Kỳ 9: Ai đã bảo kê cho bến xe Lam Hồng?

16/07/2008 12:54 GMT+7 | Thế giới

Chủ hiện tại của bến xe Lam Hồng là vợ, em ruột và người có cùng hộ khẩu với trưởng công an phường Linh Trung (Thủ Đức). Nguyên phó giám đốc bến xe tố cáo: “Nhiều cán bộ ở Bình Dương từng nhận tiền quà biếu”.

Bến xe Lam Hồng thuộc xã An Bình, huyện Dĩ An ra đời từ năm 2003. Bến xe do một người có tên là Tú “hói” đứng ra lập cùng hai cổ đông khác với tên gọi là Công ty cổ phần Vận tải dịch vụ thương mại Lam Hồng trên phần đất thuê của ông Võ Văn Giàu - hiện là phó chủ tịch UBND huyện Dĩ An. Tuy nhiên sau đó, do công việc làm ăn riêng, Tú “hói” phải thụ án năm năm tù. Hải “bến” (tức Nguyễn Thanh Hải, nhân vật mà chúng tôi đã đề cập trên các số báo trước) và vợ đã mua lại nhiều cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất ở Bến xe Lam Hồng.

Đến tháng 4-2007, Hải “bến” đã bán lại bến xe này cho gia đình ông Lê Hồng Lương - Trưởng Công an phường Linh Trung (Thủ Đức). Cụ thể, vợ ông Lương là bà Trần Thị Dung mua lại 1.500 cổ phần của vợ Hải “bến”. Ông Lê Hồng Sơn (em ruột ông Lương) mua lại 2.000 cổ phần của Hải “bến”. Và ông Trần Đình Hoài, người có cùng hộ khẩu với gia đình ông Lê Hồng Lương, mua 1.500 cổ phần của ông Nguyễn Quang Diệu (nguyên phó giám đốc Bến xe Lam Hồng). Từ đó đến nay, bà Dung là giám đốc bến xe, ông Sơn và ông Hoài là thành viên hội đồng quản trị. Như vậy Bến xe lam Hồng hiện nay thuộc sở hữu của gia đình trưởng công an phường Linh Trung.
 
Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần bến xe do ông Lê Hồng Sơn
và bà Trần Thị Dung đứng tên.

Tuy nhiên, từ ngày bán bến xe đến nay, Hải “bến” vẫn thao túng nhiều hoạt động của bến xe.

Một bến xe không đủ chuẩn, được thuê trên phần đất của phó chủ tịch huyện Dĩ An, do gia đình trưởng công an phường Linh Trung (địa bàn giáp ranh với bến xe) đứng chủ. Phải chăng vì vậy mà sau nhiều vụ tai tiếng, bến xe này vẫn tiếp tục hoạt động?

Ông Nguyễn Quang Diệu - nguyên Phó Giám đốc Bến xe Lam Hồng cho biết trong ba năm 2005, 2006 và 2007, Hải “bến” đã chi hàng trăm triệu đồng quà Tết cho hàng chục cán bộ tại Bình Dương. Danh sách những người được biếu tiền do ông Diệu cung cấp có tên của một số cán bộ trong ngành giao thông và quản lý trị an ở huyện Dĩ An và tỉnh Bình Dương. Bút tích này được ông Diệu xác nhận là do Hải “bến” ghi lại để hạch toán với các cổ đông.

Cũng theo ông Diệu, số tiền quà Tết này chỉ là một phần nhỏ trong các khoản chung chi. Trong năm còn có nhiều dịp lễ lạt hoặc khi có việc cần nhờ vả, Hải “bến” đều có tiền biếu cho những cán bộ liên quan. Ông Diệu cho biết sẵn sàng đối chất trước cơ quan pháp luật về những khoản tiền quà biếu từ bút tích này của Hải “bến”.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã gửi công văn cho những cơ quan có trách nhiệm ở Bình Dương và TP.HCM để cung cấp những tài liệu liên quan đến việc chung chi nói trên.

Theo PLTPHCM

Bị đưa vào quán cà phê để hành hung

Khoảng ngày 24 tháng Chạp Tết vừa rồi, tôi vừa ra trước bến để xem khách thì đám côn đồ do Mười Thu và Thắng “thế” - đàn em Hải “bến” đến quát tháo, yêu cầu tôi ra chỗ khác. Tôi thanh minh rằng xe mình đã đóng tiền đầy đủ cho bến nên ra chờ khách chứ không phải “cò” xe.

Tối đó, bọn chúng kêu tôi ra quán cà phê ngồi nói chuyện. Nhưng vừa ra cổng bến xe thì chúng ép tôi lên xe máy, đưa vào quán cà phê Sông Lam ở gần đó và gần chục tên lao vô đánh “hội đồng”. Lý do chúng dằn mặt là vì bến xe đã được “khoán” cho chúng cả mùa Tết, việc tôi đứng ra trước bến đón khách là trái với ý chúng và trái với “quy định của bến xe”.

Tôi bị đánh máu me đầy người, phải khâu nhiều mũi trên đầu và mặt, nằm liệt ở nhà hơn nửa tháng. Nhưng kinh nghiệm từ các vụ việc của các nhà xe trước nên tôi không dám tố cáo vì chưa có vụ việc tố cáo nào được xử lý.

Anh Phan Văn Quang, phụ xe 37N-3564 (Thanh Chương, Nghệ An)

 
Chiều qua (15/7), anh TBH - người đã đại diện cho các nhà xe Nguyễn Quang Anh, Nguyễn Đình Trung, Nguyễn Khắc Học... bị Hải “bến” hành hung đã đến Báo Pháp Luật TP.HCM tố cáo.

Anh H. cho biết do việc chạy xe nên những nạn nhân của Hải “bến” mà Báo Pháp Luật TP.HCM nêu trong các số báo trước đều ủy quyền cho anh nộp đơn kiện và làm việc với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, tất cả đơn kiện gửi đến các cơ quan pháp luật và quản lý ở Dĩ An và Bình Dương đều rơi vào im lặng. Trong đó có vụ việc đánh người nghiêm trọng nhất gây thương tích 15% cho anh Nguyễn Đình Trung mà Pháp Luật TP.HCM đã nêu, Công an huyện Dĩ An có đến hiện trường nhưng rồi thả cho về.

Chỉ duy nhất một lần anh được bà Lưu Kim Loan - Trưởng ban Pháp chế của HĐND cho một giấy giới thiệu sang Sở GTVT để được trả lời về đơn kiện tập thể của nhà xe về việc thu tiền bất hợp lý. Tuy nhiên, Sở GTVT Bình Dương sau đó đã không có biện pháp can thiệp, để Bến xe Lam Hồng tiếp tục thu chi bất hợp lý.

Bản thân anh cũng bị Hải “bến” thù ghét và từng cầm vỏ chai rượt, đập nát cả xe máy.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm