Kẻ chiến bại Bồ Đào Nha:Không chỉ thiếu may mắn

29/06/2012 14:40 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) -Ronaldo đã không còn cơ hội để chốt lại loạt sút luân lưu của Bồ Đào Nha nữa, khi hai cú sút hỏng của Moutinho và Alves đã đóng chặt cơ hội tiến vào chung kết của thầy trò Paulo Bento. Sẽ có ai đó nuối tiếc cho CR7 khi đội bóng của anh đã có 120 phút tuyệt hay trước nhà ĐKVĐ Châu Âu. Nhưng...

Bản lĩnh non kém

Có một tình huống khôi hài trong loạt sút luân lưu của Bồ Đào Nha. Đó là ở loạt sút thứ ba, trung vệ Bruno Alves hùng dũng bước lên chấm đá phạt. Ai cũng nghĩ anh sẽ là người thực hiện loạt đá thứ ba cho đội bóng của Paulo Bento. Nhưng Nani mới là người thứ ba được giao trọng trách đá phạt. Chỉ một khoảnh khắc thôi, nhưng đủ để khiến các CĐV Bồ Đào Nha cảm nhận điềm báo không lành.


Bồ Đào Nha bị loại bởi bản lĩnh non kém- Ảnh: Getty

Bruno Alves rõ ràng đã không giữ được cái đầu lạnh cần thiết ở cú đá 11 mét định mệnh. trở thành tội đồ khi đưa bóng dội xà ngang. Nhưng suy rộng ra, sẽ là không quá lời để nói rằng Bồ Đào Nha vẫn chưa đủ bản lĩnh để có thể giải quyết một trận đấu quan trọng như thế này trước khi phải đá luân lưu. Những thống kê sau 120 phút cho thấy Bồ Đào Nha hoàn toàn ngang cơ trước một Tây Ban Nha rõ ràng không còn là chính mình khi lối chơi tiqui-taca sở trường của họ đã bị các học trò của Paulo Bento xuất sắc vô hiệu hóa. Tỉ lệ kiểm soát bóng, Bồ Đào Nha 43%, Tây Ban Nha 57%, không quá chênh lệch. Số lần sút cầu môn khá tương đồng (người Bồ 10, người Tây Ban Nha 11).

Các học trò Vicente Del Bosque thường có tỉ lệ kiểm soát bóng vượt trội đối thủ. Họ đơn giản như muốn đối thủ phải chơi trò đuổi bắt với trái bóng, và khi đối thủ mệt nhoài hoặc mất kiên nhẫn, đấy là thời điểm thích hợp để ra tay. Bồ Đào Nha đã thành công trong việc thoát khỏi cái bẫy đó. Nhưng họ lại thiếu một yếu tố: bản lĩnh cần thiết để dứt điểm trận đấu. Việc các chân sút như Ronaldo hay Hugo Almeida liên tục bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn cho thấy, Bồ Đào Nha thiếu một sự lạnh lùng cần thiết trước khung thành của Casillas.

Quá phụ thuộc vào Ronaldo

Không ai phủ nhận Ronaldo đã có một giải đấu quá tuyệt vời trong màu áo Bồ Đào Nha. Anh là người lập công một nửa trong tổng số 6 bàn thắng mà Selecao của Châu Âu có được ở EURO 2012. Đóng góp của CR7 là không thể bàn cãi khi anh là thủ lĩnh toàn diện của Bồ Đào Nha cả về chuyên môn (lối chơi) cũng như tinh thần (tấm băng thủ quân trên tay), một điều mà bóng đá hiện đại đang đỏ mắt đi tìm. Nhưng một ca sĩ không thể nào làm nên một ban nhạc, và Ronaldo thì không thể nào sắm vai của bà Nữ Oa dùng đá vá cả bầu trời rộng lớn trong những câu chuyện thần thoại.

Khi Ronaldo tỏa sáng, tất cả như bị che mờ đi vấn đề muôn thuở của bóng đá Bồ Đào Nha trong nhiều năm qua: thiếu một chân sút ghi bàn. Căn bệnh mãn tính này là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bóng đá Bồ Đào Nha qua rất nhiều giải đấu lớn vừa qua. Bồ Đào Nha chưa bao giờ thiếu những tiền đạo: từ Joao Pinto, Sa Pinto ở giai đoạn cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến kỳ EURO 2004, giải đấu được tổ chức trên sân nhà, Bồ Đào Nha của Scolari có chân sút Pauleta. Nhưng kì lạ thay, hiếm khi nào các tiền đạo của đội bóng đến từ bán đảo Iberia tỏa sáng ở một kỳ EURO hay World Cup. Đó là lý do khiến không ít người lại hoài niệm về Eusebio, con báo đen trước khung thành đối phương trong giai đoạn những năm 1960 – 1970.

Paulo Bento hẳn là rất hiểu rõ hiệu ứng tiêu cực khi Bồ Đào Nha sống dựa quá nhiều vào hơi thở của CR7. Ông đã đem đến Ba Lan và Ukraina Hugo Almeida, Nelson Oliveira, Silvestre Varela và Helder Postiga. Nhưng bốn chân sút này đã làm được những gì? Chỉ hai bàn, quá ít so với những gì Ronaldo đã làm được. Việc không có một chân sút tốt khiến cho Bồ Đào Nha loay hoay với bài toán dứt điểm, đặc biệt là ở hai trận quan trọng: ra quân gặp Đức và 120 phút trong trận bán kết vừa qua. Những chiến thắng trước Hà Lan hay Đan Mạch không khỏa lấp được sự thật này. Bản thân Ronaldo cũng phung phí cả tá cơ hội ngon ăn, dù ai cũng biết cả đội bóng đã chấp nhận hy sinh làm kép phụ để CR7 có thể tỏa sáng rực rỡ.

Bóng đá là như vậy, khi anh không biết tìm cách kết liễu đối thủ bằng những bàn thắng, tức là anh đã tự chuốc lấy thất bại vào mình. Bồ Đào Nha không biết cách giết chết con mồi Tây Ban Nha, thì bi kịch xảy đến là điều không hề khó dự cảm. Giấc mơ vươn tới đỉnh cao Châu Âu của người Bồ lại thêm một lần dang dở.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm