'Kết hôn như xuống địa ngục': Thanh niên Trung Quốc ngày càng từ chối hôn nhân vì không có tiền và sợ khó ly dị

30/01/2023 21:31 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Số lượng người Trung Quốc kết hôn và sinh con đều đã giảm mạnh trong năm qua và có xu hướng tiếp tục đi xuống.

Ngày 30/1, một đoạn video quay cảnh Cục Nội chính ở Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã xuất hiện trên thanh tìm kiếm nóng của mạng xã hội lớn nhất nước này - Weibo. Vào ngày đầu tiên cơ quan hành chính làm việc sau Tết Âm lịch 2023, có một hàng dài hàng chục cặp vợ chồng đang xếp hàng đợi làm thủ tục ly hôn. Chỉ có đúng 2 cặp đôi đến để kết hôn.

“Kết hôn như xuống địa ngục”: Thanh niên Trung Quốc ngày càng từ chối hôn nhân vì không có tiền và sợ khó ly dị - Ảnh 1.

Số lượng các cặp vợ chồng mới cưới của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 12 triệu vào năm ngoái

Người trẻ Trung Quốc dần né tránh kết hôn 

Dù làm chính quyền đau đầu nhưng sự sụt giảm số người ở Trung Quốc kết hôn được một số người trẻ tuổi hoan nghênh vì với họ, con số này cho thấy thanh niên ngày càng dũng cảm hơn, từ chối hôn nhân miễn cưỡng chỉ để làm vui lòng phụ huynh hoặc xã hội.  

Số người kết hôn lần đầu ở quốc gia này đã giảm xuống còn 11,6 triệu vào năm ngoái, giảm gần 700.000 so với năm trước. Con số này giảm mạnh so với mức cao nhất là 23,9 triệu vào năm 2013.

Xu hướng giảm này có thể được phản ánh bởi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, đạt mức thấp kỷ lục 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái. Đây là năm đầu tiên dân số Trung Quốc giảm sau 6 thập kỷ. 

Lượng người chọn sống độc thân tăng mạnh trong những năm qua ở đất nước tỷ dân đến từ nhiều nguyên do: chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái ngày càng tăng, xã hội cạnh tranh khốc liệt và thay đổi mới trong luật khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn.

“Kết hôn như xuống địa ngục”: Thanh niên Trung Quốc ngày càng từ chối hôn nhân vì không có tiền và sợ khó ly dị - Ảnh 2.

Luật mới khiến thời gian giải quyết ly hôn kéo dài hơn

Mặc dù số liệu về hôn nhân được công bố lần đầu tiên vào tháng 12, nhưng chủ đề này đã trở thành đề tài được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo vào tuần trước - thời điểm mà hầu hết mọi người đều về thăm gia đình trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Không ít người lên tiếng ca ngợi quyết định “khôn ngoan” của những người trẻ tuổi và nói rằng họ cũng sẽ không kết hôn.

Một người dùng mạng viết: “Hôn nhân giống như một canh bạc. Vấn đề là những người bình thường không thể chịu được cái giá phải trả nếu thua, vì vậy tôi chọn không tham gia”.

Không kết hôn vì sợ khó ly hôn 

Một phụ nữ cho rằng hiện tượng này còn do điều luật mới của Trung Quốc được áp dụng vào tháng 1 năm 2021, với mục đích cải thiện sự ổn định xã hội. Người muốn ly hôn phải đợi 30 ngày sau khi nộp đơn và lâu hơn nếu đối tác từ chối ly hôn.

Biện pháp gây tranh cãi này đã khiến tỷ lệ ly hôn giảm mạnh nhưng các nhà phê bình cho rằng nó gây bất lợi cho phụ nữ, đặc biệt là những người không có nguồn thu nhập độc lập.

Nhiều người yêu cầu ly hôn không được chấp thuận ngay cả khi họ bị lừa dối hoặc bạo lực gia đình. 

“Kết hôn giống như đi xuống địa ngục. Tôi không thể tin rằng vẫn có hơn 10 triệu người kết hôn trong một năm” - một người dùng Weibo bình luận.

“Kết hôn như xuống địa ngục”: Thanh niên Trung Quốc ngày càng từ chối hôn nhân vì không có tiền và sợ khó ly dị - Ảnh 3.

Điều kiện để kết hôn theo tiêu chuẩn truyền thông quá cao khiến nhiều người từ bỏ hôn nhân

Dong Yuzheng, giám đốc Cơ quan Phát triển Dân số tỉnh Quảng Đông nói với hãng tin Yicai rằng những người trẻ tuổi phải đối mặt với áp lực cuộc sống ngày càng tăng và không thể gánh nổi gánh nặng kết hôn, tức phải mua nhà và nuôi dạy con cái theo tiêu chuẩn chung của xã hội.

Hơn nữa, trong khi nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc vẫn muốn thúc giục con cái kết hôn, thì bản thân giới trẻ lại thích tự do với cuộc sống độc thân, theo Dong.

Độ tuổi trung bình của những người kết hôn lần đầu cũng tăng đáng kể, từ 24,89 năm 2010 lên 28,67 năm 2020, theo Niên giám điều tra dân số Trung Quốc 2020. Một báo cáo năm 2021 do iiMedia Research công bố cũng nhấn mạnh ngày càng có nhiều người tự nhận mình là người độc thân một cách có chủ đích. 4% trong số 3.900 người được hỏi độc thân trong độ tuổi từ 20 đến 45 tự nhận mình là “những người độc thân ổn định”, với 21% khác tự mô tả mình là “những người độc thân chưa chắc chắn”, tức họ vẫn có thể thay đổi và kết hôn trong tương lai.

Theo báo cáo, hầu hết những người tự nhận là độc thân là phụ nữ trên 30 tuổi, đã được hưởng nền giáo dục tốt hơn và có thu nhập cao hơn trung bình ở các thành phố hạng nhất.

Nguồn: SCMP

Chi Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm