14/12/2013 09:40 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề quản lý tiền công đức một lần nữa lại được nhắc tới trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2013, do Bộ VH,TT&DL vừa tổ chức.
Hòm công đức hoặc khay tiền “giọt dầu” đang được đặt quá nhiều tại các cơ sở thờ tự. Trong lễ hội xuân 2013 còn diễn ra tình trạng một số đối tượng đặt giả hòm công đức để “hút” tiền của khách hành hương tại di tích núi Bà Đen (Tây Ninh) và đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Ngoài ra, Ban quản lý của nhiều di tích vẫn tự ý tiếp nhận hình thức “công đức” bằng hiện vật một cách bừa bãi, gây phản cảm - như trường hợp dư luận từng nêu về việc đặt các sư tử đá Trung Quốc vào chùa.
Nhận xét về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã đề nghị các địa phương cần nghiên cứu quản lý hòm công đức làm thế nào cho văn minh. Đặc biệt, việc mang các sư tử đá, hoặc tượng có hình thù đặc biệt vào nơi thờ tự cũng cần được chấn chỉnh.
Vị trí và số lượng hòm công đức “các loại” tại di tích luôn làm các nhà quản lý đau đầu |
Từ giữa năm 2012, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định 2245 yêu cầu mỗi di tích chỉ đặt không quá 3 hòm công đức tại 3 bàn thờ chính, đồng thời phần đặt tiền “giọt dầu” cũng chỉ đặt trên những bàn thờ chính. Tuy nhiên, trong năm 2013, chính những hòm tiền “giọt dầu” này đã xuất hiện quá nhiều và gây phản ứng từ dư luận.
“Đa phần, các di tích đình chùa đều có nhiều bàn thờ, hướng tới những mục đích khác nhau. Để chỗ nọ, bỏ chỗ kia là chuyện rất khó và nhạy cảm” - ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH, TT&DL, cho biết. “Còn nếu chỉ đặt một, hai chỗ, khách hành hương đi lễ rất đông, không chen chúc nổi nên sẽ lại tái diễn tình trạng đặt tiền lễ một cách vô tội vạ, hoặc nhét tiền vào tay, vào bệ các tượng chùa”.
“Chính vì tâm lý phân biệt tiền công đức và tiền “giọt dầu”, nên nhiều khách hành hương lại chỉ nhăm nhăm đi tìm những nơi có hòm tiền “giọt dầu” để đóng góp. Bởi, trong suy nghĩ của họ, tiền công đức sẽ thuộc về chính quyền địa phương, còn tiền “giọt dầu” là cúng cho nhà chùa để lấy phúc” - GS Lê Hồng Lý, Viện nghiên cứu văn hóa VN nói - “Bởi thế, cái cần thiết nhất hiện nay là việc áp dụng hình thức quản lý công khai, minh bạch về số tiền cung tiến, cũng như cách sử dụng. Nếu tính tới việc quản lý số lượng, vị trí các hòm “giọt dầu” này thì cũng phải nghiên cứu về quy mô và hiện trạng của từng lễ hội chứ không thể đưa ra một quy định cứng nhắc”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất