Thận trọng khi mua vào USD

05/06/2008 11:00 GMT+7 | Thế giới


Không ít người chọn USD làm “nơi ẩn náu”

Nguy cơ rủi ro khi tỷ giá biến động đột ngột là điều khó tránh, nếu người tiêu dùng cứ tiếp tục đổ xô mua USD với bất kỳ giá nào.


Tuy cơn sốt đồng USD trên thị trường tự do đã nhanh chóng được dập tắt sau những ngày lên cao trong tuần cuối tháng 5/2008, nhưng tỷ giá đồng tiền này vẫn ở mức khá cao so với những tháng trước đó.
 
Người tiêu dùng vẫn có xu hướng chọn USD làm nơi gửi vốn, nhằm tránh cơn bão chỉ số giá tăng cao trong tháng 5 và dự báo sẽ còn gia tăng trong những tháng tới.

Tỷ giá hối đoái niêm yết tại các ngân hàng thương mại trong ngày 2/6 đạt trên 16.225 VND/USD, tăng khoảng 25 VND/USD (cả mua và bán) so với những ngày cuối tháng 5. Tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố cùng ngày đạt mức 16.094 VND/USD.

Đồng USD trên thị trường tự do sáng ngày 2/6 được chào với mức 17.000 - 17.300 VND/USD (mua - bán), nhưng theo đánh giá chung, lượng cung trên thị trường đang khan hiếm. Cầu chưa thuyên giảm, trong khi cung ngày một cạn dần.
 
Theo đại diện một quầy thu đổi ngoại tệ của Eximbank ở quận 1, TP.HCM, sáng ngày 2/6, đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá và nếu cần mua ngoại tệ trong thời điểm này, người tiêu dùng phải trả giá cao hơn nhiều so với tháng trước. Vị đại diện trên cho biết thêm, nếu khách hàng cần mua lượng USD lớn thì sẽ rất khó được đáp ứng, do cung không theo kịp cầu.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng chọn ngoại tệ làm “nơi ẩn náu” là tác động của lạm phát trong tháng 5/2008, với mức tăng 3,19% - cao nhất so với các tháng khác kể từ đầu năm đến nay.
 
Thêm vào đó, lãi suất huy động vốn bằng USD đã và đang được các ngân hàng tăng mạnh, song song với cuộc đua lãi suất tiền đồng trong thời gian qua.
 
Cụ thể, lãi suất huy động USD tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã chạm ngưỡng 8%/năm (kỳ hạn 3 tháng) kể từ ngày 30/5. Các kỳ hạn còn lại đều trên ngưỡng 7,5%/năm. Các ngân hàng khác cũng áp dụng mức lãi suất huy động tương tự.

So với mức lãi suất cơ bản của đồng USD đang được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng (2%/năm) thì lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng trong nước hiện quá cao.
 
Đây chính là yếu tố hấp dẫn người dân chọn mua USD để cất giữ trong bối cảnh lạm phát tăng. So với lãi suất tiền đồng, lãi suất USD chỉ bằng non nửa, nhưng do lạm phát tăng cao, nhiều người lo ngại khi nắm giữ đồng nội tệ, nên chuyển sang mua ngoại tệ gửi ngân hàng.

Trong tuần cuối tháng 5, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, so với nhu cầu về USD của doanh nghiệp thì nguồn ngoại tệ huy động về vẫn chưa đáp ứng đủ.
 
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng, người tiêu dùng nên thận trọng trước quyết định mua vào USD, vì thị trường luôn hàm chứa yếu tố đầu cơ. Nguy cơ rủi ro khi tỷ giá biến động đột ngột là điều khó tránh, nếu người tiêu dùng cứ tiếp tục đổ xô mua USD với bất kỳ giá nào.

Theo Báo Đầu tư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm