Jazz vàng (Bài 3): Trumpeter Cường Vũ - Những người yêu thích jazz sẽ tự tìm đến nó

18/08/2010 07:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Cường Vũ là một nghệ sĩ trumpeter gốc Việt rất tiếng tăm ở Mỹ. Ở tuổi 41 anh có trong tay 2 giải Grammy và cộng tác với nhiều đại thụ làng Jazz thế giới mà trong đó phải kể đến Pat Metheny. Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn giữa anh và TT&VH Cuối tuần.

* Anh có thể chia sẻ về một số kỉ niệm thời thơ ấu khi anh còn ở Việt Nam cũng như các ảnh hưởng của nó đến âm nhạc của anh?

- Tôi cho rằng mọi điều xảy ra với mình trong đời đều để lại sự ảnh hưởng, một số trong đó thậm chí là rất sâu đậm, do đó nếu nói nhạc Việt Nam hay là các kí ức ngày trước của tôi về nơi này không ảnh hưởng gì đến nhạc của tôi sẽ là không đúng. Thế nhưng các ảnh hưởng đó lại là vô thức và tôi cũng không có chút nỗ lực nào để suy nghĩ nó là những gì. Có lẽ nên cho rằng tôi là một người Việt đã bị Mỹ hóa và một khi đã nói ra điều này, nó cũng tương tự như việc anh đi hỏi một người Mỹ gốc Phi liệu anh ta có sự ảnh hưởng nào từ nhạc Phi hay không. Và trực khởi mà nói, tôi nghĩ câu trả lời cũng sẽ là không. Thế nhưng mặc dù hầu hết những người Mỹ gốc Phi đều cách xa tổ tông của mình, tức những người Phi đầu tiên có mặt ở đất Mỹ hàng nhiều thế hệ, thật sự vẫn có một mĩ cảm, một cách tiếp cận khác biệt đối với âm nhạc do những nghệ sĩ người da màu thể hiện. Do vậy, nếu nói theo cách này, có lẽ tôi cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều.


Trumpeter Cường Vũ
* Khi còn bé, anh đã được tiếp xúc với những thể loại nhạc Việt Nam nào và anh đã có ảnh hưởng từ đó ra sao?

- Phần lớn nhạc Việt mà tôi được dịp tiếp xúc khi đó đều là nhạc pop Việt đã bị Tây hóa. Về phần giai điệu, phần lớn bắt rễ từ nhạc dân gian Việt Nam đó, thế nhưng lại hòa âm bằng hòa âm của phương Tây và chơi theo mùi phương Tây. Tôi cũng có nghe qua một số nhạc Việt Nam truyền thống chơi trên các nhạc cụ truyền thống, và cả “cải lương”.

* Hiện tại ở Mỹ, càng có nhiều nghệ sĩ gốc Việt trở về Việt Nam để thể hiện mình, liệu anh có dự định chia sẻ nhạc của mình đến với khán giả người Việt, những người hầu hết đều rất mới mẻ với nhạc của anh nói riêng và nhạc jazz nói chung?

- Nhạc pop và rock hay bất kì thể loại nào khác đều có lượng fan đông đảo hơn jazz, thậm chí khi nhạc jazz đã trưởng thành và phát triển đến độ nó bao hàm và hấp thụ vào mình nhạc pop, rock hay bất kì thể loại nào nó tiếp xúc, điều này là hết sức tự nhiên trong thời buổi này. Như hầu hết các loại hình nghệ thuật (tôi đang nói nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật phục vụ cho mục đích giải trí), những người yêu thích nó sẽ tự tìm đến nó. Nghệ thuật đích thực không tự đi tìm khán giả. Tôi thường thấy, à có lẽ mình đang bị bỏ rơi đâu đó vì lối nghĩ này, nhưng tất cả những điều kia lại nào có phù hợp với tôi đâu, và có lẽ tôi cũng sẽ sell-out nếu tham gia vào những khía cạnh âm nhạc kia thay vì chỉ thực hiện những gì tôi cho là cần thiết ngay vào lúc này.

Nếu có cơ may nào đó các tác phẩm của tôi được nhiều người ở Việt Nam biết đến, khi đó tôi chắc chắn, thậm chí hết lòng và hào hứng, đón lấy nó. Nhưng không đời nào tôi rời bỏ con đường mình đang chọn chỉ cốt để biến điều đó thành hiện thực.

Bài kết: Jazz luôn vàng nơi ấy!

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm