Ký sự World Cup: “Nếu bạn không vui, bạn đến đây để làm gì?”

29/11/2022 15:00 GMT+7 | World Cup 2022

Một đồng nghiệp người Arab đã mỉm cười nói với tôi như thế khi World Cup vừa qua được một tuần. Trong con mắt của anh, World Cup không phải là một nơi để bạn bộc lộ những nỗi buồn, cô đơn hay đơn giản là áp đặt các quan điểm chính trị của bạn chỉ vì bạn muốn thế. Anh hoàn toàn đúng, tôi cũng nghĩ như thế.

Đã có quá nhiều điều xảy ra trong một tuần trái bóng World Cup lăn. Những màn ăn mừng bàn thắng theo kiểu quỳ xuống cầu nguyện Allah của những cầu thủ người Arab, những trận hòa 0-0 gây thất vọng (đã có 5 trận như thế trong tuần đầu, trong khi ở World Cup 4 năm trước trên đất Nga, cả vòng bảng chỉ có 1 trận hòa 0-0), sự thất bại của đội chủ nhà Qatar và nỗi đau đớn của Neymar vì chấn thương... World Cup trở thành một nơi mà cả thế giới nhìn vào, nói về nó, tranh cãi về nó, và từ đó cũng bộc lộ hàng tỷ vấn đề của một hành tinh không bình thường.

Từ cái sân bóng bị nóng...

Một trong những câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất trong những ngày World Cup là về thời tiết, về việc ngồi ở sân có nóng không, bởi trong hình dung của tất cả, một đất nước vùng Vịnh lúc nào cũng dưới ánh mặt trời chắc chắn không thể mát.

Nhưng ngay trước khi lên đường, nhận được một tập thông tin dày gần 200 trang của FIFA gửi qua mail cho các nhà báo, trong đó có một dòng khuyến cáo về việc nên "mang áo khoác mỏng vào sân", tôi hiểu rằng câu chuyện về việc lạnh giữa sa mạc là có thật. Và chuyện ấy xảy ra thật, khi ban ngày, cái nóng có thể làm cho mình khô da, khô môi, cực kỳ khó chịu vì cảm giác nước trong cơ thể cứ bay hơi mãi khiến mình thành một xác ướp, nhưng khi mặt trời bắt đầu xuống, cái lạnh sa mạc bắt đầu tràn ngập, và cảm giác ngồi xem một trận đấu vào buổi tối trên một sân vận động mới mọc lên từ một nơi trước đây toàn cát thật kỳ lạ. Cái lạnh ấy đến không chỉ từ khí hậu nơi này, vào mùa Đông, khi nhiệt độ ban chiều xuống thấp hơn, mà còn từ hàng biết bao nhiêu chiếc điều hòa nhiệt độ được lắp trên sân. Mặc áo khoác ngồi trên khán đài xem bóng đá giữa sa mạc là chuyện có thật.

Ký sự World Cup: “Nếu bạn không vui, bạn đến đây để làm gì?” - Ảnh 1.

Bằng việc đăng cai World Cup này, Qatar đã cho thấy, họ không chỉ giàu có và biết cách tiêu tiền

Thế nên, đã có không ít ngạc nhiên khi báo chí Anh viết, nhiều cầu thủ đội tuyển Anh đã kêu ca rằng, họ phải đá trận gặp Mỹ trong điều kiện trời nóng, nóng hơn khi họ thắng Iran 6-2 trong trận mở màn giải của mình. Theo quy định, các trận đấu diễn ra vào lúc 1 giờ và 4 giờ chiều ở Qatar đều được giữ nhiệt độ trong sân là 24 độ C. Nhiệt độ ấy được tạo ra nhờ một hệ thống điều hòa chạy hết công suất trong các sân. Nhưng ở các trận đấu muộn hơn, vào khung giờ 7 giờ và 10 giờ tối, khi trời đã mát hơn, các điều hòa sẽ được tắt 1 tiếng trước khi các trận đấu bắt đầu để đảm bảo nhiệt độ 24 độ C. Nhưng hôm ấy, các cầu thủ Anh nói rằng, nhiệt độ trong sân nóng hơn và báo chí Anh khẳng định nhiệt độ ấy vào khoảng 26 độ C. Phải chăng đấy là cách mà họ đổ lỗi cho việc đã chơi một trận không như ý và cuối cùng bị Mỹ cầm hòa với tỷ số 0-0?

Và với việc các tờ báo lá cải cứ xoáy đi xoáy lại về việc một cô người mẫu Croatia tìm cách che đi thân hình nóng bỏng của mình để lọt vào sân xem một trận đấu, rồi ở đó cô ta chụp ảnh sexy như một cách để khiêu khích các quy định hà khắc về ăn mặc, họ đang thách thức đạo Hồi ngay trên mảnh đất của đạo Hồi?

... cho đến những dòng tin tức tiêu cực về Qatar

Trên thực tế, câu chuyện về cái sân bị nóng chỉ là một trong số những ví dụ nhỏ nhặt nhất về việc người ta đang nhìn quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh này với con mắt nào, và để nhằm mục đích gì. Rất ít những dòng tin và bài báo có cái nhìn thiện cảm về Qatar, có rất ít những nhận xét tích cực về việc họ đã biến một giải đấu bóng đá có quy mô lớn đến thế thành một ngày hội bóng đá thực sự.

Những ai không có cơ hội đặt chân đến đây mà đọc báo chí Anh và một số nước phương Tây khác sẽ chỉ thấy một bức tranh tệ hại về đất nước này, nơi mà người ta cho rằng, quyền con người cơ bản, trong đó có quyền của giới LGBT+ và quyền của những người lao động được trả lương thấp không được coi trọng. Khi trái bóng đã lăn được hơn một tuần, những bài viết như thế vẫn xuất hiện và những tranh cãi về việc FIFA không muốn biến những thông điệp nhạy cảm ấy thành một chủ đề gây tranh cãi và từ đó khiến người ta sao nhãng một sự thật, rằng trái bóng thực ra phải lăn trên sân. Một đồng nghiệp người Ý nói với tôi, rằng "chúng ta phải ủng hộ những nhà hoạt động nhân quyền ấy nhân bóng đá, bởi chúng ta cần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn". Nhưng một nhà báo Iran tôi gặp lại đặt ra câu hỏi, tại sao những người phương Tây ấy lại muốn chúng tôi phải giống họ trong khi không hề hỏi chúng tôi có cần điều đó hay không.

Ký sự World Cup: “Nếu bạn không vui, bạn đến đây để làm gì?” - Ảnh 2.

Khi những cuộc tranh luận ấy còn lâu mới kết thúc và trái bóng tiếp tục lăn trên 8 sân cỏ Qatar, người ta sẽ nhận ra một điều, rằng thực ra có lẽ rất nhiều trong số những người nước ngoài đến Qatar xem World Cup không quan tâm đến những điều mà chính các đồng nghiệp phương Tây làm việc cùng tôi trong trung tâm báo chí World Cup ra sức mô tả theo cách nhìn tiêu cực của họ. Một cổ động viên người Pháp nói với tôi rằng, ông không quan tâm đến những gì họ đã viết, việc không có bia hay rượu uống trước và sau trận đấu như ở những giải đấu trước cũng không phải là vấn đề lớn, điều quan trọng nhất vẫn là được xem đá bóng trên những sân cỏ mới tinh và vô cùng hiện đại của Qatar. Ông nói rằng, Qatar đã khiến ông thay đổi cách nhìn về chính đất nước này, rằng họ không chỉ có tiền.

Sẽ còn nhiều điều để nói về giải đấu trên mảnh đất nhỏ bé và giàu có này. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi câu nói của anh bạn đồng nghiệp người Arab. Tôi đến đây với niềm vui và thân thiện, không phải với định kiến và sự hoài nghi. 

 Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm