Chưa bao giờ đặt hòm công đức, không đốt vàng mã, không tiếp nhận khách về chiêm bái đội quả với “mâm cao, cỗ đầy” là câu chuyện thật, hiển nhiên ở ngôi chùa linh thiêng, cổ kính với bề dầy lịch sử hơn 300 năm ở vùng Kinh Bắc.Chuyện hiếm có giữa đời thường, chuyện cũng lạ khi mà hiện nay các lễ hội và một số di tích lịch sử đang nhuốm màu thị trường khiến các cơ quan quản lý "đau đầu" thì vẫn còn những ngôi chùa như vậy. Chùa Tiêu ngày ngày vẫn có sức hút đặc biệt với đông đảo du khách về chiêm bái, cũng là nguyên nhân níu chân chúng tôi tìm hiểu rõ ngọn ngành.
Có gì khác biệt khi không đặt hòm công đức?
P.V(người đang ghi chép) chứng kiến buổi trao đổi của Thượng toạ Thích Thanh Điện cùng các phật tử chùa Quán Sứ (HN) về kinh nghiệm của chùa Tiêu với Ni trưởng Thích Đàm Chính |
Ngày 9.3 chúng tôi về chùa Tiêu, Thứ bảy nên lượng khách về chiêm bái và lễ chùa như đông hơn ngày thường. Hơn 20 xe ô tô lớn nhỏ từ các tỉnh phía Bắc nối đuôi nhau trong bãi gửi. Đoạn đường dài dẫn vào chùa tịnh không một hàng nào bán vàng mã hay tổ chức dịch vụ đổi tiền lẻ. Cũng có một số khách lạ tìm mua tiền, vàng mã thì đều được các chủ bán hàng thản nhiên cho biết ở đây không có những dịch vụ này.
Dù khá đông du khách nhưng chùa Tiêu vẫn toát lên sự rộng, thoáng trong u tịch. Gian chính điện, đường lên tam bảo, nhà thờ tổ đều cheo leo dựa lưng vào triền núi. Lạ thay, trong hàng trăm pho tượng giữa hàng chục cửa ra vào đều không hề có đặt hòm tiền công đức như nhiều nơi mà chúng tôi vẫn gặp. Cũng không thấy bày tiền vàng mã trên các ban thờ, dưới chân các pho tượng không hề có những đồng tiền lẻ. Như sự lạ trước đời thường, chúng tôi đã tìm gặp nhà sư trụ trì chùa Tiêu.
Ni trưởng trụ trì chùa Tiêu, hiệu Thích Đàm Chính bây giờ đã ngoài 85 tuổi nhưng còn thật minh mẫn và thông tuệ, cụ nhớ lại hơn 60 năm trước tiểu về đây chùa đã vậy. Là nhà chùa không để hòm công đức, cũng không nhận lễ vật theo kiểu “mâm cao, cỗ đầy”. Ngay từ khi được tín nhiệm giữ trọng trách Ni trưởng cụ đã phát nguyện trước ban thờ Tam Bảo là sẽ không đặt hòm tiền công đức ở bất kỳ chỗ nào trong chùa. Khuyến cáo cùng tăng ni, phật tử trên mỗi bát hương chỉ nên thỉnh một nén, không dùng tiền giả (tiền vàng mã) và tiền trần tục dâng lên cửa chùa. Thói quen ấy giờ đã thành lệ chung khi du khách về chiêm bái và lễ tại chùa Tiêu, Ni trưởng trụ trì cho biết.
Cổng vào chùa Tiêu |
Lấy tiền đâu để xây dựng và tu bổ chùa?Sư cụ trụ trì chùa Tiêu bộc bạch: Gần đây, nhân dân địa phương cũng băn khoăn và ái ngại, rằng không nhận tiền công đức, tiền giọt dầu, nén nhang thì lấy đâu mà tu bổ xây dựng nhà chùa? Sư cụ cũng lại hỉ hả nói rõ nguyên nhân: Gác chuông, nhà khách, nhà Tổ… vẫn được tu bổ và xây mới khang trang như hiện nay là do những lần phát tâm tự nguyện. Mỗi lần sửa chữa hay xây dựng nhà chùa báo cáo với địa phương kế hoạch, lễ phát tâm gọn gàng đơn giản, dù một li một lai của những người tự tâm đóng góp nhà chùa đều nhận. Và chỉ nhận tiền đủ làm, sau đó kính cáo hết thời hạn công đức. Mới có chuyện, mấy năm trước có một doanh nghiệp ở Hà Nội cúng tiến vào chùa một khoản tiền khá lớn để xây dựng tháp chuông, nhà chùa đã làm xong công trình nên không nhận. Đôi bên co kéo mãi, cuối cùng sư cụ đành phải nói “dỗi” với vị đại diện doanh nghiệp: Nếu cố tình để lại tiền cho nhà chùa thì mời mang vào ủy ban xã mà trao, xã sẽ chuyển cho một số hộ còn nghèo! Doanh nghiệp kia đành chịu và bây giờ vẫn đều đều về chùa Tiêu tạ lễ.
Về chùa Tiêu, du khách cũng sẽ có thêm một cách hiểu về “văn hóa giọt dầu, nén tâm hương” khi mà còn nơi này, nơi kia trong các đền, chùa vẫn còn những chiếc hòm công đức bị lợi dụng và mọc lên thái quá. Khi mà trong ý thức của một số người đi lễ vẫn cố sắm mâm cao, cỗ đầy và đốt vàng mã vô tổ chức.
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, chùa Tiêu tọa lạc trên lưng chừng núi thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sử sách còn chép lại và lưu danh đây là nơi trụ trì của thiền sư Lý Vạn Hạnh, người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn – vị vua đầu tiên của Triều Lý. Chùa Tiêu cũng là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trong những trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam. Đặc biệt, chùa Tiêu hiện nay vẫn đang lưu giữ, thờ phụng và bảo quản được nhục thân thiền sư Như Trí với dáng vẻ “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ. Giống như nhục thân hai vị thiền sư chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) thiền sư Như Trí cũng tịch trong tư thế ngồi thiền kiết già và được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gốm đất tổ mối, sơn ta, mùn cưa” (Theo công trình nghiên cứu của PGS.TS khoa học Nguyễn Lân Cường). Pho tượng táng tại tháp cổ chùa Tiêu đã gần 300 năm. Các nghiên cứu khoa học về văn bản chữ viết đã xác định thiền sư Như Trí là người có công trùng san và in nhiều bộ sách Phật học có giá trị về Phật giáo, văn học, triết học và văn hóa dân gian… Với những giá trị như vậy, ngày 25.1.1991 chùa Tiêu đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và nghệ thuật theo quyết định 154.QĐ của Bộ VHTT-TT. |
Theo Ngọc Năm-Thu Trang
Báo Văn hóa