Kỳ 1: Công trình lịch sử

01/08/2010 17:13 GMT+7 | Lich sử - Tài liệu

Với người Hà Nội, Long Biên không chỉ là cây cầu sắt huyết mạch đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một phần lịch sử không thể tách rời của thủ đô trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động bi hùng. 111 năm đã trôi qua, kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng, cầu Long Biên đang giữ trong mình biết bao bí ẩn.

Ông già ngừng tay cuốc, ôn lại ký ức truyền lưu. Tôi đã bất ngờ gợi lại câu chuyện cha ông cụ đã đổ mồ hôi và xương máu để xây dựng cầu Long Biên. Cây cầu từng một thời là công trình kỳ vĩ nhất Hà Nội bắc qua sông Hồng.


Cầu Long Biên đầu thế kỷ 20 - Ảnh trên con tem

Ý tưởng vĩ đại


"Nó là một kiệt tác của các kiến trúc sư, đốc công, chỉ huy trưởng người Pháp và những người thợ Việt. Chính các công nhân này đã xây dựng nên toàn bộ cầu"

Toàn quyền Paul Doumer
“Đó là ông nội tôi, người đã làm phu xây dựng cầu Long Biên hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thuở ấy cha tôi cũng chưa ra đời. Mãi sau này tôi mới được nghe chuyện từ chính ông nội tôi kể lại” - ông Nguyễn Văn Thụy, một nông dân trên 70 tuổi ở bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên, bồi hồi tâm sự lại chuyện xưa.

Ông kể thuở mình còn nhỏ, ông cháu hay trải chiếu trên bãi sông ngắm cầu Long Biên vào những đêm trăng sáng. Những lúc ấy, ông nội thường kể chuyện cho ông nghe rằng hàng ngàn người phu Việt đã được trưng dụng để kéo gỗ, đào giếng móng, xây trụ cây cầu này. Đó là công việc mà ông nội ông cũng như rất nhiều người phu Việt khác chưa từng trải qua. Và nhiều người đã bỏ mình dưới lòng sông này.

Tôi lang thang đôi bờ sông Hồng để tìm lại các câu chuyện xưa. Những người trực tiếp đổ mồ hôi làm cầu đều đã khuất bóng từ lâu. Đa số chỉ còn lại lớp hậu duệ đời thứ ba và thứ tư mà ít nhiều chỉ biết chuyện xưa qua ký ức từ tổ tiên. Họ kể lời cha ông rằng đó là công trình lớn nhất xứ Bắc kỳ lúc bấy giờ, không chỉ người Hà Nội mà cả dân các tỉnh đồng bằng cũng được trưng dụng để làm cầu. Khi cây cầu hiện hình và được lưu thông, nó đã đem lại tiện ích hơn cả sự suy nghĩ của những người đã làm nên nó.

Sự thật lịch sử cũng được chính ông Paul Doumer - toàn quyền Đông Dương thời đó - khẳng định trong tác phẩm L’Indo- Chine Francaise (Souvenirs), rằng động cơ làm cầu Long Biên bắt nguồn từ thực tế thành phố bị chia cách bởi dòng sông quá rộng, việc qua lại của dân cư rất khó khăn, đắt đỏ, thậm chí nguy hiểm. Ngoài ra, trong thời đó tuyến đường sắt Lạng Sơn bắt đầu được xây dựng nhưng phải dừng lại ở bên kia thành phố, cách xa bờ sông. Ý tưởng của Paul Doumer là khi có cây cầu này, toàn bộ tuyến đường sắt sẽ quy tụ tại Hà Nội, một phần nối liền Hà Nội với biển, phần khác nối An Nam với Trung Quốc. Ông ta đã viết: “Không thể nào tưởng tượng nổi hai nửa của tuyến đường sắt lại bị chia cắt bởi con sông”.

Năm 1897, công trình được đấu thầu. Các nhà thầu xây dựng chính của Pháp có mặt. Cuối cùng, dự án của nhà thầu Daydé & Pillé tại Creil (Oise) được chọn. Ngày 13-9-1898, viên đá đầu tiên đã được đặt xuống sông Hồng để khởi công cây cầu kỷ lục của VN này. Paul Doumer đã thốt lên: “Đây là một trong những cây cầu lớn nhất của thế giới và là một công việc lớn, độc đáo nhất có thể thực hiện được ở vùng Viễn Đông. Nó đáng để thu hút sự quan tâm của toàn thế giới...”.

Chỉ riêng phần cầu chính nối hai bờ đã dài 1.680m, gồm 19 nhịp dầm thép, 20 trụ cầu và mố cầu được xây dựng trên nền đất cứng ở độ sâu 30m tính từ mực nước thấp nhất sông Hồng. Ngoài ra, cầu còn được nối dài bởi cầu cạn và đường dẫn nhà ga ở hai bên bờ. Tổng chi phí công trình tốn khoảng 6.200.000 franc.

Dấu ấn Việt

Trong sách của mình, ông Paul Doumer kể khi đặt viên đá khởi công nhiều quan chức Pháp lẫn Việt tham dự, trong đó có thống soái Bichot, đô đốc Beaumont. Nhưng nhiều người vẫn hoài nghi hiện thực. Nhìn vị trí các trụ cầu được đánh dấu bằng cờ, có người mỉa mai: “Định đặt chỉ một sợi dây cáp từ bờ này sang bờ kia để hướng dẫn tàu thuyền sao?”. Nhưng công việc xây cầu đã được khởi động.



111 năm sau, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc ngồi tâm sự với tôi trong một sáng thu Hà Nội. Không biết rõ tổ tiên mình có tham gia làm cầu này không, nhưng ông có nhiều kỷ niệm và biết nhiều chuyện người Việt làm cầu này. Thời Mỹ đánh bom Hà Nội, ông phải đi sơ tán mỗi tháng tám lần qua lại cầu. Sự gắn bó đó đã khiến ông tìm hiểu, biết được rất nhiều người Việt đã bỏ mạng để xây cầu. Và công việc nguy hiểm chết người nhiều nhất chính là đào móng trụ cầu.

Chính ông Paul Doumer cũng kể công nhân Việt được đưa vào những lồng sắt thả xuống lòng sông để đào móng sâu dần xuống đất. Nó cứ dần xuống sâu và áp lực nước lên nó cũng tăng khủng khiếp. Từ đáy sông xuống sâu 25m, 30m, thậm chí 33m... Thợ làm việc liên tục bốn giờ bằng không khí nén trong lồng mới được thay ca khác.

Viên toàn quyền Đông Dương đã thốt lên: “Người An Nam bé nhỏ kiên cường dưới độ sâu này không một lời kêu ca, phản đối”. Thực tế nhiều người đã chết khi lồng sắt gặp trục trặc trong lòng đất sâu dưới đáy sông. Nhưng người này chết, người khác lại phải thay vào. Vì vậy, từ thuở đó đã có bài vè truyền miệng rằng: Cầu sắt mà bắc qua sông. Người chết như rạ vẫn phải len mình vào...

Ngay sau khi làm trụ cầu xong, người ta lắp ráp những dầm sắt được đưa đến từ nước Pháp. Paul Doumer kể ban đầu một số người Trung Quốc được tuyển dụng làm thợ đinh tán nối các thanh dầm sắt với nhau vì họ khỏe hơn người Việt. Nhưng rồi người Việt đã thay thế dần vì họ chăm chỉ, khéo léo hơn. Và các kỹ sư Pháp cũng thích dùng thợ Việt hơn.

Tuy nhiên, dấu ấn Việt trên cầu Long Biên không chỉ là mồ hôi và tính mạng người thợ mà có cả trình độ, đầu óc lớn. Doanh nhân nổi tiếng Bạch Thái Bưởi từng làm quản lý một phần việc xây dựng cầu, rồi thầu gỗ tà vẹt cho đường ray xe lửa trên cầu. Ông tổ chức người Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa khai thác gỗ tốt về bán cho Pháp, trong khi thép từ Pháp, ximăng Hải Phòng, vôi Long Thọ của Huế ...

Ngày 25-2-1902 cầu Long Biên được khánh thành (lúc đó đặt tên Doumer). Paul Doumer thốt lên: “Đó là một kiệt tác của các kiến trúc sư, đốc công, chỉ huy trưởng người Pháp và những người thợ Việt. Chính các công nhân này đã xây dựng nên toàn bộ cầu”.

Quốc Việt

TheoTuổi trẻ

___________________

Trong chiến tranh, bảo vệ cầu Long Biên là bảo vệ một phần không thể tách rời của thủ đô Hà Nội. Và nhiều trận chiến bi hùng bên cây cầu này vẫn chưa chìm vào quên lãng.

Kỳ 2: Trong bão lửa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm