Khi nhạc sĩ 'cầm cân nảy mực' LHP Venice

04/09/2014 07:48 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Alexandre Desplat, Chủ tịch Ban giám khảo Liên hoan phim (LHP) Venice năm nay là một nhà soạn nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên một nhạc sĩ được ngồi ghế điều hành Ban giám khảo LHP lâu đời nhất thế giới.

Trong khuôn khổ LHP Venice đang diễn ra, Desplat đã có cuộc chuyện trò với báo giới về công việc mới mẻ, đặc biệt của mình.

* Đây là lần đầu tiên một nhà soạn nhạc phim được chọn làm Chủ tịch Ban giám khảo LHP Venice. Vai trò này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

- Có thể nói, nhạc sĩ là tác giả thứ 3 của một dự án điện ảnh, sau đạo diễn và nhà biên kịch. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu phải làm được những điều tốt nhất cho bộ phim. Nhìn lại các năm qua, bạn có thể thấy chưa có một nhà soạn nhạc nào được bổ nhiệm là Chủ tịch Ban giám khảo tại các LHP Berlin, Venice, Cannes.

Song như vậy không có nghĩa là các nhà soạn nhạc lớn như Nino Rota, Maurice Jarre, John Williams, Jerry Goldsmith hay Ennio Morricone không có khả năng về điện ảnh, mà thực tế họ còn nắm rất chắc lĩnh vực nghệ thuật này.

Tuy nhiên trước Alberto Barbera (Giám đốc LHP Venice năm nay), không vị giám đốc nào muốn đưa một nhạc sĩ vào ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo. Vì vậy, tôi thấy vô cùng biết ơn và hạnh phúc, khi có cơ hội được làm công việc này. Hy vọng, đây sẽ là viên gạch lát đường để các LHP sau này tiếp tục đưa các nhạc sĩ vào ban giám khảo.


Nhà soạn nhạc Pháp Alexandre Desplat, Chủ tịch Ban giám khảo LHP Venice lần thứ 71

* Ông làm thế nào để giữ được sự khách quan khi chấm các phim, nhất là các phim có phần nhạc nền hay?

- Một bộ phim hay là sự kết hợp hoàn hảo của nhiều yếu tố: chủ đề, kịch bản, đạo diễn, diễn xuất của diễn viên và âm nhạc. Tôi sẽ chỉ quan tâm tới âm nhạc khi nó là một phần của câu chuyện trong phim, khi nó gắn kết với bộ phim.

* Là một nhà soạn nhạc, ông hy vọng gì khi nhận được một kịch bản phim mới?

- Tôi luôn hy vọng có được một sự hòa trộn hoàn hảo của mọi yếu tố kể trên. Đương nhiên, làm được một bộ phim hay rất khó. Mỗi năm chúng ta cho ra đời được bao nhiêu kiệt tác điện ảnh? Không nhiều.

* Công việc của ông thế nào khi mới khởi nghiệp ở vai trò nhà soạn nhạc? Ông có nhận được nhiều lời mời hợp tác của các nhà làm phim không?

- Các đạo diễn Roman Polanski, George Clooney và Stephen Frears đã mời tôi viết nhạc phim của họ. Tôi đoán là họ đã nghe nhạc của tôi và biết được cảm nhận của tôi về một dự án điện ảnh.

* Sau khi nhận được kịch bản, ông bắt đầu quá trình sáng tác nhạc phim như thế nào?

- Công việc này giống như một vận động viên điền kinh. Có lúc phải chạy cự ly dài, có lúc chạy cự ly ngắn. Khi đọc xong kịch bản, có thể bạn sẽ hình dung được ngay cái khung cho bản nhạc. Nhưng cũng có khi phải đợi tới lúc phim quay xong rồi, bạn mới có thể viết nhạc, dựa trên hình ảnh trong phim.

* Có khi nào ông viết nhạc mà không cần xem phim?

- Ý tưởng sáng tác có thể nảy sinh ở bất cứ đâu. Một giai điệu thường bắt đầu với sự hòa trộn của âm thanh, với các nhịp, phách nhất định. Khi bộ phim đã dựng xong, bạn có thể soạn nhạc dựa trên ý tưởng của phim. Nhưng ngay cả thế, nếu thấy không phù hợp, bạn vẫn có thể làm lại.

* Thật tuyệt vời khi ông đã sáng tác nhạc nền cho nhiều thể loại phim, từ Harry Potter tới Fantastic Mr. Fox, The Queen và The King's Speech.

- Việc này cũng giống như khi bạn đi xem phim thôi. Có lúc bạn muốn xem phim hành động, lúc muốn xem phim giả tưởng, chính kịch hay phim hài. Bạn sẽ thấy buồn tẻ và nhàm chán khi lúc nào cũng chỉ xem một thể loại phim. Viết nhạc cũng vậy. Tôi muốn được sáng tác nhạc cho nhiều thể loại phim khác nhau, mặc dù như thế sẽ gặp nhiều thách thức và rủi ro hơn.  

* Ông có được quyền tự do hoàn toàn khi sáng tác nhạc cho một bộ phim? Chẳng hạn, với bộ phim này ông muốn nhạc jazz và phim kia ông muốn nhạc cổ điển?

- Không bao giờ bạn có sự tự do tuyệt đối như thế cả, bởi phim ảnh là một tác phẩm nghệ thuật với sự hợp tác với nhiều người khác, gồm đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên, thiết kế sản xuất và thiết kế trang phục.

Đây là một công việc tập thể và tôi chỉ là một yếu tố trong đó. Khi được chọn là nhà soạn nhạc của một dự án điện ảnh nào đó, tôi biết mình không phải là một nghệ sĩ tự do, không thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng tôi được tự do trong khuôn khổ mình có. Khi tôi cảm thấy khuôn khổ đó bị bó hẹp, tôi có thể chọn cách không đi tiếp cùng bộ phim nữa. Nhưng nếu cảm thấy khuôn khổ đã phù hợp, tôi sẽ tận tâm đóng góp cho bộ phim, chứ không nghĩ đến bản thân mình.

6 lần được đề cử Oscar

Alexandre Desplat sinh ra ở Paris vào năm 1961. Ông yêu thích điện ảnh và mong muốn trở thành một nhà soạn nhạc phim từ khi còn nhỏ.  Ông bắt đầu soạn nhạc phim từ những năm 1980 và tạo bước đột phá vào năm 2003 với nhạc nền phim Girl With A Pearl Earring (Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai). Kể từ đó, ông đã gặt hái thành công với các nhạc phẩm trong phim The Queen, The King's Speech, Zero Dark Thirty, The Curious Case Of Benjamin Button The Grand Budapest Hotel.

Desplat đã “rinh” nhiều giải thưởng quốc tế và đã 6 lần được đề cử giải Oscar.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm