Khi hôn nhân thành công cụ câu khách

12/07/2015 05:46 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(Thethaovanhoa.vn) - Married At First Sight (Kết hôn từ cái nhìn đầu tiên) là chương trình truyền hình được dự báo sẽ gây sốt ở Anh trong thời gian tới, với nội dung ghép các đôi nam nữ theo căn cứ khoa học và để họ cưới nhau ngay từ tập đầu tiên.

Hôn nhân thành công cần tình yêu, cảm giác, sự sẻ chia hay chỉ cần hợp nhau dựa trên các nguyên tắc khoa học? Mỗi cặp vợ chồng hòa thuận có phải chỉ cần khớp nhau trên giấy tờ và không cần để ‎tâm tới những yếu tố khác, như người vợ không thích mùi cơ thể của chồng, hay người chồng thấy vợ mình phiền phức?

Đó là những câu hỏi mà chương trình Married At First Sight cố trả lời bằng phương pháp đáng tin cậy: thực tế hóa các giả thiết đó.

Khó tìm bạn đời vì… điện thoại thông minh

Thời trước, tìm kiếm một người bạn đời không mấy khó khăn. Người ta gặp nhau khá dễ dàng, như trong một quán rượu. Nếu thích nhau, họ sẽ gặp lại nhau, đến khi chán hoặc có ai đó thú vị hơn.

Đến một độ tuổi nào đấy, họ sẽ muốn ở bên cạnh ai đó, mãi mãi. Một gia đình được thiết lập, với hai người đồng thuận vượt qua sóng gió và cả những giây phút nhàm chán. Người ta gọi đó là tình yêu đích thực.


 Cặp vợ chồng người Mỹ được chọn cho chương trình Married At First Sight: Jamie Otis và Doug Hehner.

Sau đó internet ra đời, thêm các ứng dụng vào điện thoại thông minh của bạn, khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Bỗng dưng lựa chọn đến từ khắp nơi. Những người bạn mang theo các mốn quan hệ mới, rồi bạn bè tới từ các hội trên mạng, các CLB, bữa tiệc, sự kiện. Tóm lại là người ta có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Nghe có vẻ tuyệt vời, vì chắc chắn trong đám rất đông đó sẽ có ai đó dành cho bạn chứ? Nhưng thực tế là rất nhiều khi, bạn thấy chẳng có ai cả. Tất cả mọi người, kể cả bạn, trở nên lo lắng và ngại ổn định đến thế. Họ luôn lo rằng có ai đó tốt hơn người mình gặp gỡ vừa lướt qua và mình có thể bỏ lỡ nhân vật ấy. Đó là sự trớ trêu, khi người ta có nhiều lựa chọn.

Hôn nhân sắp đặt thế kỷ 21

Và giờ đây người ta có Married At First Sight (phát trên Kênh 4 ở Anh). Chương trình quy tụ những người bạn đời tiềm năng, được ghép lại với nhau dựa trên những yếu tố làm nên tình yêu đích thực, đã được khoa học chứng minh.

Chương trình này sẽ tước đi quyền lựa chọn của các nhân vật và trao nó vào các chuyên gia. 1.500 người đã đăng ký tham gia tuyển chọn cho chương trình.

Cuối cùng, chỉ 5 đôi được chọn. Đó là Carla Germaine (23 tuổi) và Greg Cordell (28 tuổi) người Anh, Pia Lauerson (50 tuổi) và Frank Eriksen (56 tuổi) người Đan Mạch, Jamie Otis (28 tuổi) và Doug Hehner (31 tuổi) người Mỹ, Zoe Hendrix (25 tuổi) và Alex Garner (29 tuổi) người Australia, Monet Bell (34 tuổi) và Vaughn Copeland (31 tuổi) người Mỹ.

Họ háo hức để được làm đám cưới với một người xa lạ trước hàng triệu khán giả truyền hình. Theo các yếu tố khoa học, những con người này phù hợp nhất để làm bạn đời với họ. Một chương trình nghe có vẻ hơi... điên hoặc hơi cổ hủ (vì giống hôn nhân sắp đặt của thời xa xưa).

Về cơ bản, đây quả là một dạng hôn nhân sắp đặt của thế kỷ 21, nhưng không phải do phụ huynh, mà là khoa học định đoạt.

Theo Tiến sĩ Mark Coulson, một nhà nghiên cứu tâm lý, 300 câu hỏi đã được đặt ra cho các nhân vật để tìm hiểu tính cách. Còn Tiến sĩ Jo Coker tìm hiểu lịch sử tình cảm của họ.

Không những vậy, hoạt động sinh hoạt của các nhân vật trong các dịp cuối tuần cũng được ghi hình lại để Tiến sĩ Andrew Irving có thể ghép các cặp có sở thích, hành động giống nhau. Mặc dù vậy, vẫn có ít giải thích khoa học về cách làm này, đặc biệt là phần ghép các đôi có ADN tương thích. Có khoa học nào giải thích việc người ta không ưa mùi hương hay phong thái của nhau?

Kết thúc đám cưới trên truyền hình, sẽ có kỳ nghỉ trăng mật dành cho các đôi vợ chồng và cuộc sống chung 5 tuần, cũng được đưa lên sóng. Sau đó, họ sẽ quyết định có gắn bó với nhau không hoặc sẽ ly hôn chóng vánh.

Nha Đam (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm