Juventus 1-1 Inter: Derby nhạt nhẽo, chỉ nóng nạn phân biệt chủng tộc

06/04/2023 09:47 GMT+7 | Bóng đá Italy

Trận "derby nước Ý" ở lượt đi bán kết Cúp Italy diễn ra không hấp dẫn như kỳ vọng. Thay vào đó, những phút cuối trận ồn ào lại làm nóng lên vấn đề phân biệt chủng tộc, với nhân vật chính là tiền đạo Romelu Lukaku của Inter.

Chỉ vài ngày sau khi trở thành mục tiêu châm biếm bởi những pha bỏ lỡ rất "trời ơi" khiến Inter thua Fiorentina, Lukaku trở thành mục tiêu công kích của các cổ động viên Juventus quá khích. Những kẻ này đã làm động tác và mô phỏng tiếng kêu của loài khỉ hướng về Lukaku khi tiền đạo của Inter thực hiện cú sút 11m cuối trận đấu tại sân Allianz.

Derby nhạt nhẽo

Cúp Italy đang được tổ chức với thể thức "không giống ai". Từ vòng loại cho tới chung kết, các vòng đấu đều chỉ có 1 trận duy nhất, trừ vòng bán kết, nơi các đội sẽ đá 2 trận lượt đi và về. Thể thức này từng gây tranh cãi không ít bởi các chuyên gia cho rằng đá 2 lượt trận chỉ làm dày lịch thi đấu một cách không cần thiết, trong khi người ta tin rằng phía BTC muốn gia tăng số trận chỉ để tận thu "được đồng nào, hay đồng ấy". Chính việc có 2 lượt bán kết đã tạo ra kiểu trận đấu vô vị như trận derby rạng sáng qua, bất chấp góp mặt ở đó là 2 tên tuổi hàng đầu của bóng đá Italy. Mùa trước, trận bán kết lượt đi giữa Milan và Inter cũng kết thúc 0-0 trong cơn buồn ngủ của khán giả.

Lý do là bởi Cúp Italy vốn đã không phải đấu trường ưu tiên của các đội bóng mạnh, trong khi đây chính là thời điểm Juve hay Inter đều phải tập trung toàn lực cho Serie A và cúp châu Âu. Việc Cúp Italy vẫn áp dụng luật bàn thắng sân khách càng giết chết trận đấu, bởi vì Juve càng có lý do để thi triển thứ bóng đá thực dụng đến nhạt nhẽo mà họ đã làm rất tốt dưới thời HLV Max Allegri.

Inter tỏ ra khao khát hơn. Họ cần chiến thắng để cứu vãn phong độ và tâm lý đang chạm đáy. Nhưng hàng công Inter đang quá cùn với 3 trận gần nhất không ghi được bàn thắng nào, còn Juve lại quá giỏi trong việc phong kín khung thành đội nhà. Dù vậy, cuối cùng cũng có 2 bàn thắng được ghi. Juve dẫn trước ở phút 83 sau tình huống hàng thủ Inter để lọt Cuadrado và bị trừng phạt. Inter gỡ hòa ở phút 90+5 sau khi Bremer để bóng chạm tay và Lukaku sút penalty thành công. Kết quả này giúp Inter tạm chiếm lợi thế trước trận lượt về (27/4), song diễn biến sau bàn thắng của Lukaku mới là điểm nhấn của trận đấu.

Lượt đi bán kết Cúp Italy, Juventus - Inter 1-1: Lại nóng nạn phân biệt chủng tộc - Ảnh 1.

Pha ăn mừng này của Lukaku khiến trận derby ở Cúp Italy trở nên hỗn loạn

 Juventus & vấn nạn phân biệt chủng tộc

Sau cú sút gỡ hòa 1-1, Lukaku đã chạy tới trước khu vực các tifosi quá khích của Juventus và làm động tác chào kiểu phát xít đồng thời lấy ngón tay trỏ giơ lên trước miệng, hàm ý gửi thông điệp "hãy im miệng đi". Đây được cho là một hành vi có tính khiêu khích, kích động, vốn là hành vi bị cấm trong luật bóng đá quốc tế. Hệ quả là bản thân Lukaku bị phạt thẻ vàng (trở thành thẻ đỏ vì anh đã dính 1 thẻ vàng từ một pha xoạc bóng ác ý trước đó), còn các cầu thủ hai bên lao vào xô xát khiến Cuadrado (Juve) và Handanovic (Inter) cũng bị truất quyền thi đấu.

HLV Simone Inzaghi và Công ty quản lý của Lukaku đều rất bất bình về chiếc thẻ đỏ của cầu thủ này, đồng thời lên tiếng đòi xóa thẻ và yêu cầu phía Juve phải đứng ra xin lỗi chân sút người Bỉ. Inzaghi cho rằng đó là cách ăn mừng quen thuộc của Lukaku khi anh thường xuyên phải đối diện với nạn kỳ thị sắc tộc, mà mới nhất, anh đã hành động tương tự ở trận đội tuyển Bỉ thắng trên sân Thụy Điển ở vòng loại EURO 2024 hồi tuần trước.

Đây đã là lần thứ n Juventus gặp rắc rối về các hành vi phân biệt chủng tộc của giới hâm mộ. Năm 2009, họ từng bị phạt rất nặng và phải đá trên sân không có khán giả sau khi các CĐV sỉ nhục tiền đạo Mario Balotelli của Inter. Hay mới năm ngoái, một CĐV Juve đã bị cấm đến sân vĩnh viễn sau khi khiêu khích thủ môn Mike Maignan của Milan. Thậm chí, ngay chính các cầu thủ Juve cũng từng là nạn nhân của người hâm mộ quá khích đội bóng này. Tiền vệ Blaise Matuidi và tiền đạo Moise Kean từng nói rằng họ muốn rời khỏi Juve vì cảm thấy không được tôn trọng.

Mặc dù giới chức quản lý thể thao ở Italy đã rất cố gắng trong nhiều năm qua, nạn phân biệt chủng tộc ở đất nước hình chiếc ủng dường như không có thuốc chữa. Các cầu thủ da màu như Tomori, Abraham, Lukaku, Kean, Ikone... vẫn đang phải đối diện chúng mỗi cuối tuần. Năm 2021, một cầu thủ trẻ gốc Phi của lò đào tạo Milan đã tự sát ở tuổi 20, để lại bức thư tuyệt mệnh cho thấy nguyên nhân là việc kỳ thị màu da đã khiến cậu bé không thể chịu đựng nổi và cậu mong muốn cái chết của mình có thể giúp ích phần nào. Nhưng… 

 Vĩnh Nguyên

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm