6 điều nhà tuyển dụng muốn người tìm việc hiểu rõ

17/10/2022 15:50 GMT+7 | Bạn cần biết

Có thể bạn là người tìm việc có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đáp ứng công việc nhưng nhà tuyển dụng quyết định lựa chọn bạn hay không lại dựa trên nhiều yếu tố. Hãy cùng “bắt mạch” nhà tuyển dụng để hiểu được những điều mà họ muốn ứng viên hiểu nhé.

Sự trung thực

Trung thực là tiêu chí đầu tiên để tuyển chọn ứng viên. Thực tế thông tin trong hồ sơ cũng như nội dung bạn trả lời trong cuộc phỏng vấn đều được kiểm chứng trước khi nhà tuyển dụng quyết định nhận bạn. Không có nhà tuyển dụng nào “rảnh rỗi” ngồi nghe ứng viên nói dối, và chỉ có những ứng viên ngây ngô mới cho rằng mình có thể nói dối mà không bị phát hiện.

Chú thích ảnh

Do đó các thông tin như bằng cấp, chuyên môn hay vị trí bạn đã từng đảm nhận, thành tích mà bạn đạt được… tốt nhất là nên trung thực. Đừng chỉ vì làm đẹp hồ sơ hoặc muốn tìm được công việc làm bằng mọi cách mà thổi phồng lên. Nhà tuyển dụng sẽ thẳng tay loại bỏ bạn ngay khi phát hiện gian dối.

Sự nghiêm túc, cẩn thận

CV và thư xin việc chính là “phương tiện” đầu tiên bạn “quảng cáo” bản thân đến nhà tuyển dụng. Với vai trò đặc biệt quan trọng, hai văn bản này cần được viết rõ ràng, nghiêm túc, trình bày cẩn thận. Sử dụng câu chữ đúng chính tả, chấm, phẩy, dấu câu, chữ in hoa, ngữ pháp…

Một bản CV sai chính tả, rườm rà sẽ làm người đọc khó chịu, qua đó cũng thể hiện kỹ năng yếu kém và sự cẩu thả của ứng viên.

Trước khi gửi đi, bạn nên kiểm tra thật kỹ. Nếu không tin vào khả năng của mình, bạn có thể nhờ ai đó giỏi chữ nghĩa đọc và sửa để khi đến tay nhà tuyển dụng, bản hồ sơ của bạn hoàn hảo nhất.

Thẳng thắn, rõ ràng

Nhà tuyển dụng chỉ có một thời gian ngắn dành cho cuộc phỏng vấn. Thế nên họ sẽ cảm thấy khó chịu nếu như ứng viên trả lời lòng vòng, dùng ngôn từ hoa mỹ, sáo rỗng trong khi nội dung không rõ ràng. Điều này sẽ khiến bạn ở vai trò là người tìm việc bị đánh giá là thiếu kỹ năng giao tiếp hoặc là đang cố tình nói tránh, nói dối.

Chú thích ảnh

Tốt nhất là bạn nên đưa ra câu trả lời thẳng vào nội dung chính. Đừng cố tình “vẽ rồng vẽ rắn” thêm vào những chi tiết không liên quan. Rõ ràng, thẳng thắn, ngắn gọn chính là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn nhìn thấy ở ứng viên.

Không viện cớ hay đưa ra các lí do

Giả sử hồ sơ của bạn có nhiều thiếu sót hoặc bạn đến phỏng vấn trễ thì thẳng thắn nhận lỗi là điều nên làm. Không nên đưa ra các lí do để giải thích, bao biện (cho dù lí do đó có thật, chính đáng) bởi lẽ nhà tuyển dụng không quan tâm đến lí do. Họ muốn người tìm việc hiểu rằng, kết quả cuối cùng mới là điều quan trọng.

Điều này cũng chính là phương châm trong hành trình công việc về sau. Bất kể bạn gặp vấn đề gì, tìm ra giải pháp để đạt được hiệu suất cao nhất quan trọng hơn là giải thích lí do thất bại.

Vẻ ngoài rất quan trọng

Một số ứng viên vẫn cho rằng, chỉ những công việc yêu cầu về ngoại hình thì nhà tuyển dụng mới chú trọng tiêu chí này. Tuy nhiên họ lại rất quan tâm đến vẻ ngoài của ứng viên.

Vẻ ngoài bao gồm trang phục, kiểu tóc, giày dép… gọn gàng, sạch sẽ cho đến phong cách và cả khí chất thể hiện ra phong thái của bạn. Một người có vẻ ngoài thu hút và phong cách phù hợp với công việc (và với công ty) thì sẽ tạo được ấn tượng tốt và dễ ghi điểm hơn.

Lời cảm ơn chân thành sau buổi phỏng vấn

Dù rằng phỏng vấn nhân sự là nhiệm vụ và nhu cầu của doanh nghiệp nhưng sau buổi phỏng vấn, họ vẫn mong nhận được lời cảm ơn chân thành từ ứng viên.

Lời cảm ơn thể hiện cho việc ứng viên thấu hiểu và trân trọng cơ hội mà nhà tuyển dụng đã mang đến. Qua đó cũng thể hiện được “tầng văn hóa” của người tìm việc.

Nhận được lời cảm ơn cuối thư xin việc, lời cảm ơn sau buổi phỏng vấn hoặc ngay cả với người liên hệ với bạn để hẹn cuộc phỏng vấn… sẽ làm nhà tuyển dụng có thiện cảm với bạn.

Có những vấn đề nhà tuyển dụng không yêu cầu cụ thể nhưng vẫn mong người tìm việc hiểu rõ và thực hành tốt. Nếu muốn có được cơ hội việc làm thì bên cạnh việc đáp ứng chuyên môn, kinh nghiệm thì bạn cũng cần nắm bắt được những “tín hiệu” trên đây.

Hảo Đặng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm