31/10/2013 14:18 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Trong điều kiện các yếu tố bạo lực tình dục và tiếng lóng được sử dụng quá nhiều trong phim ảnh hiện đại, cộng với việc giới trẻ thoải mái xem phim dành cho người lớn qua mạng, câu hỏi đặt ra là việc xếp hạng NC-17 có còn ý nghĩa gì không?
Riêng việc phim Cành cọ vàng Blue Is The Warmest Color (xếp hạng NC-17) vẫn được một nhà phát hành ở Mỹ cho khán giả dưới 17 tuổi vào xem, là dấu hiệu mới cho thấy thứ rào cản này đã suy yếu.
Trong lịch sử, mức xếp hạng NC-17 được coi là hồi chuông báo tử, còn nói nhẹ nhàng hơn là báo hiệu quá trình phát hành đầy chông gai.
Chỉ hướng dẫn, không "cưỡng chế"
Khi đưa tin về việc này, tờ New York Times cũng chỉ ra rằng xếp hạng của Hiệp hội điện ảnh Mỹ - MPAA (từ G, hạng phim mà lứa tuổi nào cũng xem được, cho đến NC-17) chỉ có giá trị chỉ dẫn đối với các rạp chiếu phim và các bậc cha mẹ chứ không có giá trị pháp lý.
Theo tạp chí Salon, những phim bị dán nhãn NC-17 vốn không tìm kiếm cùng một loại khán giả với những phim đại chúng như Transformers. Nhà làm phim khi quyết định thực hiện một bộ phim nghệ thuật kén khán giả cũng không trông mong phim thu về số tiền hàng trăm triệu USD như các phim bom tấn.
Hệ thống phân loại phim theo độ tuổi hiện hành của Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPAA). |
Những năm gần đây, các phim NC-17 nổi tiếng nhất là Shame, Blue Valentine và Blue Is The Warmest Color có điểm chung là nặng về tình dục nhưng không có bạo lực. Theo Salon, điều này thể hiện quan điểm xếp hạng của MPAA: Hiệp hội "ngại" tình dục hơn so với bạo lực. Phim bạo lực, dù rùng rợn đến đâu, thường được MPAA dán nhãn R.
Tạp chí Salon cho rằng mức xếp hạng này không công bằng, thậm chí còn bêu xấu tình dục – khiến khán giả nghĩ rằng đây là nội dung chỉ phù hợp để xem lén lút qua mạng, thay vì nhìn nhận điều đó như một phần không thể thiếu trong tình yêu và cuộc đời.
Thêm vào đó, trong các phim nghệ thuật, nhiều khi yếu tố này được đề cập với tính thẩm mỹ và nhân văn cao.
Sự ngây thơ đã mất
Sự thật là, khán giả tuổi teen lâu nay đã dễ dàng tiếp cận nhiều bộ phim dành cho người lớn qua máy tính cá nhân. Vậy, nhãn NC-17 ngày nay còn có ý nghĩa gì?
Nhà phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert (qua đời tháng 4 năm nay), trong một bài viết hồi năm 2010, cho rằng cách phân loại cũ (chia nhỏ theo một số độ tuổi nhất định: G, PG, PG-13, R, NC-17) đã lỗi thời, không bắt kịp thị hiếu của khán giả Mỹ cũng như sự phát triển của điện ảnh.
Ví dụ, phim đoạt giải Oscar The King’s Speech được xếp hạng R vì ngôn ngữ, dù chỉ có 1 cảnh có sử dụng ngôn ngữ tục, còn lại hoàn toàn vô hại. Trong khi đó, phim thảm họa 2012 cũng có vấn đề ở ngôn ngữ, cộng thêm các cảnh chết chóc và tận thế, lại mang nhãn PG-13.
Nhà phê bình cho rằng từ khi hệ thống phân loại được lập ra cách đây 42 năm, các yếu tố ngôn ngữ tục, bạo lực và tình dục trong điện ảnh ngày càng phổ biến, thậm chí tràn lan. Như một kết quả tất yếu, khán giả cũng quen mắt hơn với các yếu tố này.
Theo Slash Film, Chủ tịch MPAA là Jack Valenti – cũng là người lập ra hệ thống phân loại – từng nói với Ebert rằng công việc của MPAA là "hướng dẫn các bậc cha mẹ Mỹ".
Nhưng "các bậc cha mẹ Mỹ" cách đây 42 năm chưa phải lo lắng về việc con cái xem phim khiêu dâm trên mạng. Hiện nay, chính các bậc cha mẹ cũng đã phải thay đổi cách kiểm soát con cái, và chỉ hệ thống phân loại của MPAA thôi thì chưa đủ giúp họ.
Ebert nhận định, R và dưới R là 2 mức xếp hạng có tính thực chất nhất trong hệ thống phân loại hiện nay. Tuy nhiên, để quy củ hơn, ông đề xuất một hệ thống phân loại mới, đơn giản hơn: G (General - cho khán giả nhỏ tuổi), T (Teen - cho khán giả tuổi teen) và A (Adult - cho người lớn).
Đặc biệt, cách xếp hạng của Ebert không dựa vào nội dung phim như MPAA mà căn cứ vào đối tượng khán giả mục tiêu của từng bộ.
Nói chung, tiêu chuẩn là một thứ có thể thay đổi, không thể vin mãi vào những cái chuẩn cũ. "Đã đến lúc chúng ta thừa nhận là đã đánh mất sự ngây thơ" - trang Slash Film viết. Vấn đề là sớm chấp nhận hay không và làm thế nào để khiến thực tế đó có ích cho khán giả hiện nay.
Tư liệu bổ sung: "Shame" - phim hay không sợ mang tiếng Bộ phim NC-17 này được nhà phê bình Roger Ebert xếp thứ 2 trong bảng số các phim hay nhất năm 2011, được khán giả trên IMDB chấm 7,3 điểm và 79% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes. Shame (Hổ thẹn) do 2 ngôi sao Michael Fassbender và Carey Mulligan đóng vai chính, ra rạp tháng 12/2011. Phim kể về nhân vật nam chính nghiện sex Brandon (Fassbender đóng) và người chị Sissy (Mulligan) có vấn đề về tâm lý. Nếu nhãn NC-17 được coi là một kiểu "mang tiếng" thì với Shame, mọi chuyện ngược lại. Nhà làm phim đã dùng cái nhãn này để quảng bá phim thêm hiệu quả. Phim được đề cử giải Sư tử vàng ở LHP Venice năm 2011, còn diễn viên Michael Fassbender đoạt cúp Volpi cho Nam diễn viên chính xuất sắc. Khi phát hành năm 2011, Shame cũng khiến báo chí Mỹ xôn xao gần như Blue Is the Warmest Color hiện tại. Sau khi công chiếu, phim được giới phê bình khen ngợi, kể cả những cây bút khó tính nhất. Ngay từ khi đó, đạo diễn Steve McQueen đã nhận ra xếp hạng NC-17 là một thứ đã lỗi thời. Ông cho rằng khán giả và giám khảo các giải thưởng điện ảnh không còn bị tác động nhiều bởi các mức xếp hạng độ tuổi. "Những gì chúng tôi trình chiếu trong bộ phim là quá lành so với những gì ta có thể tìm thấy trên Internet" - đạo diễn nói với 24 Frames. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất