Kỳ 2: Trong bão lửa

02/08/2010 15:45 GMT+7 | Lich sử - Tài liệu

Rảo bước qua cầu Long Biên, tôi đi tìm những chiến binh đã kiên cường đối mặt với không quân Mỹ để bảo vệ cây cầu huyết mạch qua sông Hồng của thủ đô Hà Nội thời chiến tranh. Nhiều người ngày ấy vẫn còn nhớ mãi những năm tháng sống chết cùng cây cầu.

>> Kỳ 1: Công trình lịch sử

Trong khi máy bay Mỹ nhắm cầu Long Biên là trọng điểm phải hủy diệt thì những người lính phòng không Hà Nội lại quyết tâm bảo vệ cầu bằng mọi giá, kể cả bằng chính máu của mình.


Trận địa phòng không chuẩn bị bảo vệ cầu Long Biên thời chiến tranh - Ảnh tư liệu

Thương tích

Đó là một chiều tháng 8-1967, khi người dân Hà Nội đang tấp nập qua lại cầu Long Biên thì các tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến đánh phá. Các trận địa phòng không bảo vệ kiên cường bắn trả nhưng các nhịp cầu 14, 15, 16 đã trúng bom và có nhịp bị đổ hoàn toàn. Các phần thi thể bắn tung tóe trên mặt cầu chưa bị sập. Có xác người còn bị hất tung xuống lòng sông đang chảy xiết giữa mùa mưa lũ.

Đến bây giờ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc vẫn không thể nguôi kỷ niệm chiến tranh đau buồn này: “Trong các nạn nhân là dân thường chết vì bom trên cầu Long Biên có một học trò giỏi của tôi”. Ông rưng rưng kể thêm cô học trò tên Hồng Thúy, đang học lớp 10 thì phải đi sơ tán. Buổi chiều hôm ấy cô đạp xe hơn 20km về thăm nhà ở Hà Nội, nhưng mới đến gần giữa cầu Long Biên thì máy bay Mỹ ập đến trút bom. Gia đình chờ mãi không thấy Hồng Thúy phải tất tả đi tìm. Khi họ chạy tới cầu Long Biên thì chỉ còn chiếc xe đạp nát bét vương máu đỏ đang nằm chỏng chơ trên một nhịp cầu chưa bị sập.

Còn cụ Ái, một người đã sống gần trọn 90 năm đời người bên bờ sông Hồng, cũng có con, cháu vĩnh viễn ra đi trên cây cầu này: “Hôm đó con gái tôi đang dẫn cháu nhỏ qua cầu để mua chiếc đèn trung thu thì bom giội xuống...”. Trong ký ức cụ Ái, thịt xương con cháu mình đã lẫn cùng các nhịp cầu Long Biên dưới sông Hồng.

Kể từ ngày khốc liệt đó, 42 năm đã trôi qua. Trên cầu Long Biên, trong cảnh bình yên, nhiều người chỉ cho tôi thấy những vết lõm, nứt trên các thanh cầu, và nói đó chính là thương tích của cầu thời đạn bom. Hầu như người Hà Nội lớn tuổi nào cũng ít nhiều có kỷ niệm bi hùng về cây cầu sắt cổ kính bắc qua sông Hồng này. Thời chống Pháp, cầu Long Biên đã lặng lẽ chứng kiến bao người Việt yêu nước phải lên đoạn đầu đài, rồi sự lớn mạnh của Việt Minh cho đến ngày đoàn quân hào hùng nhịp bước trên cầu về tiếp quản thủ đô.

Long Biên dưới bom đạn không chỉ là cây cầu huyết mạch của Hà Nội bắc qua sông Hồng, mà còn là biểu tượng của niềm tin vào sự sinh tồn mãnh liệt và chiến thắng cuối cùng. Còn với chiến sĩ phòng không, đó là sứ mệnh thiêng liêng, họ bảo vệ được cầu Long Biên là bảo vệ một phần thủ đô Hà Nội.

Rồi trong cuộc chiến chống Mỹ, cây cầu lại minh chứng cho thấy đạn bom không thể làm gục ngã ý chí con người. Với dân thường dù đi sơ tán hay bám trụ ở Hà Nội đều thắt ruột gan lo cho cầu Long Biên mỗi khi bị đánh phá. Trong tâm hồn họ, Long Biên dưới bom đạn không chỉ là cây cầu huyết mạch của Hà Nội bắc qua sông Hồng, mà còn là biểu tượng của niềm tin vào sự sinh tồn mãnh liệt và chiến thắng cuối cùng. Còn với chiến sĩ phòng không, đó là sứ mệnh thiêng liêng, họ bảo vệ được cầu Long Biên là bảo vệ một phần thủ đô Hà Nội.

Ở đầu cầu phía Gia Lâm, cựu trung đội trưởng dân quân Lê Thị Hạnh ở xã Ngọc Thụy (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) như đang sống lại một thời chiến tranh hào hùng khi kể chuyện xưa.

Bà tâm sự rằng dù máy bay Mỹ tập trung đánh phá cầu ác liệt hết trận này đến trận khác, nhưng chưa bao giờ cầu Long Biên bị sập hoàn toàn. Những cô gái son trẻ như bà thời đó cũng tình nguyện phối hợp với bộ đội phòng không bảo vệ cầu. Cô làm tải thương, cô tiếp đạn, thậm chí là xạ thủ súng cao xạ. Họ là nông dân, công nhân sản xuất nhưng khi máy bay Mỹ đến thì lao vào trận địa. Nhiều cô đã bị thương, hi sinh nhưng máu của họ chảy ra để cầu Long Biên được đứng vững.

Những trận đánh bảo vệ cầu

Ở đầu cầu Long Biên bờ nội thành, trung tá Lê Minh Bội, người từng chỉ huy một đại đội phòng không với tám khẩu pháo 100 li bảo vệ cầu Long Biên trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nay đã 78 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ rõ đơn vị mình được điều từ Thanh Trì về trực chiến ở cầu Long Biên.

Trận địa pháo của đại đội 1, trung đoàn 220, sư đoàn phòng không Hà Nội này được bố trí trên bãi Gia Thượng, Gia Lâm, ngay gần cầu Long Biên. Cùng với các đơn vị khác, đại đội 1 có nhiệm vụ “ôm sát” cầu Long Biên để trực tiếp bảo vệ cầu, Nhà máy điện Yên Phụ, khu trung ương... Và từ năm 1966, đơn vị này đã mấy lần bắn rơi máy bay Mỹ đánh phá cầu Long Biên và Hà Nội.


Cầu Long Biên bị tàn phá trong chiến tranh, nhưng chỉ sập một nhịp và hư hỏng vài nhịp khác - Ảnh tư liệu

“Ác liệt nhất là trận đánh ngày 11-8-1967. Chiều đó nắng quang, trận địa bố trí hình bát giác với tám khẩu pháo. Mỗi khẩu đặt cách xa nhau khoảng 45m với tám chiến sĩ trực chiến. Trung tâm chỉ huy bắn đặt ở giữa. Loại pháo này được chỉnh bắn bằng rađa. Cả trận địa cùng khai hỏa đồng loạt với tầm bắn trên 10km”. Trung tá Bội vẫn nhớ rõ chiều đó máy bay Mỹ lợi dụng dải núi khuất Tam Đảo để vào đánh phá cầu.

Trận địa pháo khai hỏa đồng loạt tạo lưới lửa bắn chặn từ xa. Trong khi đó, các trận địa súng phòng không không để máy bay bổ nhào ném bom. Nhưng máy bay Mỹ vẫn lợi dụng số nhiều và sức mạnh hỏa lực ồ ạt kéo đến, ngoài những chiếc tập trung ném bom vào cầu Long Biên, các tốp máy bay cường kích còn nhắm đánh trận địa phòng không. Lực lượng dưới đất phải dồn hỏa lực bắn chặn máy bay ném bom để bảo vệ cầu nên tạo sơ hở cho máy bay đánh trận địa...

Bom đạn rền lên. Khói lửa mù mịt bờ bãi sông Hồng và cầu Long Biên. Một tốp máy bay cường kích theo trục sông Hồng thoát khỏi lưới lửa phòng không để thả bom bi vào trận địa đại đội 1.

“Tôi đang đứng ở vị trí chỉ huy, phất cờ bắn thì bất ngờ nghe tiếng pháo của đại đội mình im bặt và khói lửa trùm lên”, trung tá Bội nhớ cảm giác lúc đó tim nghẹn lại khi nhìn thấy khẩu đội 3, khẩu đội 6 bị trúng bom bi. Một số chiến sĩ pháo thủ và dân quân bị thương nặng và hi sinh. Trong đó, cô dân quân Bích bị mảnh bom phạt gần mất đầu mà tay vẫn ôm quả đạn pháo chuẩn bị bắn. Trung đội trưởng dân quân Hạnh phải cởi chiếc áo duy nhất đang mặc để băng bó tạm cho một chiến sĩ nam bị thương nặng ở cổ.

“42 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ như in từng gương mặt quyết tử của các chiến sĩ, dân quân”. Trung tá Bội tâm sự thêm sau đó trận địa tiếp tục chiến đấu kiên cường. Kết thúc trận đánh, đơn vị phối hợp cùng lực lượng phòng không thủ đô đã bắn rơi mấy chiếc máy bay Mỹ. Cầu Long Biên chìm trong bom đạn, nhưng chỉ bị sập một nhịp và hư hỏng vài nhịp khác.

Những cựu chiến binh như ông Bội, bà Hạnh không thể nhớ hết nổi bao trận đánh với máy bay Mỹ đã diễn ra trên đoạn sông Hồng này. Nhưng họ đã kiên cường chiến đấu để cầu Long Biên chưa bao giờ bị sập hoàn toàn. Nó có thể tạm loang máu và hư hỏng một vài nhịp, nhưng lại nhanh được sửa chữa để tiếp tục đứng vững.

QUỐC VIỆT

Theo Tuổi trẻ

______________________

Việc nhanh chóng sửa chữa, lưu thông cây cầu huyết mạch này trong chiến tranh cũng là một cuộc chiến đấu kiên cường khác của quân dân thủ đô. Dưới bão lửa đạn bom, họ đã biến điều không thể thành có thể.

Kỳ 3: Giữ vững huyết mạch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm