Khôn và dại

17/07/2017 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày bé, có việc đi xa, tôi lúng túng vì không biết đường sá thế nào thì nghe bố bảo: Đường ở mồm ấy, cứ hỏi khắc ra hết.

Theo lời bố, đường ở mồm theo suốt cả cuộc đời. Đi đâu cũng phải hỏi han mới không bị lạc.

Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ là cách lấy thông tin ở ta từ nghìn năm nay. Cho đến bây giờ xứ ta vẫn thế. Đến các thành phố trong nước, hay hỏi các chủ quán, các bác xe ôm. Còn ngang đường thì hỏi cảnh sát giao thông. Nói chung tăng cường hỏi thì dù mất công nhưng rồi vẫn tìm được đến nơi mình cần, dù chậm.

Chuyến đi Thanh Hóa mấy ngày vừa qua thấy cậu lái xe hỏi suốt dọc đường. Tất nhiên thông tin thu được sau mỗi lần hỏi cũng lúc có lúc không, không tương xứng với thời gian bỏ ra.

Chú thích ảnh
Thay vì hỏi đường, con người thời hiện đại sử dụng ứngng dụng của hệ thống định vị toàn cầu GPS. Ảnh: Internet

Nói chung qua cách tìm thông tin thì người ta cũng có thể thấy xã hội đang phát triển ở trình độ nào. Tất nhiên cũng là tại khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cậu lái xe đó trong điều kiện mà các ứng dụng tìm đường đã rất phổ biến đối với số đông người dùng hiện nay.

Sau tết vừa rồi, tôi có dịp đến miền nam Australia. Con tôi lái xe đưa đi nhiều điểm, có những nơi khoảng cách vài trăm cây số nó chưa từng đến. Việc tìm đường của nó chẳng như tôi xưa. Nó chẳng cần hỏi ai. Cũng chẳng ai dừng ngang đường cho mà hỏi… Mà dùng định vị toàn cầu trên iPhone.

Xe nổ máy là đi theo hướng dẫn đường trên đó, xe đến nơi ghếch vào tận cửa. Định vị còn cho biết độ dài con đường và thời gian đi. Công nghệ thông tin đã cấp cho con người cái mắt thần vạn dặm, giỏi như Tôn ngộ Không ngày nào! Đi theo định vị không nhầm đường, lại còn biết thêm những thông tin cần thiết nơi ta đến mà có khi hỏi cũng không ra được.

Ngày nay, công nghệ này cũng rất phổ biến ở trong nước, mà bất cứ ai dùng smartphone cũng có thể ứng dụng, chưa kể các thiết bị "tìm đường" chuyên dùng cho lái xe.

Australia rộng mênh mông, dân số lại ít nên công nghệ thông tin được chính phủ của họ rất coi trọng. Nó cực kỳ cần thiết và thật lợi hại trong làm ăn kinh tế. Nó đỡ hao phí thời gian cho việc thu thập thông tin, tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc. Mới hiểu sao người của họ ít và việc vẫn thông, còn ta thì cơ quan nào cũng kêu thiếu nhân lực mà người vẫn cả đống giẫm chân lên nhau, càng đông càng rối, công việc vẫn ách tắc vì công nghệ thông tin hầu như đứng ngoài. Quản lý bằng công nghệ thông tin vừa chắc vừa nhanh và cũng rất dễ minh bạch.

Con tôi bảo: người mình có thói quen hay hỏi mà đánh mất thói quen đọc. Người ta chỉ hỏi sau khi đọc hết tài liệu mà cần biết thêm. Đằng này, tài liệu lù lù cả đống, đầy đủ hết không chịu đọc, mà vẫn hỏi liên tục.

Tìm “thuốc” cho văn hóa đọc

Tìm “thuốc” cho văn hóa đọc

Văn hóa đọc VN đang yếu tới mức nào, hay thậm chí là chưa có? Lần thứ... “n”, những vấn đề ấy lại được mang ra mổ xẻ trong cuộc hội thảo về việc thành lập Ngày đọc sách VN (8/10).

Tôi giật mình vì có hình bóng mình trong câu nói ấy!

Qua đấy cũng thấy một xã hội văn minh người ta sống độc lập rất cao, không ỉ lại, không có thói quen dựa vào người khác và luôn ở thế chủ động nạp sự hiểu biết trong cái túi dự phòng của mình.

Cũng vì hiểu và làm theo lối sống đó mà người phương Tây nói chung, họ ít xảy ra chuyện trách móc ai, và không tìm cách đổ lỗi cho người khác!

Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nói lại câu chuyện khôn và dại! Một nước như ta tự hào bốn ngàn năm lịch sử, với Australia trẻ măng mấy trăm năm tuổi mà mình lạc hậu thê thảm trong ngay kỹ năng sống, lẹt đẹt về khoa học kỹ thuật, trì trệ về văn hóa.

Hóa ra câu “khôn đâu đến trẻ, dại đâu đến già” ở góc nhìn tích cực thì nó không còn đúng nữa rồi. Đôi khi, già khôn đấy, nhưng là khôn vặt xó nhà, khôn tí tẹo cho riêng mình là giỏi thôi còn cái chung thì dại lắm!

Đỗ Đức (họa sĩ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm