24/04/2024 07:02 GMT+7 | Văn hoá
Mẹ Doãn Ngọc Trâm - thân mẫu liệt sĩ, bác sĩ, anh hùng Đặng Thùy Trâm đã phiêu du về miền mây trắng lúc 4h48 ngày 16/4/2024, hưởng thọ 100 tuổi (1925 - 2024). Xin kính biệt mẹ! Cầu mong hương hồn mẹ sớm siêu thoát, được đoàn tụ với ông và người con trai duy nhất và gặp con gái Đặng Thùy Trâm sau 54 năm âm dương cách biệt...
1. Cơ duyên cho tôi có nhiều dịp gặp mẹ Doãn Ngọc Trâm - người mẹ của bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm trong nhiều chương trình giao lưu tại Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên... Song có lẽ chuyến đi thăm Việt Bắc - chiến khu xưa, tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng mẹ và mới có thời gian gần mẹ nhiều hơn. Gương mặt phúc hậu của mẹ luôn thường trực nụ cười ấm áp và đặc biệt là thần thái tinh anh, vui khỏe yêu đời hiện lên trong ánh mắt.
Một đêm ngủ cùng phòng với mẹ, tôi may mắn được nghe nhiều tâm sự. Dường như trong dòng ký ức của mẹ, chị Thùy - tên gọi âu yếm mẹ và các em dành cho chị Đặng Thùy Trâm, người con gái anh hùng vẫn được nhắc đến nhiều nhất. Mẹ kể về chị Thùy với ánh mắt đượm buồn, da diết nỗi nhớ thương. Dường như trong lòng người mẹ ấy, đứa con thân yêu chưa bao giờ đi xa, mà chỉ mới vắng nhà ít hôm...
Mẹ tặng tôi cuốn sách Đặng Thùy Trâm - Viết từ Cali và những cánh rừng ký ức. Tôi bị cuốn theo dòng hồi ức của mẹ như cuốn phim quay chậm...
Mẹ Doãn Ngọc Trâm sinh ngày 23/12/1925 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình trí thức. Từ nhỏ, mẹ đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học hỏi, say mê đọc sách. Trong kháng chiến chống Pháp, mẹ từng dạy học ở Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi do tướng Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng.
Nuôi ý chí được học tập vươn lên, từ trung cấp, mẹ học lên đại học và trở thành giảng viên Đại học Dược Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu (năm 1986). Mẹ kết hôn với bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê (1916 - 1999). Ông bà có 5 người con, trong đó có 4 con gái và 1 con trai út. Bốn chị em gái đều mang tên mẹ - Trâm, chỉ khác đệm và vì thế mẹ đã có quy ước gọi tên đệm của con: Thùy Trâm là Thùy, Hiền Trâm là Hiền, Phương Trâm là Phương và Kim Trâm là Kim. Cũng vì cái tên này, mấy đứa cháu của mẹ có lúc cứ rối lên, phải hỏi lại "Trâm bà, hoặc Trâm bác, Trâm mẹ ạ".
Người con trai út duy nhất là anh Đặng Hồng Quang. Anh học giỏi, đàn hay, là niềm tự hào của mẹ và gia đình. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô (cũ), anh được chuyển tiếp nghiên cứu sinh, nhưng anh mất vì bạo bệnh. Khi biết tôi đã từng tham gia Trại Hè thiếu nhi quốc tế ở APTEK (Liên Xô), đôi mắt mẹ rực sáng, mẹ hồ hởi kể "Thằng Quang nhà mẹ cũng đi trại Hè đó. Hôm nào con qua nhà, mẹ cho xem ảnh Quang chơi đàn tại trại Hè".
2. Mỗi khi nhắc đến tên Thùy Trâm, gương mặt phúc hậu, lưu dấu ấn của một thời xuân sắc như sáng lên, giọng nói ấm áp, ngập tràn tình yêu thương. Mẹ trở lại ký ức tuổi thơ của Thùy. Đôi mắt đượm buồn nhìn về cõi xa xăm.
Là con gái đầu lòng, chị gái của 4 em nhỏ, từ khi 12, 13 tuổi, chị đã thay bố mẹ quán xuyến việc gia đình, phân chia, quản lý, chi tiêu rành mạch từ ăn uống đến trông nom các em. Mẹ luôn dạy các con tính tự lập và lòng trung thực. Dù tủ, rương không khóa, nhưng tiền nong không bao giờ suy suyển. Mẹ thương chị Thùy nhiều là vì chị cả vất vả ngoài việc học còn lo cho các em.
Mẹ nói: "Thùy là người con hiếu nghĩa; là người chị sống có trách nhiệm, nghiêm khắc với em, nhưng thương em hết lòng". Như đã có lần Thùy ghi trong nhật ký, Thùy đã lặn lội đạp xe cả buổi đi tìm cho em một bản nhạc. Các em Phương, Hiền, Kim và Quang đều rất phục chị, vâng lời chị. Vì lớn hơn các em khá nhiều tuổi (Thùy hơn em kế Phương Trâm 5 tuổi), nên Thùy ít tham gia các trò chơi của trẻ em mà thường quan sát, trông các em. Thùy hay đưa các em vào vườn dược liệu của Trường Cán bộ Y tế chơi trò đố cây thuốc, công dụng chữa bệnh... Chỉ cây nào chưa biết thì mới nhờ đến mẹ. Trả lời đúng bao giờ mẹ cũng có phần thưởng động viên. Mẹ sưu tầm cho các con đọc các loại sách, báo viết về những vị thuốc, cách sử dụng. Thêm nữa, mẹ hướng các con niềm ham mê đọc sách từ nhỏ. Nếp đọc sách vẫn theo mẹ. Đi đâu mẹ cũng mang theo sách theo và những lúc rỗi rãi thường mang sách ra đọc.
Mẹ biết Thùy được bạn bè quý yêu bởi cách sống chân tình, quan tâm đến các bạn. Thùy khéo tay, thạo thêu thùa, may vá. Thùy hát hay và rất thích âm nhạc. Thùy thích và học giỏi môn văn và đã đi thi học sinh giỏi văn...
3. Sau khi miền Nam giải phóng, mẹ cùng các em của chị Thùy vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) tìm mộ chị. Gặp đồng đội đã cùng chiến đấu, làm việc với Thùy, mẹ xúc động nghe những câu chuyện về con gái. Thùy đã được anh em đồng chí, được nhân dân thương quý vì đức tính hiền lành, đằm thắm. Chị Thùy chia sẻ sở thích mặc áo bà ba: "Yêu miền Nam, nên Thùy thích mặc bà ba".
Mẹ kể xúc động lắm khi biết cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm đã về với gia đình. Mẹ vui lắm chứ, tự hào lắm chứ vì cuốn nhật ký là chính phần đời con gái mình, là nỗi niềm, là tâm trạng, có cả dằn vặt, bao nỗi suy tư, đấu tranh tư tưởng... và cả tình yêu gửi gắm trong đó.
Đọc nhật ký mà thương con bội phần. Mẹ đã rất thật trải lòng khi "Sầu đong càng lắc càng đầy" (Nguyễn Du). Nhật ký là ghi cho riêng mình, nay được nhiều người biết tới mẹ rất tự hào về từng trang viết của con, song: "Cứ mỗi lần ai hỏi về Thùy, tôi đều trả lời nhưng nói thật, càng nhắc, lòng người mẹ lại càng đau đớn, thương con hơn".
Khi nghe mẹ Ngọc Trâm chia sẻ: "Cuốn nhật ký càng được nhiều người biết đến, tôi cũng lại càng nghĩ nhiều đến những liệt sĩ khác cũng trẻ và hy sinh như con tôi mà không được biết đến nhiều như Thùy...", tôi càng kính phục mẹ hơn. Dù con mình hy sinh, mẹ vẫn thấy trường hợp của mình may mắn. May mắn hơn bao người mẹ khác, bao gia đình khác hài cốt con đã được đưa về gần mẹ. Tôi phục mẹ Trâm.
Thùy cũng thường tâm sự với mẹ về những tình cảm riêng tư của mình hay các mối quan hệ bạn bè khác. Các bạn của Thùy thường đến nhà chơi. Qua bạn bè của Thùy, người mẹ thêm tự hào về cách sống, giao tiếp của con. Thùy được sống trong một gia đình trí thức, ngập tràn tình yêu thương, nên tình thương ấy sẽ tỏa ra tới tất cả mọi người.
Có một điều về tình yêu của chị, tôi đã rất muốn hỏi mẹ từ lâu, nhưng cứ đắn đo mãi và thực sự chưa biết mở lời thế nào. Khi đọc nhật ký của chị, tôi đã rất tò mò muốn biết người đàn ông chị nhắc đến với cái tên M. là ai. Hôm ấy trên xe, câu chuyện khá rôm rả, thân thiết, tôi đã mạnh dạn hỏi: "Mẹ có biết chuyện chị Thùy yêu anh M. không?". Không chút đắn đo, mẹ trả lời ngay: "Biết chứ. Cậu ấy là con nhà thơ Khương Hữu Dụng, là người cùng quê Quảng Nam với mình. Lại còn có bà con xa nữa đấy…".
Mẹ cho biết, sau 35 năm cuốn Nhật ký đi nửa vòng Trái đất đã về được đến gia đình, thì giờ lại có thêm niềm vui khi anh thương binh Lưu Quang Hào - nguyên chiến sĩ "Đoàn tàu không số" hiện đang sống tại Cát Bi, Hải Phòng đã điều trị ở bệnh xá của Đặng Thùy Trâm đã mang đến gia đình những kỷ vật của Đặng Thùy Trâm. Trong thư, chị Thùy đã giới thiệu được phục vụ đoàn tàu Không số, nhận Hào làm em nuôi và còn giới thiệu Hào làm quen với Đặng Phương Trâm - em gái kế của Đặng Thùy Trâm, mong rằng qua lời giới thiệu đó em Hào sẽ thực sự trở thành người của gia đình. Buổi ra mắt bộ sách "Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam" tại NXB Quân đội Nhân dân mẹ đã xúc động nói lên suy nghĩ đó.
Sau khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được dịch sang một số tiếng trên thế giới, mẹ Doãn Ngọc Trâm rất mừng. Khi cuốn sách được anh Nguyễn Huy Hoàng dịch ra tiếng Nga, mẹ xúc động lắm. Thế là tâm nguyện, ao ước của mẹ Doãn Ngọc Trâm và những người em của chị đã thành hiện thực. Hình ảnh xứ sở bạch dương in đậm trong tình yêu nước Nga của chị Thùy với những tác phẩm văn học, ca khúc Nga bất tử, đặc biệt là qua khúc hát Suliko mà chị Thùy thường hát ở Hà Nội những năm tháng thanh bình và giữa chiến trường ùng oàng tiếng bom gầm, đạn réo...
4. Mắt nhìn xa xăm, mẹ Doãn Ngọc Trâm nói: "Thùy yêu hoa lắm, nhất là loại hoa láng. Hoa láng nở căng, thơm dịu mát, thơm nhẹ lại bền, mẹ hay cắm ở bàn thờ cho Thùy vui". Nghe mẹ kể về chị Thùy Trâm, tôi cứ nghĩ trong lòng người mẹ ấy, đứa con gái dẫu anh hùng vẫn luôn nhỏ bé trong lòng mẹ.
Chị ra đi khép lại tuổi 27 và mãi mãi tuổi 20. Người con gái ấy đã động viên mẹ: "Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng. Đời người ai cũng chết một lần. Dĩ nhiên lòng con bao giờ cũng ao ước được trở về với mẹ với ba, với miền Bắc ngàn vạn yêu thương".
Đặng Thùy Trâm đã để lại và góp thêm cho thế hệ trẻ hôm nay "ngọn lửa tuổi hai mươi" sáng bừng khí tiết. Trong hồi ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp, bệnh nhân… của chị những ký ức về Đặng Thùy Trâm vẫn mồn một, sáng trong. Mẹ Doãn Ngọc Trâm tự hào nói về con mình: "Con gái tôi đã lấy y đức làm đầu, vì nước quên thân vì chiến trường phục vụ…".
Dường như chị Đặng Thùy Trâm chưa bao giờ mất trong tâm tưởng của những người đang sống yêu thương, quý mến, nhất là người mẹ của chị. "Phúc đức tại mẫu", mẹ Doãn Ngọc Trâm đã dạy dỗ con để thành người công dân tốt. Mẹ đã chỉ cho tôi dòng chữ phía trước ngôi mộ chị "Hãy yêu thương nhau khi còn sống" là được trích ra từ cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm.
"Mẹ yêu ơi, nếu như con của mẹ có phải ngã xuống vì ngày mai thắng lợi thì mẹ hãy khóc ít thôi mà hãy tự hào vì các con đã sống xứng đáng" - Đặng Thùy Trâm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất