13/01/2022 08:41 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 13/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 317.170.411 ca mắc COVID-19 và 5.529.599 ca tử vong. Số ca hồi phục là 262.708.848 ca.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 3.031.682 ca nhiễm mới, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm mới toàn cầu trong một ngày vượt 3 triệu ca. Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất 743.699 ca, tiếp sau là Pháp (361.719 ca), Italy (196.224 ca), Tây Ban Nha (179.125 ca), Argentina (131.082 ca).... Số ca nhiễm mới tại Mỹ và châu Âu hiện chiếm tới 67% tổng số ca nhiễm mới ghi nhận mỗi ngày trên toàn thế giới.
Cũng trong 24 giờ qua, một loạt nước đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Cụ thể, Croatia và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt ghi nhận 9. 894 và 77.722 ca. Tại Croatia, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 thấp được cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tăng cao. Đến nay mới có khoảng 56% dân số tại nước này đã được tiêm chủng. Trong khi đó, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện thấp, tăng khoảng 10%, dù số ca nhiễm mới tăng gấp 4 lần.
Israel cũng đã ghi nhận 43.815 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ đầu dịch đến nay. Hiện tỷ lệ ca dương tính với COVID-19 trong tổng số người tiến hành xét nghiệm hằng ngày tại nước này là 12,09% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước sẵn sàng ứng phó với đợt bùng phát nghiêm trọng mới của dịch COVID-19 và các bệnh về đường hô hấp khác trong mùa Xuân.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuần trước, thế giới đã ghi nhận hơn 15 triệu ca mắc COVID-19 mới - mức tăng cao nhất trong một tuần – do Omicron dần thay thế Delta trở thành biến thể lây lan chủ đạo tại nhiều nước.
Theo báo cáo của WHO, số ca tử vong do COVID-19 được thống kê theo tuần ổn định ở mức của tháng 10 năm ngoái với mức trung bình 48.000 ca/tuần. Số bệnh nhân nhập viện đang gia tăng ở hầu hết các nước, nhưng các ca nhiễm không nghiêm trọng như trong các đợt bùng phát trước, có thể là do độc lực của Omicron không cao như ở biến thể Delta và vaccine phát huy hiệu quả phòng bệnh.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Ghebreyesus lưu ý rằng mặc dù Omicron không có độc lực cao như biến thể Delta, nhưng vẫn có thể gây nguy hiểm cho người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Maria van Kerkhove cũng cảnh báo về nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh trong tương lai liên quan đến những trường hợp chưa tiêm vaccine và không được phòng vệ đầy đủ. Theo chuyên gia này, các ca bệnh nặng và tử vong có thể giảm do hiệu quả của vaccine cũng như công tác điều trị được cải thiện.
Lan Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất