đo phóng xạ. Ông liên tục kiểm tra không khí để đảm bảo nồng độ phóng xạ không quá lớn tới mức đe dọa những người đang ở trong trường.
Nỗi lo lắng sau nụ cười
Đằng sau các gương mặt tươi cười của hàng ngàn đứa trẻ trong những ngôi nhà lánh nạn tạm thời như thế nằm dọc trên đất Nhật, các chuyên gia nói rằng có những nỗi lo lắng lớn ngự trị trong tâm hồn các em, bởi những thứ vốn quen thuộc với chúng nay đã hoàn toàn biến mất.
“Trẻ em thích nghi rất nhanh. Từ chỗ lo lắng chúng có thể dễ dàng chơi đùa hoặc cười trở lại” - nhà tâm lý Susie Burke, một chuyên gia xử lý thảm họa ở Hội Tâm lý học Australia nhận xét - “Nhưng điều đó không có nghĩa chúng không bị đau đớn và lo lắng về những gì đang diễn ra”.
Đằng sau những gương mặt tươi vui, trẻ em Nhật cũng chịu sức ép tâm lý không ít hơn người lớn
Sự tổn thương tâm lý của trẻ tiếp tục kéo dài khi các em cùng gia đình chuyển tới những trung tâm sơ tán được trang bị tồi tàn, phải trải qua các đêm lạnh giá, với nhiều trận hậu chấn khiến chúng thường xuyên mất ngủ.
“Chúng tôi đã tìm thấy những đứa trẻ ở trong tình trạng tuyệt vọng, đang vây quanh những ngọn đèn dầu” - phát ngôn viên Ian Woolverton của Save the Children nói - “Các em đã kể với tôi về nỗi lo lắng của chúng, nhất là nỗi sợ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện Fukushima Daiichi. Woolverton nói rằng một số đứa trẻ còn liên hệ thảm họa hiện nay với các vụ tấn công bằng bom nguyên tử vào các thành phố Hiroshima và Nagasaki mà chúng đọc trong sách giáo khoa.
Vết sẹo tâm lý
Thảm họa vừa xảy ra đã ghi dấu ấn sâu đậm vào trong tâm trí những đứa trẻ. Atsushi Takahashi, 36 tuổi, nói rằng đứa con trai 2 tuổi tên Haruto của anh thường tỏ ra sợ hãi sau các trận hậu chấn mạnh. “Cháu rất sợ khi dư chấn xuất hiện và hét toáng lên rằng “nhà lại rung lên kìa, con không thích ngôi nhà này’” - Takahashi kể một cách buồn rầu - “Tôi luôn nói với cháu rằng mọi thứ vẫn ổn và tôi ôm lấy cháu. Tôi nghĩ rằng thời gian rồi sẽ làm lành các vết thương”.
Tương tự, Fumie Unoura, 10 tuổi, nhớ rất rõ những chuyện khủng khiếp đã diễn ra trong ngày định mệnh. Fumie đang ngồi trong lớp học khi trận động đất bắt đầu rung lắc trường, buộc cô bé và bạn học phải chui xuống gầm bàn để tránh nguy hiểm. Khi những rung chấn đã chấm dứt, cô giáo đưa cả lớp ra ngoài, chỉ để chứng kiến thị trấn nhỏ của họ trở thành đống đổ nát.
“Cháu còn nhớ là bụi đã bay lên mù mịt” - Fumie hồi tưởng về thảm họa khi đang đứng ngoài nơi lánh nạn tại thành phố duyên hải Rikuzentakata.
Chưa dừng lại ở đó, lúc cơn sóng thần hung dữ lao tới, Fumie bé nhỏ cũng phải chạy thật nhanh để giữ lấy mạng sống như bao người khác. Cô bé may mắn trốn thoát nhưng ngôi nhà của gia đình bé đã bị phá hủy hoàn toàn. Giờ Fumie phải ngủ trên sàn khu thể dục của trường cùng với gia đình và hơn 1.000 người sống sót khác.
Save the Children nói rằng rất nhiều đứa trẻ ở những vùng gặp thảm họa tại Nhật Bản đã rơi vào cảnh khó ngủ hoặc thường xuyên thức giấc trong đêm vì ác mộng. Một số khác đã đóng chặt cánh cửa tâm hồn, không chịu ở gần bất kỳ ai ngoại trừ cha mẹ chúng.
Theo các chuyên gia về trẻ em, những đứa trẻ mắc kẹt trong các thảm họa có thể mắc các vấn đề nghiêm trọng về hành vi và tinh thần. Nhà tâm lý Gaithri Fernando, một giáo sư ở Đại học Los Angeles, người chủ trì một nghiên cứu về thảm họa động đất, sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004 đã ảnh hưởng tới trẻ em Sri Lanka ra sao, nói rằng việc trẻ em đột nhiên thấy rằng chúng không có nước để tắm, không có giường riêng, không được đi học, nơi chúng có thể gặp gỡ bạn bè, sẽ khiến chúng hết sức lo lắng và bị tổn thương nghiêm trọng.
Việc đột ngột bị tách rời khỏi cuộc sống thường nhật quen thuộc, nếu diễn ra trong một thời gian dài, có thể gây tác hại còn lớn hơn cả thảm họa. Nếu không được điều trị, các trải nghiệm lúc đầu đời này có thể đem tới những tác động xấu lên cuộc sống của các em khi trưởng thành.
Các hướng “cứu” thế hệ tương lai
Nhằm đảo ngược tác động xấu của thảm họa động đất lên trẻ em, Woolverton nói rằng Save the Children đã lập các không gian chơi thân thiện với các bé, nơi chúng có thể tới để giao tiếp và chơi cùng với nhau như trước khi thảm họa xảy ra. “Tôi biết từ nhiều năm kinh nghiệm rằng khi trẻ em vui chơi, tinh thần của chúng sẽ được cải thiện và những tác động tâm lý tiêu cực kéo dài có thể sẽ không xảy ra. Ngoài ra việc lập các không gian chơi của trẻ em còn giúp cha mẹ chúng có thời gian nghỉ ngơi không phải chăm sóc con, từ đó họ có thêm thời gian tìm kiếm thực phẩm, nối liên lạc với bạn bè và thậm chí có thể tìm việc và nơi ở mới” - ông nói.
Các chuyên gia như Burke tin rằng việc đưa trẻ vào một nếp sống mới là yếu tố quan trọng để chúng không bị rối loạn tinh thần. “Một thảm họa khiến trẻ em nhận thấy hoặc nghĩ rằng thế giới thật hỗn loạn, khó đoán biết trước” - Burke đánh giá - “Nhưng khi khôi phục các nếp sinh hoạt, nó khiến đứa trẻ cảm thấy thế giới hoàn toàn có thể dự đoán được và chúng sẽ bắt đầu thư giãn”.
ha của Fumie, ông Unoura và gia đình đang cố làm điều này. Mỗi buổi sáng, họ cùng những gia đình khác ở khu lánh nạn tập thể dục. Họ cùng nhau ăn sáng rồi Fumie và chị gái Shiho sẽ có chút thời gian chơi cùng nhau cho tới bữa trưa. Thỉnh thoảng cô giáo của Fumie ghé qua và giao thêm bài tập về nhà. Burke tin rằng những cấu trúc sinh hoạt cơ bản như thế sẽ giúp ngăn chặn hữu hiệu thương tổn tâm lý về lâu dài cho trẻ.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất