Ký sự World Cup: Có một World Cup trong lòng World Cup

28/11/2022 09:04 GMT+7 | World Cup 2022

Aas tỏ vẻ hơi lúng túng khi tôi hỏi hướng bãi đỗ xe của sân 974. Cậu thú nhận với tôi: "Anh thông cảm, thực ra tôi cũng mới chỉ đến Qatar vào tháng 9". Aas là người Palestine, là một trong số hơn 2 vạn tình nguyện viên nhập cư được thuê cho World Cup đầu tiên tổ chức ở vùng Vịnh.

Họ đã hào hứng trả lời những quảng cáo kêu gọi tuyển người phục vụ ở hơn 30 vai trò khác nhau trong 45 khu vực làm việc liên quan đến World Cup. Một chương trình rộng lớn và đầy tham vọng được Qatar và FIFA tổ chức từ hồi giữa tháng 5 và đã thu hút hàng vạn thanh niên tuổi từ 18 trở lên. Có những người trẻ đã và đang sinh sống học tập ở đây, có những người như Aas bay tới Qatar.

Một công việc tạm thời, một niềm hy vọng

Công việc của Aas là chỉ đường cho người hâm mộ hướng để rời sân 974 một cách nhanh nhất và trật tự nhất. Mặc trên người chiếc áo sẫm màu có dòng chữ "Last Mile Marshall", cậu và hàng chục tình nguyện viên trẻ măng khác đứng ở phía ngoài sân chỉ đường cho tất cả. "Đó là một công việc xem ra có vẻ thích thú, nhưng thực ra rất mệt mỏi và buồn tẻ", Aas nói. "Chúng tôi phải có mặt trước trận nhiều tiếng đồng hồ và không ai được phép bỏ vị trí. Chúng tôi phải luôn tỏ ra vui vẻ với các cổ động viên". Aas và các tình nguyện viên phải làm đủ các thứ việc không tên. Chẳng hạn chụp ảnh giúp các cổ động viên, trả lời các thông tin liên quan đến các lối vào sân bóng, thậm chí còn dỗ con cổ động viên khóc.

Qatar dự kiến có hơn 1 triệu người đến với đất nước họ trong một tháng World Cup và các tình nguyện viên trở thành một lực lượng quan trọng nhằm giúp đỡ trực tiếp cho họ. Những ngày qua, họ bỗng nhiên trở nên được chú ý hơn khi báo chí thế giới nói đến họ, và thậm chí một tình nguyện viên còn gây sốt trên mạng xã hội TikTok bằng những hình ảnh và âm thanh liên quan đến anh.

Ký sự World Cup: Có một World Cup trong lòng World Cup - Ảnh 1.

Một cách rất thầm lặng, hơn 2 vạn tình nguyện viên đã và đang làm rất nhiều việc để World Cup này diễn ra một cách trơn tru

"Metro man" (người hướng dẫn ở metro), như người ta gọi Abu Baker Abba, một tình nguyện viên nhập cư người Kenya, đã trở nên nổi tiếng nhờ biến một thông điệp nhàm chán chỉ hướng đến ga tàu điện ngầm ở khu chợ Hồi giáo nổi tiếng Waqif thành một niềm vui cho người hâm mộ, và nhờ thế, đem đến cho World Cup những sắc màu mới. Anh tạo ra một giai điệu đầy vui vẻ để chỉ đường cho mọi người, biến nó thành niềm vui của việc di chuyển trong hệ thống giao thông công cộng khổng lồ của thành phố Doha, hầu hết được xây dựng sau khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022. Lời của thông điệp có nhạc rất đơn giản "metro, metro, metro, lối này, lối này, lối này", nhưng đã gây sự chú ý lớn lao với nhiều người và khiến họ quan tâm hơn đến những tình nguyện viên có những công việc rất thầm lặng mà quan trọng ấy.

Với Abba và nhiều tình nguyện viên, không ít trong số đó đến đây với biết bao hy vọng đổi đời, đây chỉ là một công việc tạm thời. Sau World Cup, nhiều trong số đó muốn ở lại. Aas cũng thế. "Tôi muốn tìm kiếm một công việc khác sau World Cup, dù visa của tôi sẽ sớm hết hạn", cậu nói. "Tôi muốn ở lại đây".

"Sau World Cup, tôi sẽ trở về nhà"

Abu Baker Abba thậm chí đã trở thành khách mời danh dự của World Cup khi anh có mặt trong trận đấu giữa Anh và Mỹ mới rồi. Khi trái bóng chưa lăn, đứng ở trên sân Al Bayt chật kín khán giả, người đàn ông có vẻ ngoài rất bình dị và dè dặt ấy nói rất to trên micro "metro" cái từ đã trở nên quen thuộc với hàng vạn cổ động viên, và rồi biển người hâm mộ trên các khán đài đáp lại anh bằng một câu vô cùng quen thuộc khác "this way" (lối này), chính là câu trả lời của các tình nguyện viên khi các khán giả hỏi đi lối nào để đến bến tàu điện ngầm.

Ký sự World Cup: Có một World Cup trong lòng World Cup - Ảnh 2.

Tình nguyện viên Abu Baker Abba là khách mời danh dự của trận Mỹ-Anh

Tôi đã gặp và nói chuyện với nhiều người như Abba. Có những người mặc áo phản quang buổi tối đứng ở các giao lộ cắt vào các khu vực chắc chắn sẽ tập trung đông người hâm mộ như Corniche, khu bờ biển nổi tiếng của Doha, hay khu cổ động viên Fan Festival ở công viên Al Bidda, chỉ để quan sát xem có xe ô tô nào đi tới hay không thì sẽ giúp cho người đi bộ đi qua. Có những người phục vụ ở các bãi xe, các hành lang sân vận động, các lối đi của các sân bóng, trong các trung tâm báo chí của World Cup. Tất cả đều còn rất trẻ, vui vẻ và thân thiện, luôn nở nụ cười và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần. World Cup trở thành một cơ hội để họ tiếp xúc với mọi người, và đối với những ai là sinh viên thì là một dịp đầy ý nghĩa để ghi vào hồ sơ học đường, với tư cách là người đã có hoạt động xã hội đáng chú ý.

Nhưng không phải ai cũng như thế. Có những tình nguyện viên không phải là sinh viên. Họ đơn giản sang Qatar cho World Cup này để kiếm tiền. George, một người Ghana tôi gặp ở Trung tâm báo chí World Cup 2022, không muốn ở lại, dù cậu tin rằng, quãng thời gian này thực sự đẹp trong đời cậu. "Sau World Cup ư", George nói. "Tôi sẽ lấy phần còn lại khoản tiền mà họ hứa trả cho tôi, và trở về Ghana. Vợ sắp cưới của tôi đang chờ ở nhà".

Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (Phóng viên TTXVN, từ Doha, Qatar)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm