Kinh nghiệm làm việc đầy mình, du học sinh Úc vẫn bị sếp loại để chọn sinh viên Bách khoa mới ra trường

13/11/2022 20:11 GMT+7 | Văn hóa Xã hội 247

Kinh nghiệm làm việc đầy mình, du học sinh Úc vẫn bị sếp loại để chọn sinh viên Bách khoa mới ra trường

Mới ra trường, nữ kỹ sư sinh năm 2000 lên truyền hình tìm việc với kỳ vọng lương chỉ 10 triệu/tháng, nhưng cô đã được đề nghị gấp rưỡi. Đáng chú ý, cô còn "đánh bại" đối thủ là một du học sinh với kinh nghiệm làm việc phong phú.

Đi du học là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Lý do là bởi ai cũng cho rằng đi du học đồng nghĩa với việc được học tập trong môi trường quốc tế hiện đại hơn, nhiều cơ hội kiếm việc khi ra trường hơn và khả năng nhận được mức lương hậu hĩnh cũng cao hơn... Tuy nhiên liệu sự thực có phải vậy hay không?

Mới đây, tập 11 của chương trình Cơ Hội Cho Ai? (Whose Chance) mùa 4 lên sóng VTV3 cũng đã bàn luận về vấn đề này và nhận được nhiều sự chú ý của cư dân mạng. 

Theo đó, xuất hiện trên sân khấu chương trình là hai nữ ứng viên trẻ. Hai cô gái đến từ hai môi trường học tập khác nhau đã cùng tranh tài với chủ đề tranh biện: "Có quan điểm cho rằng nhiều du học sinh về nước khó xin việc do ảo tưởng lương cao. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?".

photo-1

Hai nữ ứng viên xuất hiện trong tập 11 Cơ Hội Cho Ai mùa 4

Một trong hai cô gái là Phạm Hồng Nhung (22 tuổi, Tiền Giang) có niềm đam mê Hóa học và đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân loại Giỏi chuyên ngành Hóa hữu cơ của Đại học Bách khoa TP.HCM. Cô nàng này có hơn 1 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực mỹ phẩm và hương liệu. Hiện tại, Hồng Nhung đang theo học Thạc sĩ kỹ thuật hóa học tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Cô gái còn lại là Lê Minh Thùy (24 tuổi). Minh Thùy gây ấn tượng khi đã có 7 năm sinh sống và làm việc tại Australia. Cô nàng đang theo học ngành Kỹ sư cầu đường và là một trong những sinh viên xuất sắc ngành học này tại Đại học New South Wales (Australia). Ngoài ra, nữ ứng viên này còn sở hữu profile đáng nể như gần 2 năm làm việc trong lĩnh vực tự động hóa, thiết kế và nâng cấp hệ thống cầu tại Australia, 3 năm giảng dạy các môn tĩnh học tại trường Đại học Adelaide (Australia)...

photo-1

Ứng viên Phạm Hồng Nhung

photo-1

Ứng viên Lê Minh Thùy

Là người trình bày trước, Hồng Nhung đồng ý quan điểm nêu trên dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng. Cô nàng cho rằng bên cạnh kiến thức học được như nhau, thì du học sinh có một số lợi thế so với các ứng viên học tập trong nước, ví dụ như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng độc lập trong công việc và cuộc sống. Khi đã tiêu tốn nhiều cho việc du học, thì về nước tìm việc, du học sinh mong muốn có thể nhận lại mức lương tương xứng.

Mức thu nhập đó có thể là bình thường đối với đất nước mà các bạn đang theo học, nhưng có thể hơi cao so với thị trường lao động trong nước. Tựu chung, Hồng Nhung nghĩ rằng du học sinh nên có sự tìm hiểu kỹ, thông qua network (mạng lưới quan hệ) và các mentor (người cố vấn) của họ, để có thể đề xuất mức lương phù hợp với doanh nghiệp khi về nước làm việc.

Từng du học tại Úc, Minh Thùy lại bày tỏ không đồng ý với nhận định trên với 3 lý do. Đầu tiên, du học sinh có nhiều trải nghiệm sinh sống, học tập, làm việc với nhiều người với những ngôn ngữ khác nhau, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Doanh nghiệp Việt đang vươn mình ra biển lớn. Và việc một công ty sở hữu nhân viên có sự am hiểu về nhiều nền văn hóa như vậy sẽ là một cầu nối vô cùng quan trọng.

Thứ hai, du học sinh quen với cuộc sống tự lập, tự học ở môi trường quốc tế. Ở một số quốc gia, các trường đại học yêu cầu tự học. Thói quen này sẽ giúp các bạn dễ dàng thích nghi, học hỏi nhanh khi gia nhập tổ chức doanh nghiệp.

Cuối cùng, sứ mệnh của một du học sinh khi học tập ở nước ngoài, chính là một đại diện của quốc gia. Thùy cho biết bản thân mình cũng có trải nghiệm như vậy, cho rằng mọi người nước ngoài sẽ nhìn vào mình để đánh giá người Việt, nên không ngừng học tập chăm chỉ và phát triển các kỹ năng mềm, để từ đó hoàn thiện bản thân hơn.

"Các bạn du học sinh không ảo tưởng lương cao. Họ xứng đáng với mức lương như kỳ vọng", Thùy khẳng định.

photo-1

Mỗi cô gái đều có một lý lẽ thuyết phục của riêng mình

Trước câu hỏi được đặt ra từ Hồng Nhung rằng "Theo chị, mức lương như thế nào là cao?", Minh Thùy cho biết "Mình sẽ không nói là lương cao, thay vào đó là mức lương phản ảnh đúng giá trị mà bạn mang lại cho công ty". Bên cạnh đó, cựu du học sinh Australia cũng cho hay, thị trường lao động là "thuận mua vừa bán", có doanh nghiệp cho rằng mức lương kỳ vọng của cô là hơi cao thì cũng sẽ có công ty nhận thấy khả năng của cô và chấp nhận mức lương đó.

“Trong tình huống chị không thành công trước một người không du học như chị, chị có buồn không?”, Hồng Nhung hỏi vặn đối thủ. Minh Thùy cho biết sẽ không buồn nếu thua cuộc trước một ứng viên học tập trong nước trong cuộc đua ứng tuyển. Cô cho rằng mỗi người đều có thế mạnh, sở trường riêng. Nếu đối thủ phù hợp với doanh nghiệp hơn cô, thì cô sẽ vui vẻ chấp nhận.

Quan điểm của các sếp

Trước màn đối đáp của hai ứng viên, Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise tiếp lời: "Bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy mà thôi. Về cơ bản, các em học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài và Việt Nam mới ra trường là như nhau. Có thể ngoại ngữ của các bạn du học sinh sẽ tốt hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng cần nhân viên sử dụng ngoại ngữ nhiều. 

Và nếu không cần sử dụng đến ngoại ngữ, thì 2 em làm thế nào để chứng minh sự khác nhau về năng lực giữa một du học sinh và bạn học tập trong nước để đạt được mức lương kỳ vọng của mình?".

photo-1

Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise

Hồng Nhung chia sẻ bản thân luôn đi lên từ kiến thức đã được học trên ghế nhà trường và luôn nỗ lực trong quá trình làm việc, nhằm tạo ra giá trị riêng, cống hiến cho doanh nghiệp, thông qua đó nhận lại mức thù lao xứng đáng, đôi bên cùng có lợi.

Mặt khác, Minh Thùy cho rằng khả năng ngôn ngữ chỉ là một phần. Theo cô, lợi thế nhất của du học sinh là trải nghiệm làm việc với đa quốc gia, đa văn hóa, dẫn đến các bạn có được sự thích nghi nhanh trong nhiều tình huống.

Không cho ý kiến của Minh Thùy là đúng, Sếp Nga cho lời khuyên: "Chị cho rằng trong một cuộc phỏng vấn, thì khả năng ứng biến tình huống đối với người phỏng vấn là quan trọng nhất. Thứ hai, các bạn từ nước ngoài về không nên đặt nặng vấn đề làm việc đa quốc gia, đa ngôn ngữ, mà hãy xem mình như một sinh viên tại Việt Nam, thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn".

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom - đưa ra lời khuyên cho Minh Thùy như sau: "Các bạn sinh viên đi du học không nên về nước làm việc ngay. Bởi vì khi các bạn về nước, những kiến thức, ngoại ngữ, mối kết nối mới có sẽ mất đi và không được sử dụng. Trong khi đó, trong 5 -10 năm nữa, khi các bạn về nước với hành trang là kiến thức, quan hệ, tiền bạc, thậm chí là gia đình thì sẽ tốt hơn cho bản thân rất nhiều".

Kinh nghiệm làm việc đầy mình, du học sinh Úc vẫn bị sếp loại để chọn sinh viên Bách khoa mới ra trường - Ảnh 6.

Sếp Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom

 Ở vòng Chinh phục, Hồng Nhung nhận được 2 đèn xanh từ Sếp Dũng và Sếp Trí, vừa đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng Cơ hội cho ai. Mức lương kỳ vọng của Hồng Nhung là 10.000.001 đồng.

photo-1

Ứng viên Hồng Nhung về với đội của Sếp Dũng

Chia sẻ về mức lương kỳ vọng lẻ 1 đồng của mình, Hồng Nhung cho hay, đối với cô nàng hiện tại, 10 triệu đã đủ trang trải cuộc sống, 1 đồng còn lại để hướng về gia đình. "Em luôn tự nhủ với lòng là khi mình có lương 10 triệu, thì sau khoản 10 triệu đó, em sẽ dành tất cả cho gia đình. Em mong hôm nay là một khởi đầu mới để em có thể hoàn thành trách nhiệm của em với gia đình mình" - Hồng Nhung cho hay.

Sau tất cả, nữ ứng viên sinh năm 2000 nhận được 2 offer: vị trí nhân viên R&D và quản lý chất lượng với mức lương 16 triệu đồng; vị trí Scrum Master tập sự với mức lương 12 triệu đồng. Kết quả cuối cùng, Hồng Nhung đã quyết định lựa chọn vị trí nhân viên R&D và quản lý chất lượng với mức lương 16 triệu đồng.

Ảnh: Fanpage Cơ Hội Cho Ai

Thảo Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm